Các tổ chức công đoàn ở Pháp xuống đường riêng lẻ, không ủng hộ bà Le Pen nhưng cũng không kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron - Ảnh: AFP |
Trong các tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Macron đã rất cẩn trọng, không để lộ bản chất thực sự về chương trình nghị sự của mình. Các bài phát biểu vẫn luẩn quẩn, lặp đi lặp lại và sáo rỗng |
Ngày quốc tế lao động 1-5 tại Pháp diễn ra sôi nổi hơn những nơi khác khi cử tri xuống đường, trong lúc hai ứng viên Macron (Đảng Tiến bước) và Le Pen (Đảng Mặt trận dân tộc) tổ chức những buổi vận động.
Không Le Pen, không Macron
Truyền thông quốc tế đánh giá ngày 1-5 của cả hai ứng viên đều không thành công. Hơn 140.000 người tham gia xuống đường tại Paris, Lille, Marseille và nhiều thành phố khác trong sự kiện do các công đoàn ở Pháp tổ chức. Đây là lực lượng vốn phản đối ứng viên cực hữu Le Pen, song một số công đoàn lớn cũng chỉ trích chính sách cải cách thị trường lao động của ông Macron.
Điều này khiến các công đoàn bị chia rẽ trong việc lựa chọn có ủng hộ hay không ủng hộ ông Macron.
Báo New York Times cho hay hôm 1-5, các công đoàn ủng hộ Macron và phản đối Le Pen hoạt động riêng lẻ. Đây là chi tiết rất khác biệt so với năm 2002, thời điểm các công đoàn quy tụ lại để phản đối nhà sáng lập Đảng Mặt trận dân tộc và cũng là cha của bà Le Pen - ông Jean-Marie Le Pen.
Lần này, các công đoàn đòi hỏi quyền cho người lao động và phản đối bà Le Pen, nhưng không hề kêu gọi ủng hộ ông Macron.
Một số băngrôn ghi rõ rằng “Nói không với Macron” và “Nói không với Le Pen”. Một số hô vang “Loại bỏ luật của Macron” và “Loại bỏ luật lao động”.
Trong các cuộc khảo sát gần nhất công bố hôm 1-5, ông Macron đang dẫn trước bà Le Pen khá xa: 61% so với 39% tỉ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, diễn biến nêu trên cho thấy sau khi loại trừ cả hai đảng chính là Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, người Pháp chưa nhìn thấy sự tin tưởng ở bất kỳ ai trong số đại diện còn sót lại ở hai đảng là ông Macron và bà Le Pen.
Ai sẽ tự thua?
Tình thế như đã nêu khiến nhiều người nhớ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, vì cử tri Mỹ không thích chính sách cực đoan của ông Donald Trump nhưng cũng không tin vào ứng viên Hillary Clinton. Và khi ấy chiến thắng thuộc về người có chiến thuật tốt hơn. Trong trường hợp này, ông Macron đang bị đánh giá thấp so với bà Le Pen.
Giới quan sát nhận định rằng điều đáng lo nhất cho ông Macron là cử tri có vẻ không tin và không bỏ phiếu cho ông. Điều này đồng nghĩa bà Le Pen, nhân vật đứng giữa hai lằn ranh yêu - ghét rõ rệt, mới có cơ hội tốt hơn vì cử tri sẽ bầu cho bà.
Việc cử tri không đi bầu, như thế tô đậm khả năng thắng cuộc của bà Le Pen, đặc biệt khi các cử tri cánh tả không muốn bầu cho Macron và sẽ ở nhà trong ngày bầu cử (7-5).
Trên thực tế, thiếu sót của ông Macron vẫn là kinh nghiệm chính trị. Vài ngày nay, báo chí quốc tế đã xuất hiện những bài viết vạch ra lỗ hổng trong niềm tin dành cho chính trị gia 39 tuổi này.
The Guardian (Anh) trong bài viết ngày 1-5 mô tả ông Macron là một kiểu “spin doctor”, tức chuyên tạo hình ảnh tốt đẹp để thu hút công chúng thay vì bản chất. Thực tế ít ai tin được ông Macron sẽ tạo ra khác biệt, khi đây là nhân vật từng cố vấn cho Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande.
Trang politico.eu thì liên hệ hình ảnh ông Macron với cựu thủ tướng Ý Matteo Renzi, một chính trị gia ủng hộ EU đã từ chức sau cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp thất bại. Thậm chí ông Macron còn thua cả ông Renzi, vì chính trị gia người Pháp chỉ ca ngợi EU chứ không đưa ra chi tiết cụ thể nào.
Ông Macron là người ủng hộ EU, theo đuổi chính sách toàn cầu hóa, thu hút đầu tư, trái ngược với quan điểm ưu tiên người Pháp, bài EU, chống lại nhập cư của bà Le Pen - một hình mẫu “Donald Trump của Pháp”.
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng bà Le Pen sẽ thắng vì thông điệp của bà rõ ràng hơn, giới quan sát cũng lo ngại rằng ông Macron đang tự “sập bẫy” và đối diện nguy cơ bị cáo buộc lừa dối cử tri, mà việc đe dọa EU là một ví dụ.
Vừa qua, ông Macron bất ngờ thay đổi quan điểm về EU, cho rằng EU cần phải cải cách nếu muốn Pháp tiếp tục là thành viên. Ý kiến này dậy sóng do nó rất giống của Jean-Luc Melenchon, ứng viên của phong trào Nước Pháp không khuất phục (FI) từng bị cử tri loại ở vòng một.
Tranh luận trên truyền hình Hai ứng viên cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay Emmanuel Macron và Marine Le Pen có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào hôm nay (3-5, giờ Pháp). Đây là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai người và được xem có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bầu cử, khi chỉ cách thời điểm bỏ phiếu đúng 4 ngày. Buổi tranh luận này sẽ được truyền hình trực tiếp trên hai kênh TF1 và France 2. Cả hai ứng viên dự kiến bảo vệ quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về chính sách, từ xã hội tới quan hệ của nước Pháp với phần còn lại của châu Âu cũng như vấn đề toàn cầu hóa. Ông Macron bị đánh giá thấp hơn bà Le Pen ở khả năng hùng biện và cũng bị cáo buộc chỉ nói những lời sáo rỗng. Quản lý chiến dịch của bà Le Pen, ông David Rachline, từng nói rằng cuộc tranh luận này sẽ giúp công chúng thấy rõ tầm nhìn của hai ứng viên về xã hội Pháp. Giới quan sát cho rằng ông Macron, với việc chấp nhận tranh luận với bà Le Pen, đã quên bài học từ cựu tổng thống Jacques Chirac. Trước đây vào năm 2002, ông Chirac đã từ chối tranh luận với ông Jean-Marie Le Pen (cha của bà Le Pen) và sau đó thắng áp đảo 82% - 18%, theo CNN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận