29/04/2023 14:58 GMT+7

Tranh bích họa Tam Thanh bị chê, dân nói họa sĩ nên gần dân hơn

LÊ GIANG
và 1 tác giả khác

Người dân làng bích họa Tam Thanh góp ý vì các bức tranh có thể thể hiện cái tôi của họa sĩ, nhưng xa lạ với người dân và không nói lên đặc trưng địa phương.

Tranh bích họa Tam Thanh bị chê, dân nói họa sĩ nên gần dân hơn - Ảnh 1.

Một bức bích họa bị người dân "chê" vì gương mặt người đàn ông kéo lưới rất giống với phụ nữ - Ảnh: LÊ TRUNG

Những ngày qua một số bức tranh ở làng bích họa Tam Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam gây tranh cãi khi bị người dân phản đối. 

Từ ngày 4 đến 14-4, các họa sĩ từ Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam được mời đến làng để vẽ tranh trên tường nhà của người dân.

25 tranh tường, 60 tranh trên chum, 55 tranh trên thuyền thúng và 9 tác phẩm điêu khắc được bổ sung thêm cho làng bích họa Tam Thanh.

Họa sĩ nên ở cùng dân, trò chuyện để vẽ cho thân thuộc

Người dân nói rằng một số bức họa có tính trừu tượng quá cao, không phù hợp với không gian làng biển.

Trong đó có bức tranh nhìn không ra con trâu hay con bò, khiến họ khó hiểu. Một bức vẽ khác thể hiện người đàn ông kéo lưới nhưng gương mặt và bộ ngực lại rất giống người phụ nữ. 

Thậm chí những chủ nhân các ngôi nhà có bức bích họa còn yêu cầu chính quyền nên điều chỉnh bằng bức vẽ khác.

Nhưng đây không phải là đợt vẽ bích họa đầu tiên ở Tam Thanh, mà là một phần của dự án giao lưu mỹ thuật Việt - Hàn do UBND TP Tam Kỳ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc hợp tác. 

Năm 2016, các họa sĩ tình nguyện từ Hàn Quốc đã đến Tam Thanh vẽ hơn 100 bức tranh tường. Năm 2018, các họa sĩ Hàn Quốc vẽ thêm 30 bức bích họa và sơn mới 50 căn nhà.

Tranh bích họa Tam Thanh bị chê, dân nói họa sĩ nên gần dân hơn - Ảnh 2.

Các bức tranh được họa sĩ vẽ trên thúng chai ở làng bích họa Tam Thanh

Trả lời Tuổi Trẻ Online, chị Mai Trang (người đang sống và làm dịch vụ du lịch ở Tam Thanh) cho biết: "Tôi thấy rất đáng tiếc khi ít bài báo nói về ý nghĩa của một số bức tranh của họa sĩ Hàn Quốc. Đó là những bức tranh gắn liền với những điều thân thuộc ở đây". 

Theo chị Trang, tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng các họa sĩ Hàn Quốc đã lắng nghe người dân và vẽ nên những bức tranh gần gũi với dân.

Chị lấy ví dụ: tranh vẽ người đàn ông đưa đôi mắt nhìn ra biển dựa trên một người có thật, anh bị mù và ước mong được một lần nhìn thấy biển; tranh vẽ đôi vợ chồng khuyết tật ngồi bên máy may, cầm bóng bay; tranh vẽ em gái nhỏ miền Trung da bánh mật cháy nắng tóc vàng hoe (sau này tranh bị chỉnh sửa); tranh đàn cá tượng trưng cho làng chài chuyên đánh bắt cá...

"Còn về sau những bức tranh có thể có cái đẹp riêng, nhưng chỉ chứa đựng cái tôi của các họa sĩ mà thôi. Đôi khi, chúng còn xa lạ với người dân và không nói lên đặc trưng ở địa phương, biển miền Trung, biển Tam Thanh như thuyền buồm, hải đăng, thuyền đi trên hồ nước..." - chị Trang nói.

Để tranh bích họa "gần với dân" hơn, chị Mai Trang gợi ý các họa sĩ nên đến ở nhà người dân mình vẽ thay vì lưu trú theo chính quyền, hoặc họ nên đến nói chuyện với chủ nhà trước khi vẽ, cho người dân cùng góp ý. 

Chẳng hạn các họa sĩ Hàn Quốc lần đầu đến Tam Thanh đã đi phỏng vấn, họp nhóm và trình bày để ra phác thảo trước cho dân.

Tranh bích họa Tam Thanh bị chê, dân nói họa sĩ nên gần dân hơn - Ảnh 3.

Một số bức tranh theo phong cách đương đại

Còn nếu nói là vẽ tranh đương đại để hướng tới du khách nước ngoài, chị Trang cho biết: 

"Thiệt tình tôi đang làm lưu trú, khách nước ngoài hỏi thì mấy bức đầu họa sĩ Hàn Quốc vẽ mình còn hiểu ý nghĩa, chẳng hạn đó là chân dung người dân được vẽ đẹp, nhân văn; hoặc vẽ những nét đặc trưng ở đây mình còn giải thích được. Chứ mấy bức vẽ quằn quại quá thì tôi cũng không biết giải thích cho khách nước ngoài thế nào".

Họa sĩ: Thấy buồn, muốn đổi mới phong cách bích họa

Trong khi người dân chê, họa sĩ tham gia vẽ nói rằng đây là tâm huyết của anh em họa sĩ. Họ muốn tranh có nhiều phong cách khác nhau để hấp dẫn du khách.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đã từng 7 lần tham gia vẽ tranh tại làng bích họa Tam Thanh, nói các họa sĩ đều mong muốn làng có khách đến tham quan, du lịch. 

Họ không chỉ vẽ tranh phục vụ riêng hộ gia đình mà làm sao một phần phục vụ du khách, hy vọng sẽ có những cái mới để hấp dẫn họ hơn.

Họa sĩ Hỷ nói: "Năm này sẽ vẽ kiểu này, năm khác vẽ kiểu khác, dĩ nhiên trong làng sẽ có những bức tranh vẽ tôm, cá, đánh bắt cá, biển nhưng lâu lâu cũng phải thay đổi chút.

Trước khi tôi vẽ cũng có trao đổi với gia đình họ. Thậm chí vẽ dưới trời nắng chang, đều làm vì tình nguyện. 

Câu chuyện này tôi nghĩ cứ để như một phép thử đi. Chúng tôi muốn góp cho làng các bức tranh có nhiều phong cách, nhiều cách vẽ khác nhau tạo sự hấp dẫn hơn. 

Những bức tranh người dân cho là trừu tượng thì không có gì mang tính xấu, bôi bác hết. Thực chất mấy bữa nay khi nghe chuyện này tôi cũng cảm thấy buồn".

Tranh bích họa Tam Thanh bị chê, dân nói họa sĩ nên gần dân hơn - Ảnh 4.

Họa sĩ giải thích về ý nghĩa bức tranh gây tranh cãi những ngày qua

Giải thích về bức vẽ của mình, họa sĩ Hỷ cho hay nội dung bức ảnh một cô gái cầm con cá mặt tựa nữ thần, còn người đàn ông (có bộ ngựa giống phụ nữ) kéo lưới thì muốn vẽ tư thế giống như múa. "Tôi không trách gì người dân cả, đôi khi mình vẽ thế này nhưng họ nhìn kiểu khác" - ông Hỷ tâm sự.

Ông Trương Thanh Khôi - chủ tịch UBND xã Tam Thanh - cho biết các bức bích họa ở làng bích họa Tam Thanh được các họa sĩ vẽ miễn phí, chính quyền địa phương lo chi phí đi lại, ăn ở.

Trước đó chính quyền có nhờ một họa sĩ mời giúp những họa sĩ khác về làng 10 ngày để vẽ tranh. Đối với một số bức tranh người dân có ý kiến, phản ứng thì chính quyền tiếp thu và sẽ hỏi ý kiến các họa sĩ.

"Chúng tôi đã đến nhà người dân để giải thích, vận động làm sao họ đồng ý giữ lại những bức tranh trên nhưng mấy ngày nay chưa gặp được họ. 

Về xấu đẹp của những bức tranh thì tôi không bàn vì không có chuyên môn, nhưng thực sự mà nói đó là tâm huyết của các họa sĩ" - ông Khôi nói.

Vẽ con trâu không ra trâu, đàn ông có ngực..., dân làng bích họa Tam Thanh chêVẽ con trâu không ra trâu, đàn ông có ngực..., dân làng bích họa Tam Thanh chê

Người dân sống ở làng bích họa Tam Thanh "chê" một số bức tranh vẽ trên tường nhà, cho rằng có tính trừu tượng cao, không phù hợp với không gian làng biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên