Ngày 10-1, tại Nam Thi House diễn ra tọa đàm ra mắt sách Duyên: Hiện thực, trừu tượng, thiền họa do Phạm-Lê chủ biên và các tác giả là nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Trần Tường Vân - cháu gái họa sĩ Trần Phúc Duyên.
Cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993), người họa sĩ thuộc thế hệ sau cùng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng có cuộc đời và sự sáng tạo khác biệt so với các nghệ sĩ cùng thời.
Sơn mài và tinh thần của nơi chốn chỉ riêng có ở Việt Nam
Trần Phúc Duyên sống trên đời 70 năm thì có đến 50 năm ông dành trọn cho nghệ thuật sơn mài.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định trong số các họa sĩ xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sống và làm việc ở châu Âu như: Lê Phổ, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Tăng... chỉ có duy nhất ông Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo, xuyên suốt các sáng tác của mình, thay vì tranh lụa hay sơn dầu.
Trong Duyên: Hiện thực, trừu tượng, thiền họa, ông Việt đưa ra nhiều lý giải cho điều này.
Đó có thể là do niên biểu nghệ thuật, thời gian tiếp xúc, sự gắn bó của Trần Phúc Duyên với sơn mài, cũng như những khả năng đắc dụng của chất liệu này trong hội họa...
"Với Trần Phúc Duyên, hội họa trước hết là một nhã thú của văn nhân, luôn luôn cân bằng giữa mộng - thực. Thị hiếu của ông về căn bản là cổ điển, bắt nguồn từ đức tính thuần khiết và cuộc sống thanh tao truyền thống.
Ông như sớm tìm thấy ở sơn mài cái "Tinh thần của nơi chốn" (Genius Loci) chỉ riêng có ở quê hương Việt Nam", ông Việt nói.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng với Trần Phúc Duyên, sơn mài là một cuộc cách mạng. Sự thiếu thốn về vật liệu khi sinh sống ở nước ngoài thúc đẩy ông Duyên nghiên cứu, thử nghiệm với những điều mới.
Giám tuyển Ace Lê nhận xét:
"Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt.
Sau nửa thế kỷ miệt mài, ông chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây".
Từ hiện thực đến trừu tượng và thiền họa
Ông Phan Cẩm Thượng cho rằng nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương:
"Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hay hay hơn, mà vì toàn bộ những gì trải qua, cuộc sống thực tại đã đưa ông đến trừu tượng và thiền họa…”.
Theo ông Cẩm Thượng, có thể nhận ra ba lối tranh rõ rệt: phong cách Đông Dương cũ, chủ yếu là tranh phong cảnh, sinh hoạt;
Lối tranh thiền họa có biểu tượng và tranh trừu tượng tối giản thuần túy trong sự nghiệp của Phan Phúc Duyên.
"Về già hướng đến thiền, sự giải thoát trong tĩnh lặng vốn là tu dưỡng tinh thần của người phương Đông xưa.
Nhưng Trần Phúc Duyên tìm đến điều đó bằng hội họa.
Trong bài tiểu luận viết những năm 1990, họa sĩ Nguyễn Quân đã nhận ra tính chất phương Đông như thơ Đường tranh Tống trong tranh của Trần Phúc Duyên.
Có thể thấy vào những năm cuối đời, Trần Phúc Duyên dành thời gian sáng tác nhiều hơn cho thiền họa và trừu tượng. Cái nào nảy sinh trước thì ta không rõ, vì không tranh nào có năm tháng cả.
Nhưng tôi nghĩ có thể ông đến với hội họa trừu tượng trước, khi ông rất gần Minimalist art (nghệ thuật tối giản) và Mark Rothko. Bản thân sơn mài đã có tính trừu tượng, khi một tấm sơn mài nguyên màu cũng có tính biểu cảm, điều mà Nguyễn Gia Trí đã từ lâu nhận thấy" - họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận định.
Kho báu bị lãng quên
Duyên: Hiện thực, trừu tượng, thiền họa ra đời sau 6 năm chuẩn bị bởi hai nhà sưu tập Phạm-Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) nhờ cơ duyên tình cờ phát hiện “kho báu” các tác phẩm đồ sộ của Lê Phúc Duyên bị lãng quên tại ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, nơi cố họa sĩ sống và làm việc từ năm 1968 cho đến khi qua đời.
Với mong muốn giới thiệu với công chúng di sản nghệ thuật đặc biệt của ông, hai nhà sưu tập Phạm-Lê đã lên kế hoạch 5 năm để tổ chức triển lãm Họa duyên tương ngộ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993) tại TP.HCM vào năm 2023.
Rồi sau đó là sự ra đời của cuốn sách này vào năm 2024 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận