04/05/2017 09:15 GMT+7

​Tranh luận không thay đổi kết quả bầu cử Pháp

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Báo chí Pháp đánh giá ông Emmanuel Macron biết làm chủ cuộc tranh luận nên đã chiếm ưu thế hơn bà Marine Le Pen.

Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp tối 3-5. Ảnh: France 2
Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp tối 3-5. Ảnh: France 2

Cuộc tranh luận trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp vào tối 3-5 (rạng sáng 4-5, giờ Việt Nam) giữa ông Emmanuel Macron thuộc đảng Tiến lên! (chủ nghĩa tự do xã hội) và bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Dân tộc (cực hữu) là lần tranh luận truyền hình thứ bảy tính từ năm 1972.

Nhiều công kích, ít thực chất

Cuộc tranh luận bắt đầu lúc 21h do hai nhà báo Christophe Jakubyszyn (đài TF1) và Nathalie Saint-Cricq (đài France 2) dẫn chương trình. Các chủ đề được nêu ra gồm kinh tế, trợ cấp xã hội, châu Âu, quốc tế và các vấn đề xã hội.

Báo L’Express đánh giá trong thời gian tranh luận kéo dài hai tiếng rưỡi, căng thẳng đã được đẩy đến cao trào, lời lẽ tranh luận sôi động, châm biếm và phần lớn rất lộn xộn.

Trong suốt quá trình tranh luận, chiến thuật duy nhất của bà Le Pen là liên tục tấn công đối phương. Bà sử dụng mọi từ ngữ châm chích như gọi ông Macron là “người thay đổi như chong chóng”, “người ủng hộ toàn cầu hóa man rợ”, “người phá guồng máy kinh tế”, triết lý của ông chỉ có “bán và mua”. Thế nhưng bà lại rất ít giải thích cụ thể chương trình hành động của mình.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron đã khôn khéo không rơi vào bẫy. Nếu bà Le Pen mong muốn ông mất bình tĩnh thì rõ ràng bà đã thất bại. Ông giữ thái độ bình tĩnh trả đũa từng điểm một. Ông tố khổ bà Le Pen không xứng đáng làm tổng thống, bà chỉ đại diện cho đảng chính trị dựa vào sự tức giận của người dân để phát triển.

Về đấu tranh chống khủng bố, bà Le Pen chỉ trích chương trình của ông Macron không nêu ra được đường lối bảo vệ an ninh và chống khủng bố. Ông Macron trả đũa muốn chống khủng bố phải tăng cường hợp tác trong EU trong khi bà Le Pen lại chống đối điều này. Ông khẳng định: “Mong muốn lớn nhất của bọn thánh chiến là nhìn thấy bà Le Pen cầm quyền”.

Về đối ngoại, nước Pháp rời khỏi khu vực đồng euro và Nga là hai chủ đề chính trong tranh luận.

Nói chung ngoài các phát biểu tấn công cá nhân, cuộc tranh luận ít đi vào chiều sâu của chương trình tranh cử. Nhiều cư dân mạng viết trên Twitter đã bày tỏ thái độ thất vọng về nội dung tranh luận.

Với thái độ liên tục tấn công đối phương bằng những lời lẽ hung hăng, sáo ngữ, tầm thường của bà Le Pen, cư dân mạng đánh giá bà đã “tự bắn vào chân mình”.

Cử tri đã chọn lựa xong xuôi

Đây là lần đầu tiên không có ứng cử viên của hai đảng lớn cánh tả và cánh hữu tham gia cuộc tranh luận truyền thống trước vòng hai. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đệ ngũ Cộng hòa Pháp có ứng cử viên đảng Mặt trận Dân tộc tham gia tranh luận.

Một chiến thắng cho ông Macron?

Chuyên gia Jean Chiche tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị thuộc Học viện Chính trị Paris (CEVIPOF) nhận định kết quả thăm dò cho thấy bà Marine Le Pen không thể nào đuổi kịp tỉ lệ 60% cử tri ủng hộ ông Emmanuel Macron. Khoảng cách này rất đáng kể vì cần khoảng sáu triệu cử tri thay đổi ý kiến thì tỉ lệ mới quân bình. 

Báo Ouest France ngày 3-5 dẫn lời ông Jean-Daniel Lévy ở Công ty thăm dò dư luận Harris Interactive giải thích: “Đến nay mọi yếu tố đều chứng minh ông Macron sẽ thắng cử”.

Đài truyền hình BFMTV ghi nhận hầu hết các nhà nghiên cứu chính trị và chuyên gia thăm dò dư luận khẳng định cuộc tranh luận khó thay đổi tương quan lực lượng giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.

Nhà sử học Christian Delporte giải thích may ra có sai lầm lớn xảy ra mới tác động đến lá phiếu cử tri, bằng không cuộc tranh luận không thể tác động đến kết quả bầu cử.

Nguyên nhân do cuộc tranh luận được tổ chức quá lâu sau chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng và quá gần ngày bầu cử vào thời điểm cử tri đã biết họ sẽ bỏ phiếu cho ai.  

Ví dụ năm 1974, viện thăm dò Sofres công bố kết quả thăm dò cho thấy trước tranh luận, 51% cử tri dự định bỏ phiếu cho ứng cử viên Valéry Giscard d'Estaing và 49% dồn phiếu cho ông François Mitterrand. Sau tranh luận, Giscard được thêm 0,5% nhưng ba ngày sau tỉ lệ này lại trở về vạch xuất phát.  

Chuyên gia Christian Delporte đánh giá cuộc tranh luận trước vòng hai chỉ được xem như một nghi thức của chế độ cộng hòa còn tiếp tục, chủ yếu mang ý nghĩa khẳng định cá tính của ứng cử viên và chỉ củng cố thêm quyết định bỏ phiếu của cử tri.

Ứng cử viên nào có tỉ lệ thăm dò trước đó cao hơn sẽ luôn là người chiếm ưu thế. Đối với cử tri còn do dự, phân nửa sẽ chọn ứng cử viên này trong khi số còn lại sẽ thiên về người kia.

Ông cho rằng thực ra cuộc tranh luận chỉ như “màn trình diễn đấm bốc” do đài truyền hình đạo diễn nhằm động viên cử tri trước ngày bầu cử bởi cuộc đối đầu trực tiếp tràn trề cảm xúc, kịch tính và thu hút nhiều khán giả.

Đồng quan điểm như thế, Tiến sĩ Gaël Villeneuve ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp nhận định cuộc tranh luận đối đầu giữa hai vòng bầu cử tổng thống là lúc ứng cử viên chứng tỏ bản lĩnh tổng thống chứ không phải lúc cử tri đưa ra quyết định chọn lựa ứng cử viên nào.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên