22/01/2018 10:28 GMT+7

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng.

MAI HOA - HOÀNG LÊ
MAI HOA - HOÀNG LÊ

TTO - Tối 21-1, một cầu truyền hình cảm xúc kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra tại ba điểm cầu ở TP.HCM. Bản hùng ca 68 đã vang lên dưới cơn mưa bất ngờ của thành phố.

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 1.

Tiết mục Đường chúng ta đi trong chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản VN - 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vào tối 21-1 tại đầu cầu hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cầu truyền hình Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép diễn ra tại ba điểm cầu: hội trường Thống Nhất, khu truyền thống cách mạng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), khu sinh hoạt văn hóa đa năng ấp 7 ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). 

Chương trình có sự tham dự của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo trung ương và thành phố nhiều thời kỳ: ông Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Lê Thanh Hải - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang - phó bí thư thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước... cùng sự tham gia biểu diễn của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên với 14 tiết mục nghệ thuật.

Các chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy năm xưa, nay ngồi hướng mắt lên sân khấu, nơi đang chiếu những thước phim đen trắng.

Họ cũng đang nghe những chứng nhân như bà Dương Huệ Liên - cán bộ Hoa vận, bà Trương Mỹ Lệ - cán bộ Thành đoàn đặc khu Sài Gòn - Gia Định... kể chuyện một thời lửa đạn; nghe những bài hát Dậy mà đi, Tự nguyện... được tái hiện trong không khí sục sôi những ngày xuống đường tranh đấu của học sinh, sinh viên Sài Gòn.

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 2.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hỏi thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hữu Tài (79 tuổi) trong chương trình tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày sống mãi

Trong số họ, người trực tiếp cầm súng chiến đấu, người tham gia tuyên truyền, dân công hỏa tuyến, nuôi giấu cán bộ... "Tôi như sống lại những năm tháng hào hùng đó..." - bà Hoàng Thị Khánh, nữ chiến sĩ tham gia tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ngồi dưới hàng ghế khán giả ở đầu cầu hội trường Thống Nhất, chia sẻ. 

Những năm tháng ấy, bà Khánh mới là cô gái hai mươi tuổi, tham gia chiến đấu. Bị bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai cơ sở nuôi giấu mình. Trong tù, bà nhiều lần bị hành hạ vì chống chào cờ, vận động, tập hợp bạn tù đấu tranh. 

"Tuổi trẻ của chúng tôi khi đó chỉ có một lòng quyết tâm và khí thế hừng hực, là nhất định phải chiến đấu đến cùng để nước nhà được độc lập, thống nhất, quyết không sống đời nô lệ..." - bà Khánh xúc động nói.

Cũng có người khi đó mới chỉ là đứa trẻ, chứng kiến cha mẹ mình tự tay đào hầm, cất giấu vũ khí đạn dược. Đó là ông Trần Kiến Xương, con trai ông Trần Văn Lai (Năm Lai). 

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 3.

Tiết mục Đường chúng ta đi trong chương trình tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày đó, ông thấy cha mẹ mình mua căn nhà nhỏ trong xóm lao động, rồi tự tay đào hầm làm nơi chứa vũ khí. Từ ngôi nhà ấy, 15 chiến sĩ biệt động của Đội 5 đã nhận nhiệm vụ tấn công vào dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân.

Một trong số những chiến sĩ biệt động năm ấy là Phan Văn Hôn (Bảy Hôn). Từ đầu cầu Bình Mỹ (Củ Chi), ông Bảy Hôn kể lại giờ phút ông và đồng đội nhận nhiệm vụ đánh vào dinh Độc Lập. Trước giờ nổ súng, họ không biết mục tiêu sẽ đánh ở đâu. 

Khi người chỉ huy giao nhiệm vụ và nói: "Đồng chí nào dám nghĩ dám làm thì tiến về phía trước", tất cả đều bước lên hết. "Chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng", người cựu chiến binh dạn dày trận mạc nói tới đây cũng nghẹn ngào xúc động.

Từ đầu cầu xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), nơi ghi dấu đội dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc anh hùng, những nữ dân công năm xưa cũng đắm chìm trong ký ức một thời đạn bom. Họ rơi nước mắt kể về những chị em đồng đội đã hi sinh. 

50 năm trước, để phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân, chi bộ xã Vĩnh Lộc huy động ngay được 400 nam, nữ thanh niên, trong đó số thiếu nữ mười bảy, đôi mươi chiếm phần lớn, hình thành ba đoàn dân công hỏa tuyến. 

Trong một chuyến tải thương lên Đức Hòa, tải đạn về Sài Gòn, bị phát hiện, oanh kích đội hình ác liệt, 32 nam nữ thanh niên dân công hỏa tuyến của xã Vĩnh Lộc - Bình Chánh đã anh dũng hi sinh... 

Bà Nguyễn Thị Khởi, một cựu dân công hỏa tuyến, kể khi ấy "vì sự nghiệp cách mạng, chị em chúng tôi không sợ bom rơi đạn nổ. Dù chết chóc đau thương, chúng tôi cũng không sợ".

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 4.

Các nhân chứng Mậu Thân 1968 tham dự trong chương trình tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khúc ca nhớ về lịch sử

Trong mạch chảy của những câu chuyện đầy khí thế hừng hực lẫn xúc động một thời, không ít giọt nước mắt đã rơi khi trong một đêm mưa xuân, ngồi giữa thanh bình để nhớ về những mất mát đã qua. Và nhất là khi những tiếng hát được cất lên.

Những người nghệ sĩ đã hát, đã múa trong cơn mưa chợt đến. Tại đầu cầu hội trường Thống Nhất, nghệ sĩ Tạ Minh Tâm cất vang bài ca Bản hùng ca 68: "Khi tôi sinh ra các anh đã trở thành huyền thoại. 50 năm qua không thể nào quên mùa xuân năm xưa. Mùa xuân 68, mùa xuân rực rỡ oai hùng...". 

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 5.

NSUT Tạ Minh Tâm trình diễn tiết mục Bản hùng ca 68 trong chương trình tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự rực rỡ, oai hùng đó phần nào thể hiện trong hoạt cảnh Tết Quang Trung - khí thế hừng hực, rực lửa của thế trận lòng dân ở nội ô Sài Gòn qua các ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Tự nguyện, Xuống đường, Dậy mà đi.

Ở điểm cầu Củ Chi, Bình Chánh, trong hoạt cảnh Vùng ven Sài Gòn, hình ảnh những chàng trai cô gái du kích chèo xuồng vận chuyển vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh lớn được tái hiện cùng các ca khúc Qua sông, Giữa chặng đường xuân (ca cổ)... 

Người xem như cùng hòa mình vào niềm tự hào dân tộc qua giai điệu sôi động, hào hùng của các ca khúc Dáng đứng Việt Nam, Sài Gòn quật khởi, Cung đàn mùa xuân...

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 6.

Hoạt cảnh Tết Quang Trung trong chương trình tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng khép lại quá khứ, Việt Nam không chỉ được biết đến như một đất nước với những trận đánh đã đi vào lịch sử, mà còn là sự chuyển mình hội nhập. 

Trước khi kết thúc chương trình, một thông điệp đã được trung tướng Phạm Văn Dỹ - chính ủy Quân khu 7 - gửi gắm: Thế hệ trẻ hôm nay phải cố gắng tích cực dựng xây đất nước. 

"Chỉ bằng cách ấy mới đền đáp xứng đáng sự hi sinh của những thế hệ đi trước, mặc dù mỗi thế hệ có vai trò không thể thay thế...". 

Bài ca ngọn cờ hòa bình do các em thiếu nhi với hình ảnh chim bồ câu tung bay và liên khúc Việt Nam ơi - Mùa xuân đến rồi, Hãy đến với con người Việt Nam đã khép lại cầu truyền hình, vẽ nên khát vọng về một đất nước từng ngày vươn mình trong tương lai.

50 năm xuân Mậu Thân 1968: Sống lại những năm tháng hào hùng. - Ảnh 7.

NSUT Tạ Minh Tâm trình diễn tiết mục Bản hùng ca 68 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968

TTO - Sáng 29-12, Bộ Quốc phòng cùng Ban Tuyên giáo trung ương và Thành ủy TP.HCM đồng tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử".

Chuyện người Sài Gòn Mậu Thân Chuyện người Sài Gòn Mậu Thân

TTO - Tất cả các lãnh đạo, nhân chứng, quân nhân đều nhắc nhở một điều trước khi kết thúc phát biểu, kết thúc câu chuyện về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: làm được những điều đó là nhờ có nhân dân.

MAI HOA - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên