12/03/2019 18:21 GMT+7

Ngăn chặn thừa cân béo phì

NGUYỄN HOA
NGUYỄN HOA

TTO - Thiếu vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh đã được chỉ ra là hai nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì ở học sinh Việt Nam.

Tỉ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì đang tăng nhanh trong 15 năm trở lại đây, nhưng ngăn chặn đà gia tăng như thế nào lại chưa có lời giải hiệu quả.

Hiểu tận gốc nguyên nhân gây thừa cân, béo phì

Theo báo cáo về thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt Nam của nhóm nghiên cứu từ Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia, các yếu tố nguy cơ dẫn đến thừa cân béo phì bao gồm chế độ ăn nhiều thức ăn động vật, ít hoạt động thể lực và một số yếu tố khác như sử dụng rượu, bia ở mức có hại, tuổi và giới tính, và yếu tố kinh tế xã hội.

Ngăn chặn thừa cân béo phì - Ảnh 1.

Một thiếu nữ bị béo phì với trọng lượng xấp xỉ 100kg - Ảnh: T.T.D

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh chế độ ăn uống không lành mạnh và thói quen sống thiếu vận động là hai nhóm nguy cơ chính gây ra các căn bệnh về tiểu đường, béo phì và ung thư. 

Cũng theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí cũng được xem là một tác nhân gây ra sự gia tăng của các căn bệnh trên. Tổ chức này còn cho biết ngủ không đủ thời gian tối thiểu hoặc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa chất béo hay hàm lượng muối cao cũng có thể là nguyên nhân gây ra thừa cân.

Mặt khác, một nghiên cứu được Đại học Công nghệ Auckland và Đại học Auckland, New Zealand thực hiện đã phát hiện thời gian ngồi trước màn hình tivi hoặc máy tính của trẻ nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì và giảm các kỹ năng vận động.

Đi tìm giải pháp hiệu quả?

Theo ghi nhận, trên thế giới có một số quốc gia áp thuế đặc biệt đối với nước ngọt với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì, nhưng số liệu của WHO cũng cho thấy tỉ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường ở các quốc gia này vẫn không giảm.

Tại khu vực châu Á hiện có 4 quốc gia áp thuế đối với nước ngọt là Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Theo WHO, tỉ lệ béo phì ở độ tuổi từ 5-19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên ở các nước này vẫn tăng  trong 16 năm qua. 

Những quốc gia có tỉ lệ người béo phì và tiểu đường tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc đang tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và tăng cường vận động.

Trong số này, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm FOSHU - là các loại thực phẩm chứa các thành phần hỗ trợ sức khỏe mang lại những tác động về sinh lý và sinh học lên cơ thể người.  

Chính sách này tạo động lực cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống phát triển các sản phẩm lành mạnh hơn, khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm đối mới công nghệ và phát triển đa dạng các loại nguyên liệu, bao gồm thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường thấp.

Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia nên áp dụng các biện pháp để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân, áp dụng ngưỡng muối tối đa trong thành phần thực phẩm hoặc các bữa ăn; tạo một môi trường giảm lượng muối trong khẩu phần ăn ở các bệnh viện, trường học, công sở, nhà dưỡng lão;  giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhiều muối, và  áp dụng bắt buộc ghi thành phần muối trên nhãn các bao bì sản phẩm. 

Tại Việt Nam, chương trình Sức khỏe Việt Nam của Bộ Y tế do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động cuối tháng 2 cũng đã được triển khai thông qua phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày,  khuyến khích đi bộ hàng ngày nhằm tăng cường vận động thể lực cho người dân.

NGUYỄN HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên