21/03/2019 18:47 GMT+7

Tranh cãi xung quanh đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TTO - Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến cho tỉ lệ béo phì cao, nên đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vào nước ngọt để định hướng tiêu dùng đang vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi.

Tranh cãi xung quanh đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt - Ảnh 1.

Có nhiều lý do dẫn đến thừa cân, béo phì - Ảnh: H.H

Có tình trạng "áp rồi bỏ"

Từ giữa 2018, cơ quan chuyên môn từ Bộ Y tế và một vài tổ chức bắt đầu bàn thảo đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. 

Lý do chính của việc này là đã có một số quốc gia áp dụng loại thuế này cho mặt hàng nước ngọt, như nước láng giềng Thái Lan cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt nhằm giảm tỉ lệ thừa cân béo phì.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lại băn khoăn dự thảo Luât thuế tiêu thụ đặc biệt với đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt ở mức 10% có nguy cơ gây áp lực lên ngành công nghiệp này. 

Qua nghiên cứu chính sách thuế này, từng có một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng loại thuế này, tuy nhiên do những hệ quả kinh tế - xã hội từ đó nên đã có tình trạng áp rồi bỏ. 

Đan Mạch đã bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vào năm 2012. Với các nước EU khác áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt như Pháp, Phần Lan, Hungary và Hà Lan, thì nghiên cứu vào năm 2014 đã cho rằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt chưa cải thiện rõ rệt tình hình sức khoẻ cộng đồng.

Ông Wayne Barford - cố vấn cao cấp của Trung tâm thuế vàđdầu tư quốc tế, nhấn mạnh rằng không có thực tiễn hay thông lệ áp thuế quốc tế nào là mô hình kiểu mẫu tốt nhất để Việt Nam tham khảo, mà cần phải cân bằng với tình hình thực tế về kinh tế xã hội ở Việt Nam. 

Cân nhắc khi đưa chính sách vào thực tế   

Sử dụng công cụ chính sách về thuế để điều tiết nền kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, thuế cũng sẽ làm giảm sức tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng các thủ tục quản lý và là tiền đề tạo ra thất nghiệp.

Theo nghiên cứu năm 2018 của Viện Quản lý kinh tế trung ương về tác động kinh tế và xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 10% đối với nước ngọt thì sẽ có thể mang lại cho ngân sách 1.976 tỉ đồng, nhưng doanh thu của ngành công nghiệp này và ngành mía đường sẽ giảm khoảng 3.928 tỉ đồng, dẫn tới thu nhập từ hoạt động sản xuất của toàn ngành kinh tế giảm khoảng 0,16% và GDP giảm khoảng 0,12%. 

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thì mức tăng trưởng hàng năm của ngành đồ uống Việt Nam là 13,5%, với mức doanh thu ước tính cho cả năm 2017 là 2,97 tỉ USD.

Tranh cãi xung quanh đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt - Ảnh 2.

Việc tăng thuế bị doanh nghiệp kêu ca vì cho là làm ảnh hướng đến người trồng mía (ảnh: H.H)

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường ở Việt Nam đều có cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh, thành với quy mô tổng số lao động lên tới gần 3.000 - 4.000 người. 

Mỗi doanh nghiệp lớn thông thường kéo theo chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, bao gồm nhà cung ứng và phân phối, thường là các doanh nghiệp nhỏ hơn trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Đặc biệt, số hộ kinh doanh có sản phẩm của các doanh nghiệp này lên tới 1 triệu hộ. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất đề xuất việc đưa chính sách này vào thực tế cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh những ảnh hưởng và có những tác động không mong muốn.

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên