Lễ trao giải vừa diễn ra sáng 7-12 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), khép lại "một mùa" thơ haiku với nhiều kỷ lục so với ba mùa thi trước.
Một mùa thơ haikuHội An phát động sáng tác thơ haiku tiếng ViệtCuộc thi Sáng tác thơ haiku Nhật - Việt lần 4
Phóng to |
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Harumitsu Hida (bìa trái) và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải (bìa phải) trao giải nhất nội dung thi thơ haiku bằng tiếng Việt đến anh Trần Đức Việt (giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải (bìa trái) trao giải nhì nội dung thi thơ haiku bằng tiếng Nhật đến bạn Hoàng Thị Láng - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Các thí sinh đoạt giải khuyến khích nội dung thi thơ haiku bằng tiếng Nhật - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải đánh giá cao những thành công của cuộc thi, đặc biệt là hiệu ứng góp phần giúp thí sinh và những người theo dõi cuộc thi hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Thí sinh Hoàng Thị Láng - giải nhì nội dung thi thơ haiku bằng tiếng Nhật - phát biểu tại buổi lễ. Bạn cho biết sáng tác thơ haiku giúp bạn phần nào giải tỏa những cảm xúc - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Các thí sinh đoạt giải cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt lần 4 chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức - Ảnh: Thanh Đạm |
Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật - Việt lần 4 do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp tổ chức với báo Tuổi Trẻ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM.
Thơ haiku là thể loại văn học nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản, được xem là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ với 17 âm tiết 5-7-5, thông qua yếu tố về mùa mở ra sự chiêm nghiệm về thiên nhiên, đời sống, tư tưởng, triết học...
Kỷ lục của mùa thơ lần này so với ba mùa thi trước (bắt đầu từ năm 2007, được tổ chức hai năm một lần) là tổng số người dự thi nhiều nhất (750 người), có tổng số bài thi nhiều nhất (1.873 bài thơ bằng tiếng Việt, 204 bài thơ bằng tiếng Nhật).
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Harumitsu Hida cho biết: "Thật vui mừng biết bao khi tại Việt Nam, haiku đang trở nên thân quen với nhiều người Việt Nam. Đặc biệt, người dân Nhật Bản càng vui hơn khi nhiều người Việt Nam đang làm quen, tìm hiểu thơ haiku trực tiếp bằng tiếng Nhật".
Mời bạn đọc xem bài phát biểu của nhà thơ Thu Nguyệt (báo Tuổi Trẻ) - thành viên ban giám khảo cuộc thi thơ haiku bằng tiếng Việt - tại lễ trao giải. Vui lòng tải file TẠI ĐÂY (Word, 39.5 KB) |
Giải nhất thơ haiku bằng tiếng Việt thuộc về bài thơ của anh Trần Đức Việt (giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Trên lá môn nonGiọt sương đọngVầng trăng tí hon
Anh Trần Đức Việt cho biết ý tưởng để anh sáng tác bài thơ này đến từ một khuya đi dạo tại quê nhà Quảng Ngãi: "Trong lúc dạo, một giọt sáng long lanh bên bờ rào đập vào mắt tôi. Tôi đến gần và thấy ánh sáng đó được phát ra từ một giọt sương đọng trên lá môn. Tôi nhìn lên bầu trời thật trong, trăng sáng vằng vặc, rồi tôi cúi nhìn giọt sương long lanh, rực rỡ và lớn dần, đầy bí ẩn. Giọt sương đó như thâu góp cả mặt trăng và sự tinh khiết của bầu trời và vũ trụ trong nó".
Nhà thơ Thu Nguyệt (báo Tuổi Trẻ) - thành viên ban giám khảo cuộc thi thơ haiku bằng tiếng Việt - nhận xét: "Bài thơ đạt chuẩn trong cách dùng từ ngữ và hình ảnh rất xác thực mà tinh tế, gây ấn tượng và gợi được cho người đọc mở ra nhiều liên tưởng, tư duy, cảm xúc… Tiếng Việt rất thuận lợi cho việc làm thơ haiku bởi mức độ biểu đạt rất chuyên biệt, tinh tế. Người Việt Nam nói ra một câu khi quan sát sự vật một cách có ý thức là đã có tinh thần thơ haiku rồi. Tuy nhiên, với tâm thế và cách diễn đạt truyền thống, người Việt làm thơ haiku thường để lộ cảm xúc chủ quan, làm giới hạn nét đặc trưng của thơ haiku là sự gợi mở tự do cho người đọc".
Ở nội dung dự thi bằng tiếng Nhật, giải nhất thuộc về Đặng Trần Bảo Khánh với bài thơ:
amefuru nitochi wo tagayasuasu omou
Bản dịch của tác giả:
Trời mưaCày bừaNghĩ tới ngày mai
Ông Touon Nakano - hội viên Hiệp hội Nhà thơ haiku Nhật Bản, chủ tịch Tạp chí thơ haiku Sagano của Hiệp hội Nhà thơ haiku Nhật Bản, giám khảo nội dung thi thơ haiku tiếng Nhật - bình bài thơ này như sau: "Tâm trạng háo hức khi hạt giống nảy mầm, cây con sinh trưởng, báo hiệu một mùa gặt sắp đến. Vì thế dù ngoài trời đang mưa, người nông dân vẫn ra đồng cày ruộng. Tác phẩm bộc lộ tràn ngập niềm vui làm việc, hân hoan kỳ vọng vào ngày mai".
Giải thưởng cho mỗi thể loại sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Nhật gồm: 1 giải nhất (giải Nhà hàng Tokyo Town gồm 1 phiếu ăn trị giá 2 triệu đồng), 1 giải nhì (giải Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản gồm các quà tặng Nhật Bản), 10 giải khuyến khích (giải Ajinomoto gồm nhiều sản phẩm của Công ty Ajinomoto).
Một số bài thơ đoạt giải cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật - Việt lần 4
Các bài thơ haiku bằng tiếng Việt đoạt giải
Trên lá môn non
Giọt sương đọng
Vầng trăng tí hon
(giải nhất, tác giả TRẦN ĐỨC VIỆT)
Chiều siêu bão
mèo và chuột
chung căn nhà hoang
(Giải nhì, tác giả HỒ THỊ CẨM HỒNG)
Tiếng chuông ngân
Chạm búp sen hồng
Chú bướm nâu sực tỉnh
(Giải khuyến khích, tác giả NGUYỄN VĂN CHÍNH)
Hồ tối
Cá phóng sinh
Lưu luyến tay người
(Giải khuyến khích, NGUYỄN THỊ HẢI)
Trên cành một kén nhỏ
Bướm non ló đầu nhìn
Lá bay
(Giải khuyến khích, tác giả LÊ NGỌC NỮ PHI HOA)
Các bài thơ haiku bằng tiếng Nhật đoạt giải
amefuru ni
tochi wo tagayasu
asu omou
Bản dịch của tác giả:
Trời mưa
Cày bừa
Nghĩ tới ngày mai
(giải nhất, tác giả ĐẶNG TRẦN BẢO KHÁNH)
chiheisen
hitomi wo korasu
boku no yume
Tạm dịch
Chân trời
Đăm đăm nhìn
Giấc mơ của tôi
(Giải nhì, tác giả HOÀNG THỊ LÁNG)
kimi ni au
sono hachigatsu wo
wasurezuni
Tạm dịch:
Tôi gặp Người
Vào tháng tám ấy
Không thể nào quên
(Giải khuyến khích, tác giả PHẠM QUỐC QUỲNH ANH)
ame ga furu
potapota bito
natsu gakufu
Tạm dịch:
Mưa rơi
Tí tách gõ phách
Bản nhạc mùa hạ
(giải khuyến khích, tác giả NGUYỄN MINH QUÂN)
eien ni
wafuku to aozai
yuujyou da
Tạm dịch
Mãi mãi
Kimono và áo dài
Tình hữu nghị hai nước
(giải khuyến khích, tác giả HUỲNH BỬU YẾN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận