Phóng to |
Khán giả xếp hàng vào xem phim chiều 10-7 tại rạp Galaxy Nguyễn Du (TP.HCM)- Ảnh: T.T.D. |
Theo nội dung công văn yêu cầu trả phí của VCPMC, việc các cụm rạp sử dụng nhạc phim sẽ phải trả tiền bản quyền trên cơ sở Luật sở hữu trí tuệ (SHTT). Các trường hợp sẽ bị tính phí bao gồm các tác phẩm âm nhạc phát tại sảnh, trong thời gian chờ - thời gian nghỉ giữa hai suất chiếu hoặc giờ giải lao và nhạc sử dụng trong phim.
Kẻ đòi, người chối
Rạp chiếu không phát nhạc để kiếm doanh thu Xung quanh câu chuyện bản quyền nhạc phim, đại diện Công ty BHD - nhà sản xuất và cũng là chủ sở hữu hai cụm rạp tại TP.HCM - nêu ý kiến: - Nhà phát hành phim đã ký kết hợp đồng mua bản quyền tác phẩm âm nhạc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để được sử dụng tác phẩm âm nhạc đó trong phim. Rạp chỉ là đơn vị được các nhà phát hành ủy quyền trình chiếu bộ phim đó cho công chúng. Do vậy, rạp không có trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc trong phim. Đồng thời với việc cung cấp bản phim, nhà phát hành sẽ gửi cho rạp các trailer của phim đó (đoạn phim quảng cáo). Trailer là một phần trích đoạn của bộ phim. Rạp sẽ sử dụng những trailer này cho mục đích quảng cáo bộ phim. Trong các trailer, nhà phát hành và nhà sản xuất có thể đưa tác phẩm âm nhạc mà mình đã mua bản quyền cho phim vào trailer. Khi tiếp nhận trailer, rạp sẽ chiếu trailer đó với mục đích quảng cáo chứ không phải sử dụng tác phẩm âm nhạc hay biểu diễn tác phẩm âm nhạc trước công chúng để kiếm doanh thu. |
Ở hai trường hợp nhạc phát tại sảnh và nhạc phát chờ chiếu phim, người ta dễ dàng hiểu và chấp nhận tính đúng đắn, phù hợp của chúng. Lâu nay, VCPMC vẫn triển khai thu phí bản quyền đối với các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, sân bay và cả trên các chuyến bay với lập luận rất rõ ràng rằng âm nhạc đã giúp tăng hiệu quả kinh doanh của các đơn vị sử dụng - thu hút khách hàng, tạo sự khác biệt trong cạnh tranh... Dù vậy, không phải đơn vị nào cũng sẵn lòng hợp tác thực hiện việc chi trả theo đúng tinh thần Luật SHTT.
Sau những tranh cãi, trì hoãn, tránh né... của nhiều đơn vị, VCPMC đã phải tận dụng đến kênh chính quyền - nhờ cơ quan chức năng can thiệp - để thu phí và đã vấp phải không ít khó khăn khi nhiều đơn vị tiếp tục kêu than, tố cáo ngược VCPMC thu, chi chưa minh bạch.
Trường hợp thu phí nhạc sử dụng trong phim (nhạc phim) lại là một câu chuyện khác. Khi được hỏi, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ bởi xưa nay người ta vẫn quan niệm rằng khi nhà sản xuất bắt tay thực hiện bộ phim thì họ đã xin phép (đại đa số là đặt hàng sáng tác riêng với những điều khoản bảo mật chặt chẽ) và chi trả tiền bản quyền cho tác giả.
Thu phí nhạc phim khi phim chiếu tại rạp phải chăng là động tác thu phí hai lần trên cùng một tác phẩm? Theo giới chủ rạp, đây là đòi hỏi hết sức phi lý. Bất chấp những phản đối, phía VCPMC vẫn khẳng định yêu cầu của mình là thỏa đáng khi cho rằng hình thức thu phí sử dụng nhạc phim đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và được sự ủng hộ của các tác giả mà VCPMC là đại diện.
Giữa hai luồng lý lẽ chừng như đều có lý, khán giả hoang mang không biết phải đứng về bên nào trong cuộc tranh cãi rất có thể sẽ kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa. VCPMC thu phí có đúng không? Các chủ rạp có thể không trả tiền không?
Căn cứ hợp đồng
Theo luật sư đại diện cho phía VCPMC, việc thu phí nhạc phim hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng của nhà sản xuất với tác giả. Có những tác phẩm phải trả phí trong khi những tác phẩm khác thì không. Với một hợp đồng mà ở đó tác giả trao toàn quyền khai thác, sử dụng cho nhà sản xuất trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian địa lý và các chủ rạp cung cấp được hợp đồng này thì VCPMC sẽ không thu phí, còn lại sẽ phải trả tiền, ít hay nhiều căn cứ trên những điều khoản cụ thể.
Thực tế thị trường phim ảnh trong nước có tình trạng nhà sản xuất đồng thời là nhà phát hành; phim do đơn vị này sản xuất, phát hành được ký hợp đồng phát hành với các cụm rạp khác và thỏa thuận ăn chia theo tỉ lệ dựa trên giá vé. Đặt trường hợp tác giả chỉ cho phép nhà sản xuất phát hành phim tại các cụm rạp của mình thì các cụm rạp thứ cấp sẽ phải trả phí. Trường hợp tác giả chỉ cho phép sử dụng nhạc trong phạm vi nội địa thì việc mang phim chiếu ở nước ngoài cũng sẽ phải trả phí.
Tất nhiên, tham khảo qua các hợp đồng sáng tác nhạc phim (hoặc sử dụng tác phẩm âm nhạc sẵn có cho phim) thì không có nhiều hợp đồng chặt chẽ được như vậy. Hầu hết chỉ khống chế về thời gian độc quyền của nhà sản xuất và phạm vi kinh doanh mở rộng chỉ bao gồm nhạc chuông, nhạc chờ hoặc việc ca sĩ được phép sử dụng tác phẩm để phát hành album hay không... Như vậy, để thu được tiền, VCPMC sẽ phải yêu cầu các bản hợp đồng và giới chủ rạp cũng phải cung cấp các bản hợp đồng của nhà sản xuất trong cố gắng không phải trả phí.
Theo cách tính phí hiện hành của VCPMC, phí tác quyền thu được sẽ là một khoản tiền không nhỏ. Không ngạc nhiên vì sao VCPMC quyết liệt thu tiền và giới chủ rạp cương quyết không trả.
Một trường hợp khác tưởng cũng cần phải lưu ý vì rất có thể sẽ sớm xảy ra và sẽ lại gây tranh cãi - tác phẩm âm nhạc trong những bộ phim truyền hình - cũng sẽ phải căn cứ trên hợp đồng là phát trên kênh nào, trong thời gian bao lâu, được phát lại bao nhiêu lần... hoặc các kênh thứ cấp và những lần phát lại sẽ phải trả phí.
Thu phí là có lý do Luật sư Phạm Thanh Thủy của VCPMC giải thích thêm: trong văn bản gửi các rạp phim, VCPMC đặt ra ba vấn đề: nhạc phát tại sảnh, nhạc phát chờ chiếu phim và nhạc được sử dụng trong phim. Riêng về nhạc sử dụng trong bộ phim đang chiếu, VCPMC sẽ căn cứ vào hợp đồng với nhà sản xuất phim. Ví dụ nếu trong hợp đồng, nhạc sĩ sáng tác chỉ giới hạn việc nhà sản xuất phim được toàn quyền sử dụng tác phẩm trong lãnh thổ Việt Nam thì khi mang ra nước ngoài chiếu, chúng tôi sẽ phải thu tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Trường hợp này từng xảy ra với nhạc sĩ Ngọc Đại và phim Đừng đốt. Khi Đừng đốt được mang ra nước ngoài chiếu và có lợi nhuận, thì nhạc sĩ viết nhạc cũng phải được hưởng quyền lợi trong đó. “Nhạc phim có hai loại, nhạc chủ đề được nhà sản xuất đặt hàng cho nhạc sĩ viết độc quyền cho phim và nhạc có sẵn được lấy từ kho nhạc hiện nay. Phần lớn nhạc phim chủ đề có hợp đồng chặt chẽ, nhạc sĩ trao quyền tác giả và quyền liên quan cho nhà sản xuất. Chúng tôi chỉ thu phí giúp tác giả khi nhà sản xuất sử dụng ngoài giới hạn không gian và thời gian mà hợp đồng quy định. Ngoài ra, nếu việc lấy một bài hát có sẵn mà không được sự cho phép của nhạc sĩ thì chúng tôi phải thu theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi tác giả. Việc thu phí này có lý do của nó chứ không phải thu theo ngẫu hứng” - bà Thủy khẳng định. Theo biểu giá công bố của VCPMC ở khoản nhạc dùng trong phim (mục 19), tiền sao chép tác phẩm âm nhạc khi sản xuất và phổ biến phim truyền hình có giá 15 triệu đồng/tác phẩm/bộ phim. Đối với phim điện ảnh là 30 triệu đồng/tác phẩm/bộ phim, phim phóng sự là 3 triệu đồng/tác phẩm/bộ phim, phim tài liệu là 4 triệu đồng/tác phẩm/bộ phim. Riêng đối với clip quảng cáo, VCPMC đề xuất thu tới 30 triệu đồng/tác phẩm/clip. Theo biểu giá, nếu sử dụng nhiều tác phẩm trong một bộ phim thì tác phẩm thứ hai sẽ được giảm 20%, từ tác phẩm thứ ba trở đi giảm lần lượt thêm 10% và từ tác phẩm thứ sáu trở đi giảm còn 45% so với mức giá ban đầu. Phía VCPMC cũng cho biết mức giá này chỉ áp dụng đối với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Riêng phí tác quyền dành cho nhạc phát trước và sau buổi chiếu là con số 2% của 70% số ghế nhân giá vé bình quân. HÀ HƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận