29/12/2017 14:36 GMT+7

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Sáng 29-12, Bộ Quốc phòng cùng Ban Tuyên giáo trung ương và Thành ủy TP.HCM đồng tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử".

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 1.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" - Ảnh: TỰ TRUNG

Hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo

Hơn 500 đại biểu là các cựu chiến binh, quân nhân, nhân chứng lịch sử đã từng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy, các nhà sử học, các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng, Bộ quốc phòng, TP.HCM đã đến tham gia cùng những ký ức và nhận thức sâu sắc về sự kiện "long trời lở đất" 50 năm trước.

Hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo phân tích nhiều khía cạnh, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của cuộc tổng tiến công và nổi dậy: Từ nghệ thuật quân sự trong việc bí mật chuẩn bị vũ khí, con người đến nghệ thuật phối hợp các lực lượng tình báo - biệt động - quân chủ lực - các tầng lớp nhân dân; 

Nghi binh chiến lược, hướng sự chú ý, tập trung quân của Mỹ sang Khe Sanh - Đường 9 chỉ 10 ngày trước giờ G tổng tiến công; 

Mặt trận chính trị, quân sự thúc đẩy mặt trận ngoại giao, ép phía Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán; 

Vai trò từng người dân trong các căn cứ lõm, từ bà má nuôi quân, ông nông dân chuyển vũ khí, học sinh sinh viên dẫn đường… 

"Nghệ thuật quân sự Việt Nam kết hợp với khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm vô song của quân dân Việt Nam thể hiện trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa chiến lược quyết định trên toàn sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc", Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định ngắn gọn.

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 2.

Các đại biểu trò chuyện bên lề tại buổi hội thảo - Ảnh TỰ TRUNG

Cơ sở quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nhắc lại những bài học quân sự thực tiễn mà Mậu Thân 1968 đã để lại: Sự đoàn kết, thống nhất, phát huy các lực lượng; Nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu, nghi binh, giữ bí mật, tạo bất ngờ; Nghệ thuật hai chân (chính trị - quân sự) ba mũi (chính trị - quân sự - binh vận) ba vùng chiến lược (miền núi - nông thôn - thành thị)... 

Ông nhấn mạnh: "Dù chưa đạt được mục tiêu cao nhất đặt ra, song cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thực sự là "đòn sấm sét" làm chính quyền, quân đội Mỹ và Sài Gòn choáng váng, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Phong trào phản đối chiến tranh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới lên cao, ý chí xâm lược suy sụp, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 ra Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán".

Tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phát biểu: "Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá thành quả cũng như hạn chế, khuyết điểm trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các tham luận đã đưa ra những kinh nghiệm, bài học về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng, về nghệ thuật tổ chức, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nghệ thuật chớp thời cơ và tận dụng thời cơ, về các phương thức tác chiến chiến lược, công tác bảo đảm, xây dựng tiềm lực, thế trận… 

Đó là cơ sở quan trọng để vận dụng vào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân trong điều kiện mới".

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 3.

Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang - Anh hùng Lực lượng vũ trang) trả lời phỏng vấn báo chí vê "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" - Ảnh TỰ TRUNG

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 4.

Ông Lê Quang Thành - nguyên Bí thư Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu kể những câu chuyện thực tế sinh động về "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" - Ảnh TỰ TRUNG

Có mặt tại hội thảo, các nhân chứng lịch sử như Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang - Anh hùng Lực lượng vũ trang), ông Lê Quang Thành - nguyên Bí thư Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút các quân nhân thế hệ sau bằng những câu chuyện thực tế thật sinh động và hóm hỉnh. 

Là đêm ông Tư Cang đi giữa Sài Gòn hoàn tất những khâu cuối cùng cho đường dây tình báo trước cuộc tổng tiến công, vừa về đến điểm hẹn thì nghe tin người liên lạc bị bắt. Lòng tin vào đồng chí vượt trên nguyên tắc, ông đã một mình với hai quả lựu đạn, ở lại điểm hẹn suốt đêm trong phập phồng căng thẳng. "Lòng tin của tôi đã thắng", ông nói vậy. 

Là buổi chiều quân Sài Gòn bao vây, càn vào căn cứ, ông Tư Thành ở dưới hầm trú ẩn với hai người xa lạ là hai thanh niên trốn lính đã tình cờ phát hiện ra hầm của ông mà chui xuống trước đó. "Hú hồn, nhưng rồi họ đã gắn số phận mình với chúng tôi". 

Những hiểm nguy "ngàn cân treo sợi tóc" của tình huống bị đẩy xa cả 50 năm, chỉ còn những rút đúc của tình đồng chí, đồng đội, đồng bào.

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 5.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo - Ảnh TỰ TRUNG

Tự nhận mình là người đi sau, chỉ tìm hiểu, nghiên cứu Mậu Thân 1968 qua sách vở, tài liệu và gặp gỡ các nhân chứng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: "50 năm đã qua, thời gian đã làm phai mờ, thay đổi nhiều thứ, nhưng những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 phải được thực hiện thường xuyên và trân trọng".

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 6.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện bên lề với Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng - Ảnh: TỰ TRUNG

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 7.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (đúng giữa) trò chuyện bên lề với các đại biểu tại hội thảo - Ảnh TỰ TRUNG

Phân tích nghệ thuật quân sự Mậu Thân 1968 - Ảnh 8.

Đại tá Trầng Minh Sơn nhân chứng lịch sử tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đang ký tặng sách - Ảnh TỰ TRUNG

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên