02/08/2022 05:30 GMT+7

Tranh nhau nhặt vàng trước chợ Đông Ba: 'Hôi của' coi chừng phạm nhiều tội

THÁI AN
THÁI AN

TTO - Chiều 31-7, nhiều người ở khu vực chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) tranh nhau nhặt vàng do kẻ cướp Ngô Văn Quốc ném ra đường. Căn cứ theo các quy định của pháp luật, hành vi "hôi của" sẽ đối diện nhiều tội danh tương ứng.

Tranh nhau nhặt vàng trước chợ Đông Ba: Hôi của coi chừng phạm nhiều tội - Ảnh 1.

Nhiều người “hôi bia” từ xe tải chở bia bị lật tại Đồng Nai - Ảnh: TL

Cơ quan công an đề nghị ai nhặt số vàng trên đem trả lại cho cơ quan công an phục vụ giải quyết vụ án, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đây không phải là vụ "hôi của" đầu tiên được dư luận nhắc tới, và căn cứ theo các quy định của pháp luật, hành vi "hôi của" sẽ đối diện nhiều tội danh tương ứng.

Chiếm giữ trái phép tài sản

Theo TS Phan Anh Tuấn - Trường ĐH Luật TP.HCM, pháp luật quy định nghĩa vụ của người nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên thì phải giao nộp cho cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu. Của rơi được hiểu là tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên. Người nhặt được là hoàn toàn vô tình, không biết ai hoặc không có cơ sở xác định được ai là chủ sở hữu tài sản.

Đặc biệt, nhiều trường hợp tài sản không phải do đánh rơi, bỏ quên nên hành vi người nhặt thường bị gọi là "hôi của". Điển hình như vụ nhiều người nhặt vàng do kẻ cướp ở Huế ném ra đường, số vàng trên là vàng của 2 tiệm vàng nhưng nhiều người vẫn lao vào nhặt và chiếm giữ. Cơ quan công an đã yêu cầu ai nhặt vàng thì trả lại, không chỉ là chuyện trả cho chủ sở hữu mà còn phục vụ quá trình điều tra.

"Nếu những người không trả lại có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội danh "chiếm giữ tài sản trái phép" (điều 176 Bộ luật hình sự) với khung hình phạt tối đa đến 5 năm tù", ông Tuấn nói.

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, bổ sung thêm hành vi "hôi vàng" trong vụ việc này còn có thể bị xem xét xử lý về tội danh "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" (điều 323 Bộ luật hình sự). Bởi lẽ kẻ cướp vàng từ 2 tiệm vàng đi ra, với súng lăm lăm trên tay, rồi vãi vàng ra đường, đó là chuỗi diễn biến liền mạch. 

Ai cũng có thể biết là vàng do kẻ cướp cướp được. Hơn nữa, thông tin vụ cướp được truyền thông rộng rãi cả nước. Vì vậy, người "hôi vàng" phải nhận thức được rằng mình đã nhặt vàng do cướp được. Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này lên đến 15 năm tù. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tương ứng.

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Trên thực tế, vụ "hôi vàng" trên không phải là vụ việc "hôi của" đầu tiên mà dư luận biết đến.

Trước đó, sáng 28-1-2021, tại đường D4, phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), một phụ nữ đánh rơi cọc tiền 30 triệu đồng dành dụm trả nợ đã bị nhiều người đi đường lao vào nhặt. Người phụ nữ quay lại nhặt tiền thì chỉ được vài người nhặt trả lại hơn 4 triệu đồng.

Ngày 1-11-2016, một chiếc xe tải chở hàng siêu thị bị sự cố bốc cháy trên đường khi đang lưu thông ở địa bàn tỉnh Bình Định. Nhiều người đã lao vào bới tìm và lấy đi các sản phẩm còn dùng được như nước rửa chén, xà phòng, sữa... trước sự bất lực của tài xế.

Vụ việc từng gây chấn động trước đây mà nhiều người còn nhớ rõ khi nhắc đến hành vi "hôi của" là vào ngày 4-12-2013, khi một xe chở bia gặp tai nạn tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Khoảng 1.500 thùng bia đổ ra đường, hàng trăm người tranh nhau giành giật các thùng bia còn nguyên bị rớt xuống đường và thu gom các lon bia văng ra khỏi thùng. 

Trong đó, nhiều người lấy cả những thùng bia còn nguyên vẹn, một số người thì lấy túi đựng số lon bia lẻ... trước sự bất lực và gào khóc đến khản cổ của tài xế.

Đối với các trường hợp "hôi của" cụ thể kể trên, TS Phan Anh Tuấn cho rằng hành vi của người "hôi của" có dấu hiệu phạm tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản" (điều 172 Bộ luật hình sự). 

Ở đây có tình huống người nhặt tài sản bất chấp sự có mặt, chứng kiến của người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản. Lúc này, người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản lâm vào hoàn cảnh không thể ngăn cản những người "hôi của" do đang bị tai nạn, bị cháy xe, tài sản rơi tung tóe trên phạm vi rộng...

Luật sư Vũ Quang Đức cũng dẫn ra thêm một số ví dụ của rơi trên thực tế. Chẳng hạn có trường hợp tài sản do chủ tài sản đánh rơi (là tờ tiền, vàng, đồng hồ...), có người phát hiện liền lấy chân đè lên hoặc lấy vật dụng che chắn, đợi chủ tài sản tìm mãi không thấy, bỏ đi thì mới chiếm giữ tài sản đó. 

"Tình huống này người nhặt rõ ràng là có gian ý. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu không phát hiện ra, không đòi lại tài sản thì coi như người nhặt sẽ chiếm dụng. Còn nếu chủ sở hữu phát hiện, đòi lại mà người nhặt không trả thì có thể cấu thành tội danh chiếm giữ trái phép tài sản", luật sư Đức chỉ ra.

Ứng xử đúng luật, hợp đạo lý

Theo luật sư Đức, việc trả lại tài sản đánh rơi, bỏ quên là nghĩa vụ luật định của người nhặt, đồng thời còn là biểu hiện ứng xử phù hợp đạo đức. Người ứng xử đúng đắn với của rơi luôn được xã hội và pháp luật ghi nhận tương xứng.

"Pháp luật dân sự quy định người nhặt được của rơi sẽ được hưởng tài sản hoặc Nhà nước thưởng một phần giá trị tài sản nếu chủ tài sản không đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu. Điển hình là vụ người phụ nữ nhặt ve chai ở quận Tân Bình (TP.HCM) phát hiện 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa cũ đã được cơ quan chức năng giao cho quyền sở hữu số tiền sau 1 năm thông báo mà không xác định được chủ sở hữu...", luật sư Đức nói.

1-8 Nhat vang khong tra thi pham toi gi (1) 1(Read-Only)

Dây chuyền vàng rơi vãi trên đường Trần Hưng Đạo sau vụ cướp được lực lượng công an lập biên bản, thu giữ - Ảnh: MẠNH HÙNG

Xét về phương diện đạo đức xã hội, hành động trên là xấu xí khi công khai chiếm giữ công sức mồ hôi của người khác, thiếu sự chia sẻ với người gặp nạn. Do đó, ai đã nhặt vàng nên nhanh chóng trả đủ cho cơ quan chức năng để kịp thời phục vụ điều tra và hoàn trả cho chủ sở hữu.

Luật sư VÕ CÔNG HẠNH

Vàng bị cướp, không phải đánh rơi, chiếm giữ là phạm pháp. Sau hơn 24 giờ xảy ra vụ án, một số người dân đã đến trụ sở công an trả lại số vàng nói trên. Tuy nhiên, đến cuối ngày 1-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ tại Công an Thừa Thiên Huế cho biết vẫn chưa thể thống kê hết số vàng bị mất trong vụ việc.

Trước đó, sau khi vụ nổ súng AK cướp tiệm vàng xảy ra ở Huế vào chiều 31-7, nhiều người cho rằng việc thu hồi lại số vàng do Ngô Văn Quốc cướp của 2 tiệm vàng Thái Lợi và Hoàng Đức là rất khó. Thông qua clip ghi lại thời điểm vụ cướp xảy ra, khi Quốc vứt vàng ra trước đường Trần Hưng Đạo thì đã có rất đông người dân ào ra nhặt vàng.

Sau vụ việc, Công an TP Huế cũng đã phát thông báo đề nghị người dân trả lại vàng do Ngô Văn Quốc cướp rồi ném ra đường tại chợ Đông Ba để phục vụ điều tra và trả cho chủ sở hữu, trong trường hợp không trả lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, trưởng ban quản lý chợ Đông Ba, cho biết ban quản lý chợ đã đến thăm hỏi, động viên 2 chủ tiệm vàng nói trên sau vụ cướp, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an TP Huế kêu gọi, hướng dẫn người dân đến trao trả số vàng nhặt được từ vụ việc. Bà Thanh nói rằng sau khi ghi nhận có người đến trả vàng sẽ hướng dẫn họ đến Công an phường Đông Ba nằm ở trước cổng chợ để làm các thủ tục trao trả.

Đại diện Công an phường Đông Ba cho biết sau khi xảy ra vụ cướp có ghi nhận 2 trường hợp đến trả lại vàng. Sau khi tiếp nhận, số vàng trên sẽ được lập biên bản và gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Từ Huế, luật sư Võ Công Hạnh (giám đốc Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) khẳng định hành vi nhặt và giữ vàng trong vụ việc này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự. Trong vụ việc này, Quốc công khai chiếm đoạt (cướp) tài sản của công dân. Hành vi chiếm đoạt này bị nghiêm cấm vì đã xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ.

Do đó, việc người dân nhặt vàng mà không trả lại cho chủ sở hữu là vi phạm pháp luật. Đây không phải là hành vi nhặt của rơi, chiếm hữu ngay tình mà là việc chiếm giữ tài sản người khác bất hợp pháp.

NHẬT LINH

'Bà hôi của' nước ngọt: 'Tôi lượm có 10 lon móp méo...'

TTO - "Nghĩ sao nói tôi ăn trên xương máu nước mắt người ta, còn thách thức gọi công an nên lúc đó tôi có bức xúc. Tôi có ăn cướp, ăn trộm gì đâu mà đòi gọi công an".

THÁI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên