18/01/2016 10:22 GMT+7

Trần Lập và tầm vóc người nghệ sĩ

ĐỘC CẦM
ĐỘC CẦM

TT - Chứng kiến đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa tối 16-1 tại Hà Nội, người viết không khỏi nhớ lại một sự kiện khác xảy ra cách đây 24 năm tại sân vận động Wembley, Anh.

Trần Lập Bức Tường
Trần Lập nở nụ cười trong liveshow Bức Tường, bên dưới khán giả không cầm được nước mắt. Ảnh: Nam Trần.

Đó là những ngày tháng mà cả thế giới “run rẩy” trước sự bùng nổ của đại dịch HIV/AIDS. Và một trong những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ chính là giọng ca huyền thoại Freddie Mercury - linh hồn của ban nhạc Queen.

Để tưởng nhớ sự ra đi của ông, kêu gọi cả thế giới chung tay chống lại sự bùng nổ của đại dịch HIV/AIDS, ngày 20-4-1992, một sự kiện âm nhạc quy tụ đông đảo các nghệ sĩ hàng đầu thế giới đã được ba thành viên còn lại của Queen đứng ra tổ chức tại SVĐ Wembley với 72.000 khán giả chứng kiến.

Toàn bộ số tiền thu được từ sự kiện được dành cho quỹ mang tên Mercury đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và khống chế căn bệnh thế kỷ.

24 năm sau sự kiện tại Wembley, HIV/AIDS cơ bản đã được khống chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là sự nỗ lực không mệt mỏi của các nghệ sĩ, những người có tiếng nói và sức ảnh hưởng rộng lớn, với những sự kiện nghệ thuật truyền thông điệp và cảm hứng để từng cá nhân trong đám đông cảm nhận được thật sự mức độ của vấn đề và cùng ý thức chống lại “kẻ thù chung” của con người.

Trần Lập (giữa) và những người bạn trong live show Đôi bàn tay thắp lửa - Ảnh: H.Q.M.
Trần Lập (giữa) và những người bạn trong live show Đôi bàn tay thắp lửa - Ảnh: H.Q.M.

Hồi nhớ lại một sự kiện nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc đại chúng thế giới, để cảm nhận ý nghĩa đặc biệt của đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa tại Triển lãm Giảng Võ tối 16-1.

Đêm nhạc quy tụ những ban nhạc rock và đặc biệt là những nghệ sĩ nổi bật nhất của làng nhạc Việt như Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, Tuấn Hưng, Tùng Dương... Có lẽ đây là lần đầu tiên các rockfan chứng kiến một cuộc “lấn sân” đông đảo như thế của các ca sĩ pop trên sân khấu rock.

Nhưng đó chính là điều đặc biệt của đêm nhạc này. Nhóm ca Oplus hay giọng hát R’N’B như Hà Okio cũng có thể khiến khán giả rock vốn quen với xù xì, gai góc hòa giọng cùng họ khi thể hiện các ca khúc của Trần Lập, khẳng định thêm về chất lượng âm nhạc của ban nhạc rock thành công nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Với một khối lượng công việc không hề nhỏ để 5 ban nhạc và hơn 10 nghệ sĩ bước lên sân khấu trong mấy giờ đồng hồ, êkip sản xuất đã thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm với khán giả.

Chất lượng âm thanh không thể tốt hơn cũng như phần xây dựng kịch bản, hình ảnh chỉn chu khiến đêm nhạc thật sự đạt mức một sự kiện nghệ thuật chứ không phải một cuộc “góp gạo thổi cơm chung” tầm thường.

Và sau tất cả, với 30 phút trên sân khấu, Trần Lập đi vào lịch sử nhạc trẻ đại Việt Nam như một hình tượng đẹp của người nghệ sĩ.

Cách anh đứng vững, cách anh hát và cách anh chia sẻ từ câu chuyện về người vợ “chiến binh” của mình cho tới thông điệp chống lại căn bệnh ung thư, khiến bất cứ ai cũng phải cảm phục.

Sâu trong đôi mắt long lanh của người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời Trần Lập, và chính những người tổ chức chương trình, dường như là một cảm xúc khó tả. Họ đã hoàn thành một sự kiện tuyệt vời vì người chồng, người bạn, người anh em của mình.

Cuộc chiến của Trần Lập còn dài, nhưng điều tuyệt vời nhất là anh và những người bạn, đồng nghiệp của mình đã truyền tới được hàng vạn người có mặt trong đêm nhạc cũng như hàng triệu khán giả xem chương trình qua YouTube một thông điệp sâu sắc và cần thiết.

Cống hiến bằng cả tinh thần và sức lực vì những điều tích cực cho cuộc sống. Đó chính là tầm vóc của người nghệ sĩ thật sự.

*Đêm Trần Lập: "Khi anh vấp ngã mắt em luôn dịu êm"

ĐỘC CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên