Phóng to |
Phóng to |
Người dân xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, An Giang gia cố đê bao sản xuất - Ảnh: Đ.Vịnh |
Xem video |
Chiều tối 21-9, chúng tôi có mặt tại điểm “nóng” thuộc tuyến đê bao khu 2 và 3, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Dưới cơn mưa rỉ rả, hàng trăm người dân tất tả chạy như con thoi ở các điểm xung yếu để gia cố đê.
Ông Lê Tấn Thành, chủ tịch UBND xã Tân Hội, cho biết tuyến đê này có chu vi khoảng 5km, trong đó có đến 3,7km “áp mặt” với kênh. Mực nước bên ngoài đê với mặt ruộng chênh nhau hơn 3-3,5m. Áp lực của nước rất lớn, liên tục xuất hiện hàng chục điểm rò rỉ, răn nứt thân đê hoặc nước tràn khỏi mặt đê. “Mấy ngày qua cứ vá xong chỗ này lại xuất hiện thêm điểm rò rỉ khác. Chúng tôi phải huy động lực lượng đóng thêm cừ tràm thành nhiều lớp, đồng thời đắp thêm đất để ngăn chặn nước tràn vào ruộng. Nhưng chân đê đất nhão và mềm, bị sóng dập nên sạt lở thường xuyên” - ông Thành vừa thở dốc vừa nói.
Tại một điểm vá đê đang bị xì nước, nhiều người mệt mỏi ra mặt, chân nhấc không lên vì đã túc trực hộ đê suốt mấy ngày qua. Nước xì vào ruộng, chủ tịch xã ra hiệu lệnh cấp báo, cả trăm con người ùa lại đóng cừ, đào đất bị lỗ rò. “Phải cố thôi, nếu không giữ được đê thì hàng trăm hecta lúa, nhà cửa của chúng tôi trong đó sẽ tiêu hết” - một thanh niên vừa đóng cừ vừa quay sang nói với chúng tôi. Lão nông Nguyễn Văn Thanh cho biết cả tuần qua lãnh đạo xã và cả trăm người luôn bám trụ ở con đê này. Ban ngày gia cố, vá đê. Ban đêm chia nhau đi tuần, nếu phát hiện có lỗ bị xì lập tức cấp báo cho mọi người ra cứu đê.
Trong mưa, chúng tôi đi theo một nhóm tuần đê do phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Dũng phụ trách. Đột nhiên ông Dũng la to: “Có chuyện rồi. Chỗ hồi chiều bị xì nữa”. Thông báo được truyền đi. 10 phút sau cả chục người có mặt. Họ chia làm ba nhóm lặn ngụp dưới kênh để đóng cừ tràm và đắp bao đất vào chỗ xì. Nhóm này mệt thì một nhóm khác ra làm tiếp cho tới sáng.
Ông Nguyễn Hùng Tráng, phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự, cho biết hiện có hơn 2.000ha lúa vụ 3 của thị xã đang bị nước lũ đe dọa. Nhiều tuyến đê bị sạt lở, bị xì và một số đoạn nước mấp mé trên mặt đê, tình hình hiện rất căng thẳng. Trước mắt, huyện xác định 200ha ở khu 2, xã Tân Hội có khả năng sẽ mất trắng vì không thể bảo vệ được đê. “Chỉ riêng lúa, nếu thiệt hại sẽ hơn 70 tỉ đồng. Còn biết bao tài sản, nhà cửa của dân trong đê nữa. Nếu không giữ được đê thì gay lắm” - ông Tráng tâm sự.
Tại huyện Hồng Ngự, công tác hộ đê cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Mẫn, trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết điểm “nóng” nhất đang nằm ở tuyến đê Năm Hay - Cả Cách dài 12km. Hiện trên tuyến này xuất hiện 10 điểm bị rò rỉ cần gia cố ngay. Lúc này mực nước bên ngoài đê đã cao hơn mặt ruộng gần 3m. Hiện huyện thành lập mỗi xã một đội cứu hộ 20 người trực 24/24 giờ ở các tuyến đê để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố nhằm bảo vệ diện tích 2.600ha lúa tại hai xã Thường Phước 1 và Thường Lạc.
Phóng to |
Người dân ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đóng cừ tràm gia cố đoạn đê bao bị yếu trong đêm 21-9 - Ảnh: Quang Vinh |
Nỗ lực bảo vệ lúa
Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang vừa đưa ra cảnh báo cuối tháng này đỉnh lũ sẽ đạt xấp xỉ báo động 3, nếu trên thượng nguồn phía Campuchia có vài trận mưa kèm thì nước lũ sẽ đổ về mạnh, đỉnh lũ sẽ vượt mức báo động 3.
Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố quyết tâm bảo vệ an toàn các hệ thống đê bao xung yếu, bảo vệ mùa màng. Sau khi họp với các ban ngành, huyện, thị, hôm qua 22-9, ông đã lên huyện đầu nguồn An Phú, nơi giáp với biên giới Campuchia để thị sát, chỉ đạo công tác chống lũ.
Có mặt tại tuyến đê quốc phòng 957 huyện An Phú chiều qua, chúng tôi thấy hàng trăm thanh niên nam nữ được huy động gia cố tuyến đê này. Bên ngoài đê là sông Châu Đốc nước đã mấp mé mặt đê, bên trong là ruộng lúa, hoa màu xanh mượt, một số nơi lúa bắt đầu trổ đòng. Anh Lê Hồng Cao (ấp An Thạnh, thị trấn An Phú) hì hục khiêng từng bao cát từ xe công nông xuống để gia cố đê. Anh nói hiện nước đã gần bằng mặt đê, mực nước chênh lệch bên ngoài và bên trong khoảng 3m, áp lực rất lớn, nếu không gia cố kịp thời, nguy cơ nước tràn hoặc vỡ đê rất lớn. “Tôi nghe nói nước lũ sẽ trên báo động 3 đến cuối tháng, hiện đỉnh lũ mới trên báo động 2 mà nước cao như thế này rồi, lo lắm” - anh Cao không giấu được vẻ lo lắng.
Tại khu vực tập kết cát, dưới sông sà lan bơm cát lên liên tục, trên bờ xe cạp cát hoạt động không ngơi, hàng trăm thanh niên hối hả xúc cát vào bao khiêng chất lên xe. Chị Lê Thanh Thảo, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn An Phú, nói: “Lũ đang lên nhanh, tình hình đang gay cấn lắm, chúng tôi phải quyết liệt gia cố giữ tuyến đê xung yếu này để bảo vệ mùa màng cho người dân”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Phú, diện tích lúa vụ 3 gieo sạ gần 3.300ha, sản lượng ước gần 15.000 tấn. “Các tuyến đê xung yếu cơ bản đã gia cố xong, tuy nhiên chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi cường suất lũ hằng ngày để kịp thời đối phó” - anh Huỳnh Thanh Phong, trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú, cho biết.
Nước lên nhanh
Tại khu vực tứ giác Long Xuyên, từ ngày 15-9, chính quyền cho xả đập Tha La và Trà Sư để tránh áp lực nước giữa bên trong và bên ngoài đê. Sau khi xả lũ, mực nước tại xã Tân Tiến (huyện Tri Tôn) dâng cao bình quân 20cm/ngày, nhiều đập nước xuất hiện rò rỉ xuyên qua, lực lượng tuần tra phát hiện kịp thời và gia cố an toàn. Còn ở xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), ngay trong vùng sản xuất mở mới với trên 1.000ha có tới bốn bọng bị rò rỉ nước mạch, lực lượng hộ đê phải tấn bao cát gia cố.
Do nhiều năm nay vùng ĐBSCL không có lũ lớn nên nhiều tuyến đê bị khô kiệt, đất than bùn kết cấu yếu, một số loài động vật đào hang phá hỏng thân đê, khi lũ lên cao không ít nơi bị xì mọt, nước xuyên qua thân đê. Riêng tuyến đê Tha La bị thấm nước qua chân đê với chiều dài trên 1.200m thuộc đoạn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tế và đoạn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Châu (thị xã Châu Đốc). Chính quyền địa phương đã cho gia cố chống thấm bằng cách phủ lớp vải nilông từ đỉnh xuống chân đê, dùng bao cát tấn ép suốt tuyến đê bị rò rỉ. Tuyến này đang được đặt trong tình trạng báo động và được kiểm tra theo dõi thường xuyên.
Theo báo cáo từ các phòng NN&PTNT, đến thời điểm này khu vực tứ giác Long Xuyên thiệt hại về giống phải gieo sạ lại trên 13.000ha, sạ giặm 437ha, diện tích ngập úng gần 32.000ha. Nhiều nơi còn xảy ra sạt lở đất, hàng chục ngôi nhà bị sạt lở hoặc đang nằm trong nguy cơ sạt lở cao.
Cuối tháng 9 lũ vượt mức báo động 3 Ngày 22-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư phát thông báo lũ khẩn cấp trên sông Cửu Long. Theo đó, lũ thượng nguồn sông Mekong, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên và ở mức cao. Mực nước lúc 7g ngày 22-9 trên sông Tiền tại Tân Châu 4,28m, dưới mức báo động 3 là 0,22m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,62m, trên mức báo động 2 là 0,12m. Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và ở mức cao. Đến ngày 26-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên 4,55m, vượt mức báo động 3 là 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên 3,9m, dưới mức báo động 3 là 0,1m. Đến cuối tháng 9, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng vượt mức báo động 3 từ 0,1-0,2m; tại Tân Châu đạt 4,7m; tại Châu Đốc đạt 4,1m; tại các trạm chính trong vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đ.VỊNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận