05/05/2006 19:41 GMT+7

Tranh Picasso với thị trường nghệ thuật đầy biến động

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)
TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)

TTO - Vừa được bán với giá 95,2 triệu USD, Dora Maar au chat (Nàng Dora Maar với chú mèo) của Pablo Picasso trở thành hoạ phẩm đắt thứ hai trên thế giới hiện nay. Điều này phản ánh hai xu hướng lớn: thị trường nghệ thuật luôn luôn biến động, và bậc thầy người Tây Ban Nha đang có giá.

y3iET2PE.jpgPhóng to
Bức Le repos (Nghỉ ngơi) của Picasso
TTO - Vừa được bán với giá 95,2 triệu USD, Dora Maar au chat (Nàng Dora Maar với chú mèo) của Pablo Picasso trở thành hoạ phẩm đắt thứ hai trên thế giới hiện nay. Điều này phản ánh hai xu hướng lớn: thị trường nghệ thuật luôn luôn biến động, và bậc thầy người Tây Ban Nha đang có giá.

Bức chân dung của Dora Maar, người tình của Picasso, giữ vị trí thứ hai trong số các hoạ phẩm đắt nhất thế giới, chỉ đứng sau một hoạ phẩm khác cũng của chính Picasso, bức Garçon à la pipe (Chàng trai ngậm tẩu). Và trong số top 12 hoạ phẩm cao giá nhất hiện nay, có đến 7 hoạ phẩm do Picasso vẽ.

Andrew Strauss, Phó Chủ tịch chi nhánh Sotheby’s tại Pháp, người đã dự cuộc đấu giá vừa qua tại New York nói: “Picasso là một giá trị chắc chắn, là nghệ sĩ lớn nhất của thế kỷ XX và được nhiều người biết nhất”. Hơn nữa, “đang có một sự thay đổi về thế hệ nơi các nhà sưu tập, thế hệ sau quan tâm nhiều hơn đến tính hiện đại. Việc nhiều tác phẩm của Picasso đã trở thành sở hữu tư nhân càng thúc đẩy xu hướng này”.

Theo ngân hàng dữ liệu về thị trường nghệ thuật Artprice, “nhiều tác phẩm của Picasso được mua đi, bán lại. Điều đó làm cho thị trường luôn có đất sống”.

Tác phẩm Dora Maar au chat dù chưa hề được trưng bày từ 40 năm nay đã làm xao động thị trường nghệ thuật và làm giá cả vốn đang leo thang lại tiếp tục leo thang.

Hiện tại, thị trường đang thực sự “rất nóng” và ông Strauss còn đi xa hơn: “Các kiệt tác ngày càng hiếm hoi nhưng số người mua lại đang tăng lên. Tại thời điểm hiện nay, đang có một cuộc chạy đua giữa những nhà sưu tập truyền thống và những tỷ phú mới phất của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ”.

Ông Thomas Seydoux, Giám đốc quốc tế về nghệ thuật ấn tượng và hiện đại của nhà Christie’s cũng cùng chung ý kiến về “thị trường đang leo thang”.

Trong đợt bán này, nhà Christie’s đạt tổng doanh thu hơn 180 triệu USD, trong đó có doanh thu từ bức L’Arlésienne, Mme Ginoux (Bà Ginoux, người phụ nữ xứ Arles) của Van Gogh (40,3 triệu USD) và từ một số tranh khác của Picasso và Monet. Đó là một doanh thu kỷ lục kể từ năm 1990 khi bán bức Portrait du docteur Gachet (Chân dung của bác sĩ Gachet). Nếu tính từ ngày thành lập, đây là doanh thu cao thứ hai của công ty về thể loại ấn tượng và hiện đại.

P1KEwrD6.jpgPhóng to
Cảnh bán đấu giá bức Dora Maar au chat ngày 3-5-2006
Cũng trong đợt bán cùng thể loại, nhà Sotheby’s thu được 207,6 USD và các mức giá vượt khung dự kiến đều rơi vào các nghệ sĩ khác. Chẳng hạn, bức Nu couché de dos của Henri Matisse bán được 18,5 triệu USD, kỷ lục cao nhất đối với một hoạ sĩ Pháp.

Theo ngân hàng dữ liệu Artprice, “thị trường nghệ thuật chưa bao giờ được điều hoà ở mức độ thế giới vì còn có hiện tượng đầu cơ”. Nhưng “nếu sự đầu cơ là động cơ duy nhất để mua tranh thì thị trường phải đối diện với một hiểm nguy thực tại. Những kẻ đầu cơ sẽ từ bỏ thị trường khi đánh hơi thấy dấu hiệu hỏng ăn”.

Đối với ông Seydoux của nhà Christie's, dù sao thì thị trường vẫn còn “mang tính chọn lọc và có trách nhiệm”. Còn theo ông Strauss của nhà Sotheby’s, thị trường “đang ở một tầm cao hơn ta tưởng, nhưng không đến nỗi điên rồ lắm. Mỗi giá đưa ra đều có cái lý của nó”. Ông tin rằng Dora Maar au chat sẽ được bán lại với giá cao hơn!

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên