30/03/2009 15:42 GMT+7

Trăng nơi đáy giếng và khán giả Mỹ

HOÀI NAM (Từ Connecticut, Mỹ)
HOÀI NAM (Từ Connecticut, Mỹ)

TTO - Theo lời mời của viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại New York (IVCE) từ ngày 26-3 đến 22-4, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã đưa bộ phim Trăng nơi đáy giếng đến Mỹ công chiếu cho 12 trường đại học hàng đầu ở đây.

Đồng hành với chuyến đi này, PV Tuổi Trẻ gửi đến bạn đọc những thông tin cũng như hình ảnh mới nhất của những buổi trình chiếu bộ phim và giao lưu với đạo diễn Vinh Sơn tại Mỹ.

Bộ phim đã được trình chiếu hai buổi tại trường Wesleayan University (tiểu bang Connecticut) và Smith College (tiểu bang Massachusette). Các buổi chiếu đã thu hút khá đông người nước ngoài, sinh viên Mỹ gốc Việt và du học sinh Việt Nam.

qlshLbel.jpgPhóng to
Khán giả Mỹ, sinh viên Mỹ gốc Việt và các du học sinh đến từ Đông Nam Á đến xem phim

Khi đạo diễn bật mí các bí mật

"Tôi không biết bộ phim được làm vào thời điểm nào ở Việt Nam mà lại có một số phận cam chịu như vậy?". "Đó có phải là hình ảnh của phần lớn phụ nữ Việt Nam không? Các câu hỏi với đủ mọi khía cạnh từ các khán giả phần lớn là du học sinh và Việt kiều tại vùng Connecticut tới tấp đặt ra cho đạo diễn khiến ông phải “bật mí” những bí mật.

yIZzWLv6.jpgPhóng to
Các sinh viên Mỹ gốc Việt xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với đạo diễn Vinh Sơn

Chia sẻ thắc mắc của anh Châu Huỳnh, một doanh nhân ở Mỹ đã hơn 20 năm, đạo diễn Vinh Sơn chân tình: “Cũng khó khăn và trầy trật lắm, trong lần trình duyệt bản thảo phim lần đầu, Trăng nơi đáy giếng đã không được hội đồng duyệt phim đồng ý vì nói rằng phim phổ biến mê tín dị đoan, nhưng họ vẫn “hé cửa” cho tôi là hãy đem bản đã dựng lên trình duyệt lại. Sau khi làm hậu kỳ ở Pháp, tôi đã cắt vài cảnh, thoại, chưa kể chuẩn bị tâm lý vận động bạn bè trong giới ủng hộ… và bây giờ thì mọi thứ êm xuôi…”.

Đạo diễn Vinh Sơn:

Trăng nơi đáy giếng có những điều dễ gây tranh cãi: mối liên hệ vợ chồng và giải pháp tâm linh để giải quyết vần đề. Ngay cả đối với khán giả Việt Nam cũng có nhiều ấm ức sau khi xem phim.

Liệu trong thời buổi hiện nay, có người phụ nữ Việt Nam nào hi sinh tận tụy như vậy cho người chồng của mình và cuối cùng rơi vào trạng thái mê muội, đắm mình vào thế giới tâm linh? Tôi thật sự cũng không dám chắc, nếu có cũng chỉ là những trường hợp cá biệt. Tôi tin là mối liên hệ vợ chồng theo kiểu Việt Nam được trình bày trong phim Trăng nơi đáy giếng, tuy hiện nay càng ngày càng mai một nhưng sẽ là khuôn mẫu để tạo dựng một gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện đại.

Và tôi chờ xem khán giả Mỹ sẽ nghĩ gì khi xem phim mình”.

Trả lời câu hỏi của Jourdan Khalio Hussein (du học sinh đến từ Indonesia) và Liew Han Hsien (Malaysia), đạo diễn Vinh Sơn dí dỏm: “Bạn ngạc nhiên vì chuyện tôi để Hạnh (diễn viên Hồng Ánh) đóng mở cánh cửa nhiều lần trong phim, bản thân tôi cũng… ngạc nhiên, nói như thế nào là đúng, à, tôi cũng hơi… “điên” một chút khi để cảnh mở-đóng cửa như vậy nhiều lần. Tôi nghĩ mỗi lần đóng mở những cánh cửa là mỗi lần nhân vật chia sẻ những cảm xúc khác nhau của mình. Lần đầu tiên là mở và đón nhận yêu thương từ con người và xã hội, còn lần đóng cửa cuối cùng (sau vài lần đóng và mở cửa với bao nhiêu chuyện xảy ra khiến nhân vật tê tái cõi lòng) là từ chối tình yêu và muốn đóng luôn cửa lòng mình với mọi người, với thế giới bên ngoài”.

Đạo diễn hóm hỉnh nhưng cũng đầy triết lý khi trả lời về tựa phim: “Tại sao tên phim thì “lung linh” mà cuộc đời người phụ nữ truân chuyên quá? Cuộc đời thật nhưng đôi lúc không thật nên có những lúc chúng ta hụt hẫng bởi những sự thật. Tên phim cũng vậy, lung linh là cảm nhận ban đầu, còn đằng sau đó là sự huyền ảo và mơ hồ về cuộc sống”.

Tôi chờ xem khán giả Mỹ nghĩ gì

Trước ngày đem phim đi ông cũng khá lo lắng, ông nghĩ dòng phim mình có vẻ thích hợp với khán giả châu Âu hơn là người Mỹ. Ông nói: “Dù chưa phải là những buổi chiếu rộng rãi công chúng, nhưng đối tượng lần này lại khá đặc biệt, đó là sinh viên của các trường đại học, những người muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, hay những người Việt xa xứ thuộc thế hệ thứ hai muốn nhìn về gốc gác quê hương mình. Tôi còn nhớ đạo diễn Trần Anh Hùng khi nghe tin phim Mùa hè chiều thẳng đứng của mình chuẩn bị chiếu ở Mỹ đã thốt lên đầy vẻ phần khích: “Hùng muốn biết người Mỹ xem phim Hùng thế nào”. Tôi cũng hồi hộp như vậy”.

Hôm ra sân bay, hành lý cá nhân cho hành trình hơn một tháng ở Mỹ của ông chỉ là chiếc túi nhỏ đơn giản, còn tất cả các kiện hành lý đều là những cuộn phim nhựa Trăng nơi đáy giếng nặng hàng chục ký, bởi ông muốn khán giả Mỹ phải được xem phim Việt Nam với chất lượng tốt nhất.

Trăng nơi đáy giếng vẫn còn “chu du” thêm ở 10 trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Đại học Brown (buổi chiếu ngày 31-3), Cornell (2-4), Princeton (3-4), New York (4-4), Pennsylvania (7-4), George Mason (10-4), UC Irvine (12-4), UC Berkeley (20-4), Washington… trước khi đến Liên hoan phim quốc tế người Việt tại California (VIFF 2009). Chắc chắn vẫn còn nhiều bất ngờ từ khán giả dành cho Trăng nơi đáy giếng và ngược lại.

HOÀI NAM (Từ Connecticut, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên