29/01/2018 10:30 GMT+7

Tráng ca biệt động Sài Gòn

MAI HƯƠNG - MAI HOA
MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - Ngày 28-1, Bộ tư lệnh TP.HCM và Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Tráng ca biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.

Các nhân chứng lịch sử tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 gặp gỡ tại hội thảo ngày 28-1 - Ảnh: HỮU KHOA

Rất nhiều người tham dự đã không khỏi xúc động khi đây là lần đầu tiên, một hội thảo khoa học chính thức về lực lượng biệt động được tổ chức ở TP.HCM cũng như trên phạm vi cả nước, với những nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, công tâm, nghĩa tình nhất về lực lượng võ trang vô cùng đặc biệt này.

Trả nghĩa non sông, trả nghĩa đồng bào

Biệt động Sài Gòn - Anh là ai? Anh từ đâu tới? Bây giờ anh ở đâu?... Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đầy day dứt được PGS.TS Phan Xuân Biên, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nêu ra tại hội thảo đã được nhiều đại biểu đồng cảm.

Lâu nay, trong sách báo, hội đàm, nhiều người coi lực lượng biệt động là "đặc công đô thị". Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Biên, cách gọi này chưa chính xác, dễ gây ngộ nhận và đồng nhất giữa 2 lực lượng này. 

Biệt động là lực lượng võ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng đối phương, có cả trai lẫn gái, cả thiếu niên và người cao tuổi ở mọi ngành nghề: từ công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị cho đến học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, nhà tu hành, tư sản yêu nước; khác với đặc công là lực lượng võ trang thoát ly hoàn toàn, chỉ có thanh niên, không có phụ nữ, trẻ em, người già.

Về phương pháp hoạt động, biệt động có thể hoạt động cả ngày và đêm, nhưng chủ yếu vào ban ngày; khác với đặc công thường hành động vào ban đêm. 

Phương thức hoạt động của biệt động là trà trộn trong dân, hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt rồi nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu.

Đứng từ góc tiếp cận này, ông Phan Xuân Biên cho rằng cách sử dụng, bố trí biệt động đánh giữ mục tiêu với thời gian quá dài (do nhiều nguyên nhân khách quan) như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 hoàn toàn không phải sở trường mà chỉ là sở đoản của lực lượng này, do vậy tổn thất hi sinh là điều khó tránh khỏi.

Ông Biên dẫn chứng cụ thể trong trận đánh vào dinh Độc Lập, cuộc chiến đấu ác liệt không cân sức diễn ra cả một ngày, vượt xa so với kế hoạch 2 giờ đánh giữ mục tiêu ban đầu. Đơn vị 17 người thì đến 10 người hi sinh, số còn lại bị thương rồi bị bắt.

Hay như trong trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, 16 chiến sĩ chiếm giữ mục tiêu được 6 giờ, dù phải hi sinh 15 người, người chỉ huy bị bắt. 

Trận đánh vào mục tiêu Bộ tư lệnh hải quân, 16 chiến sĩ chiến đấu ngoan cường trong 4 giờ, kết quả 14 người hi sinh, 2 người bị bắt. 

Còn ở Đài phát thanh Sài Gòn, 14 chiến sĩ đánh chiếm được mục tiêu chỉ sau 5 phút nổ súng, sau khi cầm cự chiến đấu gần 5 giờ, 10 chiến sĩ đã hi sinh...

Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư nói: "Có lẽ không ai hiểu Sài Gòn bằng những chiến sĩ biệt động. Họ cũng là người hiểu rõ nhất nhiệm vụ được giao trong Tết Mậu Thân là những nhiệm vụ "có đi mà khó có trở về". 

Họ hiểu và họ đã đi vào trận chiến với quyết tâm cao nhất, luôn xác định đây là trận chiến cuối cùng của cuộc đời mình để trả nghĩa non sông, trả nghĩa đồng bào. Chỉ có chiến thắng hoặc hi sinh chứ không còn con đường nào khác".

Rưng rưng hai chữ "Lòng dân"

Câu nói của tướng Nguyễn Bình sau chuyến thị sát bí mật vào nội ô Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ năm 1946: "Các đồng chí về thành, rừng người sẽ bảo vệ cho các đồng chí còn tốt hơn rừng cây..." được ông Nguyễn Quốc Độ, phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động TP.HCM, nhắc lại như một lời giải thích về cội nguồn sức mạnh của lực lượng biệt động Sài Gòn.

"Rừng người" - lòng dân ấy đã che chở cho lực lượng biệt động luồn sâu, thoát hiểm, giúp vận chuyển vũ khí, đạn dược vào ngay lòng Sài Gòn - trước mắt quân thù để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. 

Cô Trần Thị Yến Ngọc (thuộc Ban liên lạc đội biệt động A20-A30) xúc động nhắc lại câu chuyện về anh Ba Bong Bóng (một chiến sĩ làm nghề bán bong bóng dạo vừa để mưu sinh vừa che mắt đối phương). 

Trước lúc lâm chung, anh mới gọi vợ vào bệnh viện, đưa cho vợ một nửa tờ giấy bạc, kể cho vợ biết trong nhà mình có căn hầm chứa vũ khí và chất nổ rồi dặn: "Vì nhiệm vụ cách mạng, anh đã giấu em. Anh chắc không sống được nữa. Em nhớ nếu các chú, các anh đến mang nửa tờ giấy bạc, em so khớp thì chỉ chỗ hầm cho mấy chú... Cách mạng nhất định sẽ thắng, em hãy thay anh tiếp tục nhiệm vụ!".

Cô Yến Ngọc còn nhắc chuyện ông Chín Khổ ngày ngày chèo ghe chở trái cây, nông sản từ Củ Chi vào nội thành. 

Chuyện ông Chín Ten rong ruổi trên chiếc xe bò chở thuê nào là tre, trúc, vật dụng nhà nông. Giấu trong những chuyến ghe, chuyến xe đó là chất nổ, là súng AK, lựu đạn, cả súng chống tăng B40.

Còn ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên phó trưởng Ban tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định, nhớ mãi về trận đánh vào Đài phát thanh Sài Gòn, khi đội công tác kỹ thuật nhận nhiệm vụ tiếp quản đài phát thanh nhưng không thành, buộc phải rút khỏi địa điểm. 

Cả đội đang không biết phải rút đi cách nào với đống phương tiện máy móc thì ông chủ nhà nơi đội ém quân bảo: "Các chú cứ đi ra tay không, hòa lẫn với đồng bào đang chạy vào thành phố, cứ để máy móc lại đây, tui có cách đối phó". 

Đội công tác thấy quá nguy hiểm, sợ ông khó đối phó thì ông điềm nhiên bảo: "Tui là dân Sài Gòn mà. Tui sẽ nói với họ là Việt Cộng vô đây rồi bỏ lại mấy thứ này. Mấy ông súng ống vầy còn không ngăn được Việt Cộng, huống chi tui chỉ là dân!". 

Nhờ tấm lòng bảo bọc của ông, cả nửa tiểu đội thoát đi an toàn.

"Những gương anh hùng trong chiến dịch Mậu Thân, cũng như bao câu chuyện về các anh hùng có tên hoặc không tên trong kháng chiến, đã nói lên một điều: Mỹ đã phạm sai lầm khủng khiếp (chữ dùng của bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara) vì họ tưởng chỉ đánh với một đạo quân. Nhưng họ không hiểu rằng họ phải đối đầu với cả một dân tộc" - ông Nguyễn Trọng Xuất đúc kết.

Chiến công bằng tinh thần quả cảm

Phát biểu tại hội thảo, nói về những chiến sĩ biệt động, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là những chiến sĩ không có quân hàm, không số hiệu, không có đơn vị chiến đấu chính quy, không được cấp phát kinh phí mà phải tự thân vận động, tự làm, tự nuôi mình, dựa vào dân để chiến đấu và đã làm nên những chiến công vang dội bằng tinh thần quả cảm.

Ông Nhân đề nghị các cấp, các ngành hữu quan cần làm tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa một cách thiết thực để tri ân những con người đã sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

70 tham luận

Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư cho biết hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận cùng nhiều ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM, Quân khu 7, các lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử.

Các tham luận đã nêu bật vai trò của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngoài ra, các tham luận còn nhấn mạnh vai trò của các lực lượng bảo đảm, những người dân đã hết lòng cưu mang che chở, góp phần làm nên thắng lợi sau cùng.

MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên