12/11/2014 10:15 GMT+7

​Tranh đua hợp tác kinh tế ở APEC

THÚY ĐÀO chuyển ngữ
THÚY ĐÀO chuyển ngữ

TT - Từ năm 2005, Mỹ đã nỗ lực tìm kiếm sự tham gia của các nước Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng thống Obama gặp lãnh đạo các thành viên tham gia đàm phán TPP tại Bắc Kinh ngày 10-11 - Ảnh: Reuters

Việc này nhằm thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Cho đến nay đã có 12 nước thành viên tham gia các cuộc đàm phán.

Thất thường và bất đồng

Thực tế là Mỹ đã khá thất thường trong nỗ lực theo đuổi TPP. Các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Syria, Iraq, Afghanistan, Iran và Israel, gần đây nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Ukraine đã khiến TPP, thương mại và APEC không còn là vấn đề trọng tâm của Mỹ nữa.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trước khi sang tham dự APEC đã phản đối thiết lập TPP vì lý do hiệp định này không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc. Còn Trung Quốc coi TPP là một nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn vai trò lãnh đạo của nước này trong các mối quan hệ thương mại ở khu vực. Trung Quốc quyết định không tham gia hiệp định dù Mỹ rất muốn sự có mặt của nước này.

Gần đây, Trung Quốc bắt đầu thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong tư cách một nước đứng đầu khu vực và một quốc gia có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế. Bắc Kinh đã đề xuất thiết lập Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thay cho TPP.

Khu vực FTAAP, hiện vẫn chưa thiết lập được khung hoàn chỉnh, sẽ tập trung xây dựng mạng lưới các hiệp định mậu dịch tự do song phương và chuẩn hóa các quy tắc quản trị thương mại. Để có được sự hậu thuẫn cho FTAAP, Trung Quốc có thể kết hợp TPP với các sáng kiến thương mại khác nếu nước này muốn làm như vậy.

Thú vị là Trung Quốc có thể thu về giá trị thương mại lên đến 100 tỉ USD nếu nước này tham gia TPP. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ muốn khuất phục Mỹ mà ngược lại chỉ muốn đứng trên Mỹ và các nước khác trong khu vực. Giờ đây với tầm ảnh hưởng gia tăng trong khu vực và trên toàn cầu, nếu nước này giữ quan điểm mềm mỏng hơn về vị thế thì sẽ chỉ có lợi mà thôi.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Mới gần đây, Mỹ đã bỏ phiếu phủ quyết đề xuất của Trung Quốc về việc thực hiện nghiên cứu khả thi cho Hiệp định khung FTAAP - đó là một thất bại của Bắc Kinh. Cùng lúc, Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tích cực tìm kiếm các nước đồng minh tham gia chia sẻ tầm nhìn của mình. Cả hai đối thủ đều chưa thuyết phục được quốc gia nào cam kết hoàn toàn với tham vọng của mình.

Trong bài phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bóng gió về những thay đổi lớn trong chính sách thất thường của Mỹ dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này có thể cho thấy những manh mối quan trọng trong quan điểm của Mỹ về khu vực và APEC: Mỹ sẽ thể hiện một thái độ mềm mỏng hơn.

Bài phát biểu của ông Kerry đã nêu bật cái gọi là “tái cân bằng” hiện nay bao gồm: đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó có việc hoàn thành Hiệp định TPP; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; giảm căng thẳng, thúc đẩy hợp tác khu vực, đóng góp vào các quy tắc tiêu chuẩn; và để người dân được sống với nhân phẩm, an toàn và cơ hội.

Có vẻ như Mỹ đã rút lui khỏi trọng tâm an ninh là chính sách xoay trục và vẫn đang trong nỗ lực tăng cường chính sách yêu thích của chính quyền Obama - “ngoại giao mềm”.

Việc thay đổi chính sách này cộng với thực tế là ghế tổng thống của ông Obama đang yếu đi đáng kể có thể lại khuyến khích Trung Quốc hoặc theo đuổi tham vọng của mình, hoặc nếu Trung Quốc cảm thấy là Mỹ đang cố gắng “kiềm chế” nước này trong khu vực thì có thể hợp tác hơn nữa trong các đàm phán thương mại.

Phía Trung Quốc dường như đang chờ đợi xem điều này sẽ thành hiện thực hay chỉ là giả thiết.

RCEP cạnh tranh TPP?

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, lại là một hiệp định thương mại khác được đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tổ chức tại Myanmar ngay sau APEC.

Trung Quốc ủng hộ RCEP, tuy nhiên chưa rõ là hiệp định này cạnh tranh hay bổ sung cho TPP; RCEP mới được đề xuất vào năm 2011-2012. Mỹ không tham gia sáng kiến này.

Do sự biến động như vậy nên nhiều nước trong khu vực vẫn đang cố giữ quan điểm trung lập, chẳng nước nào muốn làm mất lòng Trung Quốc hay Mỹ. Do các chính sách của APEC chỉ được thông qua khi có sự đồng thuận, nên có vẻ như hiệp định thương mại toàn diện khó đạt được thêm bước tiến nào.

Tuy nhiên kể cả nếu sáng kiến của Mỹ hoặc Trung Quốc có thu hút được sự chú ý thì cũng phải mất nhiều năm để thực hiện được các thỏa thuận thương mại ở quy mô này. TPP hiện đang ở năm đàm phán thứ chín! Điều này có nghĩa là các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia sẽ tiếp tục giữ vị trí chủ đạo.

Bất chấp các bất đồng tồn tại, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đàm phán một Hiệp định thương mại song phương để xác định các ngành công nghiệp nào sẽ được giải phóng và các ngành nào sẽ được bảo hộ. Và mọi việc cứ theo đó mà diễn ra thôi.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS (viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)

Đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP

Tại cuộc họp 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề Hội nghị APEC hôm 10-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi đạt được TPP càng sớm càng tốt.

Theo AFP, ông Obama và lãnh đạo 11 nước ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm cả Nhật, Canada, Úc và Mexico đã chỉ đạo cho các nhà đàm phán của nước mình thúc đẩy việc hoàn tất các cuộc đàm phán khó khăn về TPP.

Washington trong những năm qua đã thúc đẩy sáng kiến TPP nhưng vấp phải một số khó khăn khi một số thành viên quan ngại việc mở cửa thị trường nội địa, trong đó có Nhật Bản.

Theo AFP, ông Obama nói ông nhìn thấy những bước đà đang được hình thành xung quanh TPP và hiệp định này có tiềm năng trở thành một thành tựu lịch sử.

“Trong những tuần qua, nhóm làm việc của chúng tôi đã đạt được những tiến triển đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến hiệp định” - ông Obama nói. Trong khi đó, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói: “Thỏa thuận này sẽ không được ký kết sớm. Sẽ phải mất một thời gian dài để giải quyết dứt điểm một số vấn đề khó khăn”.

Theo Reuters, một số chuyên gia cho rằng bản nghiên cứu về sáng kiến Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) của Trung Quốc được đưa ra cho các lãnh đạo APEC phê duyệt trong tuần này có thể làm chệch hướng sự quan tâm đối với TPP vốn không bao gồm Trung Quốc.

VIỆT PHƯƠNG

 

THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên