Rất nhiều cung bậc cảm xúc và sắc thái tình cảm khán giả Hà Nội đã được trải qua trong đêm nhạc Trần Tiến Như chờ từng giấc mơ diễn ra tối 11-8 tại Cung văn hóa Hữu nghị.
Phóng to |
Trần Tiến và Trần Thu Hà trong Như chờ từng giấc mơ - Ảnh: vy an |
Rất lâu mới trở lại với sân khấu lớn trong một đêm nhạc của mình và dành cho chính mình, Trần Tiến ở tuổi 66 tưởng như không còn gì mới lạ và bất ngờ với khán giả. Nhưng, Trần Tiến bao giờ cũng là Trần Tiến, mỗi lần xuất hiện là một lần lôi cuốn người nghe, người xem không chỉ bằng những ca khúc tuyệt vời của mình mà còn bằng chính tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, sự mẫn cảm đặc biệt với thời cuộc và số phận đất nước của một "người yêu nước mình".
Tất cả ca khúc của Trần Tiến được các ca sĩ trẻ hát lại trong chương trình đều hay, đạt đến mức đưa khán giả khóc cười hay lặng đi rồi òa lên vỗ tay sau tiếng hát: Mặt trời bé con, Bình nguyên xa vắng, Chuyện tình thảo nguyên, Ra ngõ mà yêu, Dòng sông mùa thu, Phố nghèo, Chị tôi... (Trần Thu Hà hát); Sắc màu (tứ ca Trần Thu Hà, Tuấn Minh, Ðinh Mạnh Ninh, Tô Minh Ðức hòa giọng); Tóc gió thôi bay (Tấn Minh hát); Sao em nỡ vội lấy chồng, Giấc mơ Chapi (Trần Thu Hà hát cùng Tấn Minh)...
Nhưng hay hơn nữa là những bản tình ca về Tổ quốc và đồng đội của Trần Tiến: Vết chân tròn trên cát, Giai điệu Tổ quốc mà Tấn Minh - giọng nam xưa nay quen được biết đến như chỉ là người hát những bản ballad dịu dàng của Ðỗ Bảo - thể hiện một cách mãnh liệt đến độ làm nổ tung khán phòng. Bản Giai điệu Tổ quốc được ban nhạc Anh Em phối lại hiện đại hơn, Tấn Minh hát không gân guốc và mãnh liệt như chính tác giả ngày xưa nhưng trẻ trung, tươi sáng và vẫn đầy quyến rũ.
Và, như một lẽ tất nhiên, quyến rũ nhất vẫn chính là... Trần Tiến. Ông xuất hiện trên sân khấu để kể về những giấc mơ của đời mình: giấc mơ trong trẻo thời thơ bé, giấc mơ buồn của chàng trai Hà Nội sống ngay trên phố ga về những con tàu như những số phận, cả đời lầm lũi đi về nơi vô tận, giấc mơ thời chinh chiến đạn bom chỉ mong ngày về phố cũ gặp mẹ, gặp cô hàng xóm. Những câu chuyện được ông kể bình thản như chén nước trà, cái bánh khúc đêm mùa đông nhưng qua giọng kể của ông, có âm nhạc và lời ca hiển hiện, càng trở nên lấp lánh.
Ðêm nhạc nhanh chóng "nóng" lên khi ông nói với ca sĩ Tấn Minh, và cũng là với tất cả khán giả về Giai điệu Tổ quốc mà ông viết năm 1979: "Năm đó, chàng ca sĩ này mới 5 tuổi, nhưng giờ cậu ấy vẫn hát hay được như thế, chứng tỏ cậu ấy hiểu, chứng tỏ âm nhạc và tình yêu đất nước có sức mạnh vượt thời gian ghê gớm như thế nào".
Họ, những chàng trai 9X yêu nhạc Trần Tiến thật, nhưng còn hơn thế vì nhạc của ông hay, nó đẹp đến độ bao nhiêu thế hệ, người già người trẻ đều có thể tìm thấy mình ở đó, trong những số phận, những vui buồn nhân gian của ông.
Với một người nghệ sĩ yêu đất nước, yêu cuộc đời, yêu con người như Trần Tiến, quả thật không còn hạnh phúc nào lớn hơn thế.
Họ yêu nhạc của tôi thật Một điều đẹp đẽ nữa của đêm nhạc Trần Tiến là ngoài cô cháu ruột Trần Thu Hà, người hiểu ông và hát rất hay gần như tất cả ca khúc của ông, thì cả ba ca sĩ Tấn Minh, Tô Minh Đức và Đinh Mạnh Ninh đều cảm nhạc Trần Tiến một cách thấm thía và thể hiện một cách mãnh liệt. Có thể vì sức trẻ và gu âm nhạc rất văn minh của họ. Tiếng trống baranưng, Ngẫu hứng sông Hồng, Ngẫu hứng lý ngựa ô mà hai chàng trai trẻ Đinh Mạnh Ninh và Tô Minh Đức song ca đã làm cả khán phòng sôi động như những đêm rock sôi động mà ban nhạc Đen Trắng hay nhóm Du Ca của Trần Tiến đã khuấy động cả nền âm nhạc VN những năm 1980, và Trần Tiến phải nhảy lên sân khấu ôm lấy họ: “Tôi thật hạnh phúc vì bài hát của tôi đã được những chàng trai 9X hát một cách say sưa và thật hay, chứng tỏ họ yêu nhạc tôi thật”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận