02/06/2014 04:05 GMT+7

Trào lưu nói theo trên mạng

NGUYỄN NGỌC TRÂM ANH
NGUYỄN NGỌC TRÂM ANH

TT - Diễn giả Huỳnh Minh Thuận kể: mới đây trong khi giảng dạy tại Trường ĐH Mở TP.HCM, khi phát hiện một sinh viên cúi mặt xuống bàn làm việc riêng, ông gọi: “Minh, em đang làm gì dưới bàn vậy?”. Sinh viên này ngước lên nhìn kèm theo tiếng “á đ...” khiến ông sững sờ.

Đừng hốt hoảng với ngôn ngữ tuổi “teen”Ngôn ngữ giới trẻ với Mỗi tuần một chuyện Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới

Những câu từ, tiếng lóng vốn thường xuất hiện trên mạng nay đã “được” giới trẻ sử dụng ngay trong giao tiếp ngoài đời.

"Cũng có những từ hài hước, vui vui. Nhưng nếu lồng ghép không đúng hoàn cảnh thì rất là vô duyên"

THANH HÙNG(SV Trường ĐH Mở TP.HCM)

Có thể nói “á đ...” là cụm từ được sử dụng nhiều nhất. “Á đ...” giờ đây đã trở thành trào lưu của giới trẻ: chế ảnh “á đ...” để bình luận trên mạng, in chữ “á đ....” lên áo... Đến nay phát ngôn “á đ...” trở thành câu cửa miệng quen thuộc của nhiều bạn trẻ trước những tình huống bất ngờ, bị chơi khăm, thậm chí trở thành phản xạ trong ứng xử.

Cao Tín, HS Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), thú thật đã “ăn theo” các câu nói trên mạng, áp dụng trong giao tiếp thực tế, và thường xuyên trò chuyện với mọi người bằng những câu, từ này.

Ngoài cụm từ “á đ...”, bộ sưu tập những câu nói cửa miệng đã và đang được sử dụng nhiều nhất còn có: “Mày chỉ cần đồng ý, còn lại để tao lo”, “Người nông dân phải làm sao”, “Nhìn những tấm hình đó, bạn có bị kích thích không?”.

Hay như “quá là điều bình thường luôn”, “chôn nó đi đừng để nó đẻ trứng”, “không liên quan”, “chắc vui”, “ủ ui kinh nhở”, “chuẩn không cần chỉnh”... Cô Thị Sanh, phụ huynh học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể lại việc trong khi nói chuyện với gia đình, con trai cô khiến mọi người trố mắt nhìn nhau vì thốt ra “nhìn mặt con thấy con quan tâm không”. “Vì do quen miệng sử dụng với bạn bè cùng trang lứa, thói quen chat chit trên mạng nên dẫn đến sự cố này”, cô Sanh nói.

Nhiều học sinh, sinh viên cũng thừa nhận đã gặp phải tình cảnh tương tự khi lỡ lời, buột miệng với người lớn là cha mẹ, giáo viên.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này. Đó là vì cộng đồng giới trẻ rất thích tạo trào lưu chung. Chẳng những vui mà còn “sành điệu”. Dùng kiểu nói thịnh hành sẽ rất dễ nhận được hưởng ứng của bạn bè.

Một nguyên nhân khác là giới trẻ thích vui. Vì thực tế có nhiều câu dễ thương, hài hước.

Tuy nhiên cũng theo thạc sĩ Hiếu, có rất nhiều câu hoặc cụm từ nghe là thấy “thô ơi là thô”. Những từ đó dù vui đến đâu chăng nữa giới trẻ cũng nên loại khỏi từ điển giao tiếp. “Thử tưởng tượng đang trò chuyện với bạn bè, bỗng dưng một người chen vào “á đ...”. Đó là một cụm từ văng tục rất phản cảm. Chính vì thế cụm từ này, và cả những cụm từ phản cảm khác, là những con virút cần loại bỏ”, thạc sĩ Hiếu nói.

Thạc sĩ Hiếu cho biết bản thân cũng hay sử dụng những cụm từ vui vui mà giới trẻ hay dùng. Nhưng trong ngọc cũng có sạn, cần biết nhặt sạn ra để không ảnh hưởng đến hình ảnh của mình khi phát ngôn, không làm người khác khó chịu, không tạo ra trào lưu nhảm làm sút giảm hình ảnh của mình trong mắt mọi người.

Một số từ vui vui chỉ nên dùng trên mạng, dùng với bạn bè thôi. Trò chuyện với bố mẹ mà trả lời: “Không liên quan!”, nói chuyện với thầy cô mà bình luận: “Cô chuẩn không cần chỉnh!”, nói chuyện với đồng nghiệp mà: “Nhìn mặt tao xem tao có quan tâm không?”, nói chuyện với sếp mà: “Xem bản kế hoạch em làm sếp có bị kích thích không?”... thì một ngày nào đó sẽ bị phản ứng thì “quá là điều bình thường luôn” - thạc sĩ Hiếu căn dặn.

NGUYỄN NGỌC TRÂM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên