Đồ vàng mã ở đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - Ảnh: DOÃN HÒA
Chỉ vì một con cá chép ai đó đánh rớt xuống ruộng mà nhiều người ùn ùn kéo ra khấn bái, chỉ đến khi chính quyền ra tay bắt cá mang đi mọi chuyện mới trở lại trật tự. Một con rắn nước bò lên, nằm cạnh một ngôi mộ đã kéo nhiều người tới chiêm bái.
Lễ hội đền Trần nhiều năm thành cảnh chen lấn, xô đẩy để lấy được chiếc ấn với hi vọng sẽ được "làm quan". Trong khi cùng ngày hôm ấy, lễ hội Minh Thề diễn ra ở Hải Phòng vắng hiu vắng ngắt.
Chuyện mê tín ngày nay biểu hiện muôn hình vạn trạng: phù phép để đi thi, xin số đề; gọi hồn, áp vong, cúng sao giải hạn, cúng kiếng biến tướng các kiểu... Đành rằng chuyện không còn của riêng ai nhưng thử nghĩ: những ai tham gia "nhiệt tình" nhất trong những vụ chen lấn xin ấn? Không phải là người nông dân! Bao nhiêu xe công có biển số đẹp, "8 nút, 9 nút"? Báo chí và công luận cũng phản ánh nhiều chuyện xe công... đi chùa. Nhiều đám tang, trong đó có đám tang của những gia đình cán bộ, vàng mã bay đầy đường...
Không biết tự bao giờ, nhiều người tin rằng có thể cúng bái, tranh cướp, xin thánh thần cho mình may mắn, đỗ đạt, thăng tiến. Nếu tất cả mọi điều xin mà có được thì cần gì phải lao tâm khổ tứ! Ai cũng xin, thánh thần nào có thể "nhận" những mâm xôi, con gà dâng cúng và xin nhà lầu, xe hơi, chức tước?
Những người theo Phật giáo và có tín ngưỡng Phật giáo, khi người thân qua đời bao giờ cũng cầu cho người thân siêu thoát. Đã siêu thoát rồi sao còn đốt vàng mã gửi đi? Và vàng mã để cúng giờ không chỉ áo quần, giày, nón; nhiều kiểu nhà lầu, xe hơi, điện thoại... bán khắp nơi, ngày càng đa dạng các kiểu "vật chất của cải", tiện nghi hơn người ở trần gian.
Chúng ta phải chấn chỉnh tình trạng mê tín ngày càng quá đà hiện nay. Một xã hội mà nhiều người dân tin vào ma quỷ, thần thánh, cúng bái để cầu xin; đức tin bị lợi dụng, nhiều người mua bán, trục lợi thì thật đáng báo động. Có nhiều vấn đề lớn phải sửa nếu muốn xây dựng và phát triển một nền văn hóa nhân bản, tiến bộ. Và trách nhiệm này không của riêng ai.
Việc này cần sự lên tiếng mạnh mẽ nhiều hơn nữa từ các vị chức sắc tôn giáo. Cán bộ, cơ quan nhà nước cần làm gương trước, chẳng hạn trong chuyện biển số đẹp, cúng bái khi khởi công, động thổ. Để phần đông người dân dần rời xa các hình thức mê tín, tất cả cán bộ, công chức, viên chức hãy làm gương không tham gia và cổ xúy các hành động mê tín dị đoan.
Nghĩ cho cùng, đây không phải là chuyện riêng từng người, từng nhà, mà là câu chuyện xã hội. Xã hội văn minh, tiến bộ không thể tràn lan các kiểu mê tín dị đoan như hiện nay.
Xử phạt nạn mê tín, được không?
Ngày tôi còn nhỏ, trẻ con được người lớn cho đeo những lá bùa trừ ma quỷ, bảo vệ sức khỏe và cha mẹ phải trả tiền. Ngày nay, tuy những hiện tượng đầy mê tín kiểu này không còn "thịnh hành", thay vào đó có rất nhiều hình thức đầy tính dị đoan (không phải tín ngưỡng).
Từ việc đốt vàng mã ngày càng hoành tráng, người sống phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Rồi cảnh tranh lộc thánh bạo liệt để ai đó chiếm được may mắn về mình.
Ai có niềm tin, có tín ngưỡng, họ luôn mong cầu những điều tốt đẹp cho mình và cho người khác. Mong ước đó sẽ đẹp hơn nếu được đến từ những thực hành đạo lý mà tín ngưỡng đó đã truyền đạt, chứ không nên đến từ những sự suy diễn hoặc tâm lý mê tín dị đoan.
Thời hoàng đế Gia Long, bộ Luật hình - nhân mạng (quyển 196) trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển đã quy định rất nhiều hình phạt chi tiết và cực kỳ nghiêm khắc dành cho những tội danh mê tín trong dân chúng.
Nếu bị phát hiện, tội nhân bị xử nặng, người tố giác còn được thưởng to. Người xưa đã quan tâm và có những biện pháp chế tài linh hoạt để kiểm soát ngay những hành vi tâm linh sai hướng.
Bình an cũng như may mắn đều đến từ quá trình sống hiểu biết, có đạo đức, cho mình và vì cộng đồng chứ không phải kiểu hối lộ thánh thần bằng nhiều kiểu cũng như hình thức vật chất khác.
TẠ TƯ VŨ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận