20/11/2018 09:08 GMT+7

Trao hỗ trợ mô hình “con tôm ôm cây lúa”

LÊ DÂN- KHẮC TÂM
LÊ DÂN- KHẮC TÂM

TTO - Ngày 16- 11, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Tôn Đông Á tiếp nối chương trình Cùng xây cuộc sống xanh, trao hỗ trợ cho hai mô hình tại Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Trao hỗ trợ mô hình “con tôm ôm cây lúa” - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Duy Khánh - Chủ xưởng Cán Tôn Ba Kiệt - đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ và Tôn Đông Á trao hỗ trợ cho mô hình “Lời to từ mô hình con tôm ôm cây lúa” của ông Đoàn Thanh Tùng) - ẢNH: LÊ DÂN

Từ vùng đất chỉ trồng được một vụ lúa/năm, nông dân Đoàn Thanh Tùng (ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) chuyển 2ha đất sang hai vụ tôm, một vụ lúa thu hàng trăm triệu đồng/ha/năm. 

Ông Hùng cho biết sau lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật "mô hình lúa - tôm" trong ô đê bao khép kín do trường đại học Cần Thơ hỗ trợ, từ năm 2013 ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình này.

Cụ thể bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch, ông Tùng bắt đầu hứng nước mưa trong ao để có nước ngọt cho đầy ao, sau đó cải tạo và ương con giống tôm càng xanh. 

Khi cánh đồng lúa bên ngoài đã được khoảng 30 đến 45 ngày cũng là lúc ông bắt tôm càng xanh từ trong ao thả ra ruộng lúa. Thức ăn cho tôm hoàn toàn tự nhiên. Đến khoảng tháng 11 và 12 âm lịch, cũng là lúc vào vụ thu hoạch tôm càng xanh và lúa. 

Khi thu hoạch xong, ông tiếp tục cải tạo lại ao tôm để ương tôm sú, khi tôm được 20 đến 25 ngày thì chuyển qua ruộng lúa đã thu hoạch xong. Hiện tại lúa của ông Tùng xuống giống được 40 ngày, cả tôm và lúa đều phát triển tốt. 

"Số vốn bỏ ra của hai vụ tôm, một vụ lúa khoảng 40 triệu đồng, trừ hết chi phí với 2ha tui đạt lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng/năm" - ông Tùng bộc bạch.

Đánh giá về mô hình "con tôm ôm cây lúa", ông Trương Văn Triều, phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Bạc Liêu, cho rằng đây là mô hình kinh tế hiệu quả, được đúc kết qua nhiều năm. 

"Sắp tới sẽ nhân rộng mô hình lúa - tôm, hỗ trợ lúa giống, kỹ thuật cho bà con. Đây là mô hình được đánh giá cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn như hiện nay", ông Triều chia sẻ.

Trao hỗ trợ mô hình “con tôm ôm cây lúa” - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Vạn Thuận Lợi - đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ và Tôn Đông Á trao hỗ trợ cho mô hình “Người tìm đẳng cấp gạo Việt” của kỹ sư Hồ Quang Cua” - ẢNH: LÊ DÂN

Sau gần 20 năm nghiên cứu và lai tạo, kỹ sư Hồ Quang Cua, anh hùng lao động, nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, đã cho "lò" nhiều giống lúa ST. 

Đặc biệt, giống lúa ST24 được hội nghị thương mại gạo quốc tế chọn và vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới năm 2017. 

Ưu điểm của giống lúa ST24 là giống ngắn ngày, trồng được quanh năm, đồng thời hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... 

Được chọn vào "top 3" loại gạo ngon thế giới, gạo ST24 không chỉ làm rạng danh ngành lúa gạo Việt Nam mà còn là một khẳng định về năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng vùng gạo ngon - lành mang thương hiệu Việt ra thế giới.

"Những năm qua, thị trường có nhiều loại gạo ST nổi tiếng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Sóc Trăng đã và đang có nhiều dự án phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, tập trung vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết.

Trao hỗ trợ Cùng xây cuộc sống xanh cho mô hình "Lời to từ mô hình con tôm ôm cây lúa" cho ông Đoàn Thanh Tùng (tỉnh Bạc Liêu) và mô hình "Người tìm đẳng cấp gạo Việt" cho kỹ sư Hồ Quang Cua" (Sóc Trăng) là hoạt động nằm trong chuỗi truyền thông, sự kiện Mekong Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tôn Đông Á.

Dự kiến, buổi lễ Gala tổng kết chương trình kết hợp hội thảo chủ đề: Hướng đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra vào ngày 22-11 tại Cần Thơ.


LÊ DÂN- KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên