Nguyễn Hữu Tình - bị cáo giết 5 người ở quận Bình Tân, TP.HCM - xin được hiến tạng khi nói lời sau cùng trước khi bị tòa tuyên án tử - Ảnh: HỮU KHOA
Ý kiến của bạn như thế nào về nguyện vọng hiến xác, hiến tạng của tử tù?
Cuộc thăm dò do Tuổi Trẻ Online thực hiện từ chiều 10-7, đến chiều 13-7 đã thu hút gần 2.500 ý kiến của bạn đọc.
Trong đó, lượng bạn đọc trả lời "đồng ý" và "không đồng ý" có tỉ lệ gần như 50 – 50 (937/934). Chỉ có khoảng 2,1% (57) có ý kiến khác, trong khi có tới 21% (534) chọn phương án "nên bổ sung quy định cho phép tử tù được hiến xác, hiến tạng theo nguyện vọng".
Sẽ bị ám ảnh?
Ở phía những người không đồng ý, bạn đọc Min dứt khoát: "Tội phạm giết người bị tuyên án tử hình thì không cho phép hiến tạng. Hiến tạng chỉ áp dụng cho tội phạm khác mà thôi".
Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyên cho rằng "gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Bạn đọc này đặt vấn đề: "Tội nhân đó có nhân đạo với nạn nhân mình không? Có 3 đứa trẻ đấy và tôi cho rằng không. Và nhất định là không nên nhân đạo với kẻ thủ ác tàn nhẫn này".
Kết quả khảo sát trên Tuổi Trẻ Online
Một bạn đọc khác cũng thẳng thừng: "Không ai muốn nhận tạng của người phạm tội cả cho dù đó là hành động nhân đạo".
Bạn đọc Pham Dzoonl cho rằng vấn đề tâm lý rất quan trọng, dù có được hỏi ý kiến trước và đồng ý nhưng không phải ai cũng dễ chấp nhận mà không cảm thấy ám ảnh. Chưa kể người ngoài biết được và "cho rằng ông này, bà nọ mang tạng của thằng tử tù A, B, C thì sống khổ tâm, mặc cảm suốt đời".
Và bạn này đề nghị đã loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội rồi thì không nên giữ bất kỳ thứ gì của tử tù, cho dù đó là hiến tặng.
Độc ác là do suy nghĩ, không phải bởi tim, gan…
Những bạn đọc đồng ý với việc cho tử tù được hiến xác, hiến tạng cho rằng việc tự nguyện hiến là suy nghĩ lương thiện cuối cùng của tử tù nên đáng được ghi nhận.
Bạn đọc tên Nam nêu lý lẽ: "Hành động độc ác là do giáo dục, môi trường và do suy nghĩ của mỗi con người chứ nào phải cái tim, cái gan, cái thận... Nhân chi sơ tính bổn thiện, cho nên đừng nhìn nhận một cách phân biệt như vậy".
Theo bạn đọc này, một cái máy hỏng không đồng nghĩa với con bulông, đai ốc của nó hỏng. Lọ thạch tín có độc hay không là do cách người dùng. "Đừng ích kỷ vì có thể bạn không cần nhưng không hẳn là tất cả không cần. Nếu là tôi, tôi sẽ chấp thuận yêu cầu của anh ta" - bạn đọc Nam nói.
Bạn đọc Ngọc Phát cho rằng việc hiến tạng nếu được chấp nhận sẽ không phải chỉ cứu một mạng người mà có thể đem lại sự sống lại cho vài người cần ghép cần tạng.
"Trường hợp ghép tạng cứu được một sinh viên giỏi chẳng phải là lợi nhiều cho xã hội, đất nước sao? Một kỹ sư, một nhà nghiên cứu đang đóng góp cho đất nước nhưng họ buộc phải dừng lại thành gánh nặng xã hội nếu được ghép tang và cứu sống thì sao? Cứu thất bại của một người bằng sự thành công của người khác chẳng lẽ không đáng giá?" - bạn đọc Ngọc Phát phân tích.
Nên có thêm cách tử hình khác!
Cũng đồng ý với việc tử tù thì phải chấp nhận thi hành phán quyết của tòa, song bạn đọc A Quan cho rằng cần thiết nghiên cứu thêm cách tử hình khác để qua đó công lý, luật pháp được thực thi nhưng vẫn cứu được những sinh mạng khác.
"Nên vô chuyên khoa chạy thận hoặc khoa cấp cứu để thấy nỗi đau và sự cần thiết của việc hiến tạng cứu người. Chuyện nhận phần hiến tạng nên cho bệnh nhân và người nhà biết, nhận hay từ chối là quyền của họ. Đó mới là nhân văn" - A Quan nói.
Bạn đọc HaiKu thì cho rằng nguồn tạng lúc nào cũng thiếu rất nhiều. Nếu là người thân của các bệnh nhân đứng trước lựa chọn sẽ sống nếu nhận tạng tử tù (đủ điều kiện về y tế) và sẽ chết nếu từ chối, chắc chắn ai cũng lựa chọn nhận tạng cho người thân.
Theo bạn đọc này, có thể sẽ có ám ảnh về tâm lý, nhưng vẫn có thể đưa vào ngân hàng tạng và luật phải quy định việc cho – nhận tạng không được tiết lộ nguồn gốc.
"Còn về biện pháp thi hành án tiêm thuốc hiện tại là tiêm thuốc độc thì nên thay bằng hình thức khác" - bạn đọc HaiKu đề nghị.
Bạn đọc Lê Quang Thái cũng cho rằng hiến tạng là hình thức cứu người rất nhân văn, dù người hiến tạng là ai. Một người tử tù xin hiến tạng sẽ dùng chữa cho khoảng 6 người. Như thế người tử tù cũng đỡ ân hận vì lỗi lầm của mình.
"Xét về mặt luật pháp chưa phù hợp thì nên sửa luật. Luật là do con người tạo ra thì sẽ sửa được" - Lê Quang Thái nói.
Bạn đọc Thơ Thơ:
Nhiều người phản đối tử tù hiến tạng với lý do không hề hợp lí chút nào.
Thứ nhất: Tử tù đáng tội chết, nhưng bộ phận cơ quan khỏe mạnh của người đó không đáng chết theo.
Các bạn đã thấy những bệnh nhân bệnh mãn tính cần cấy ghép cơ quan để tiếp tục sống chưa? Các bạn có biết bệnh nhân suy thận, xơ gan, suy tim...mệt mỏi, suy kiệt vì tốn bao nhiêu tiền của, thời gian chạy chữa chỉ để hi vọng cơ quan/bộ phân đó không bệnh nặng thêm không?
Chỉ cần được ghép tạng là cuộc sống họ sẽ thay đổi, tại sao chỉ vì là "tạng của tử tù" mà tước đoạt đi cơ hội sống của họ?
Đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, nhận tạng của người tốt hay người xấu, kết quả có khác gì nhau?
Thứ hai: Nhiều người cho rằng nhận tạng của tử tù sẽ khiến người nhận thay đổi nhân cách như tử tù, điều này không hề có cơ sở khoa học. Nhân cách được hình thành qua nhiều yếu tố tâm lí, môi trường, xã hội chứ không hề có trong gen hay DNA của tạng!
Hơn nữa luật pháp bảo mật danh tính của người hiến tạng, vì thế người nhận sẽ không biết và cũng không cần biết!
Thứ ba: Có thể bỏ thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc, cơ thể tử tù sau hiến tạng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khoa học khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận