15/10/2007 05:09 GMT+7

Tránh suy nghĩ rập khuôn

NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU (chuyên viên tư vấn Trung tâm BR&T,  Đại học Bách khoa TP.HCM)
NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU (chuyên viên tư vấn Trung tâm BR&T,  Đại học Bách khoa TP.HCM)

TTCT - Hãy thử làm bài tập này: khoanh tay lại như kiểu bạn vẫn thường làm. Hãy chú ý tới tay nằm trên. Chẳng hạn, cánh tay trái của tôi nằm dưới cánh tay phải. Bây giờ hãy làm ngược lại (trường hợp này tay phải của tôi sẽ nằm dưới tay trái).

Bạn có thể nhận thấy để tay ở vị trí này khó hơn vị trí trước. Nó có vẻ không tự nhiên. Bạn sẽ thấy hơi khó chịu, đúng không nào? Tất cả chúng ta đều có những chuẩn mực nhất định về cách xử sự, cách nghĩ và chúng sẽ cản trở quá trình tư duy sáng tạo của ta.

Những gì đã làm vừa rồi là hành động thói quen - giới hạn. Tất cả chúng ta đều có một cách thoải mái, an toàn để làm mọi thứ và chẳng có gì sai khi làm như vậy cả. Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh khi chúng ta cố vượt ra khỏi đường mòn thói quen. Mỗi suy nghĩ để làm một việc gì đó khác thường có thể làm bạn lo sợ. Nhưng tư duy sáng tạo lại yêu cầu ta làm điều đó. Charles Kettering, nhà phát minh động cơ điện tự động, có lần nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ có được một cái nhìn mới mẻ ở cuối con đường mòn thói quen”.

Đôi lúc một nhà bác học kiến thức uyên thâm không thể giải quyết một vấn đề đơn giản mà một đứa trẻ lên mười có thể làm được. Người trưởng thành suy nghĩ quá nhiều, bị trói buộc bởi quá nhiều tri thức, quá nhiều giới hạn và quá nhiều thành kiến. Đôi lúc có những vấn đề khá đơn giản nhưng ta lại tư duy quá cao siêu và gặp thất bại. Lúc bé, chúng ta học về thường thức trong cuộc sống, những hiểu biết đó đã giúp ích cho ta trong đời sống hằng ngày. Tuy vậy, cũng có những lúc nó làm hạn chế tư duy của chúng ta khi giải quyết một số vấn đề. Thực tế cho thấy nhiều vấn đề đơn giản đến nỗi trẻ con cũng làm được mà người lớn lại cảm thấy vô cùng khó khăn.

Đầu óc của con người vì sao lại bị ràng buộc bởi những “hiểu biết về kiến thức thông thường” hoặc “kinh nghiệm của quá khứ”? Có thể cho rằng chẳng qua bộ não của chúng ta cấu tạo quá hoàn chỉnh mà thôi. Một lần ở lớp khởi sự doanh nghiệp, tôi hướng dẫn đặt slogan cho doanh nghiệp. Sau khi nghe giới thiệu những slogan hay của Việt Nam và phân tích điển hình về slogan “Bitis nâng niu bàn chân Việt”, các học viên khi ứng dụng cho slogan của mình đều na ná như thế: “Giữ gìn bản sắc Việt” hay “Hội tụ tinh hoa Việt”...

Bản chất là đi theo lối mòn của những thành công trước đó mà không có suy nghĩ “vượt rào” khác, nhất là đã nhiều lần giải quyết thuận lợi với những kinh nghiệm sẵn có, lúc đó đầu óc chúng ta sẽ “tiết kiệm tư duy” để ứng phó. Chúng ta đã quen thuộc khi làm mọi thứ theo một cách nhất định, mất đi khả năng thoát khỏi những thói quen của mình.

Chúng ta đôi khi trở nên quen thuộc với những thứ mà chúng ta không ý thức được là đã quen với nó. Chẳng hạn, bạn hãy cố vẽ chi tiết mặt đồng hồ của bạn mà không cần phải nhìn nó (nhiều người còn thêm số vào trong khi thực tế đồng hồ của họ chẳng có những số đó). Hay lần tới trên đường đi làm, bạn hãy chú ý điều gì đấy mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Sau một vài buổi sáng làm việc này, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình thấy. Để thoát khỏi những thói quen, bạn phải nỗ lực một cách nghiêm túc. Trước tiên hãy ý thức hơn tới lối suy nghĩ thói quen - giới hạn. Rồi sau đó hãy tập để thay đổi nó từ từ.

NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU (chuyên viên tư vấn Trung tâm BR&T,  Đại học Bách khoa TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên