26/12/2011 05:45 GMT+7

Trận chiến truyền thông tại Ai Cập

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Một video clip tung lên mạng gây phẫn nộ cả trong và ngoài Ai Cập vì cảnh trong clip này cho thấy một số người lính chống bạo động đã trút đòn roi không thương tiếc vào một phụ nữ đã ngã ngửa trên đường trong tình trạng tung hết nút áo, để lộ cả áo ngực và còn bị đá, đạp vào mặt, vào ngực...

pdthCEW1.jpgPhóng to
Người phụ nữ Ai Cập bị cảnh sát đánh trong cuộc biểu tình ở Cairo - Ảnh: AFP

Clip này được cho là hình ảnh đàn áp trong cuộc biểu tình ngày 16-12 tại khu vực trước cổng trụ sở Hội đồng bộ trưởng Ai Cập ở trung tâm thủ đô Cairo.

Một hiệu ứng phẫn nộ và phản kháng lan rộng tại Ai Cập do tác động của clip này. Nhiều cuộc biểu tình của hàng ngàn phụ nữ đã diễn ra sau đó tại Cairo để phản đối hành động tàn bạo đối với một phụ nữ. Tờ New York Times của Mỹ đăng bức ảnh trích từ clip này với những lời bình luận mô tả nạn nhân là “người phụ nữ dũng cảm nhất Trung Đông”.

Hội đồng quân sự tối cao cầm quyền tại Ai Cập đã “lấy làm tiếc” đối với sự việc này và hứa điều tra để xử lý những người chịu trách nhiệm. Trong khi đó, dư luận xã hội và giới truyền thông Ai Cập lại rộ lên tranh cãi về tính xác thực của clip.

Ayman Seyiad, tổng biên tập tạp chí Quan Điểm, bảo vệ tính xác thực của clip và đưa ra ba điểm để chứng minh: Một là, đại diện của Hội đồng quân sự tối cao - tướng Adel Amara đã nói trong một cuộc họp báo quốc tế công nhận “sự kiện này là có thật”. Hai là, clip được ghi bởi một phóng viên của một hãng truyền thông quốc tế nổi tiếng. Ba là, về mặt kỹ thuật, không thể tạo dựng được một clip như thế trừ phi sử dụng các công cụ tương tự như làm phim 3D Avatar!

Tareq al-Khaul, người phát ngôn của “Phong trào ngày 6 tháng 4” (một trong những nhóm chủ lực của cuộc “cách mạng ngày 25 tháng 1” lật đổ tổng thống Hosni Mubarak), nói anh ta biết danh tính của người phụ nữ nạn nhân trong clip, nhưng phụ nữ này không chịu xuất hiện trước truyền thông vào lúc này, bởi “tính nhạy cảm” của những hình ảnh được ghi.

Nhưng ông Adel Abdu Sadeq, giám đốc trung tâm nghiên cứu không gian điện tử thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược al-Ahram, lại cho rằng cứ cho clip này là đúng sự thật thì việc chỉ tập trung vào hình ảnh cô gái áo xống tả tơi mà không quan tâm tới đoạn một người lính kéo áo che đậy thân thể cho cô này, đã nói lên mục đích kích động của bên đăng tải hình ảnh. Ông Abdu Sadeq khẳng định “những người tạo dựng ra clip này đã thay đổi thời gian ghi hình cũng như bản chất thông điệp của cảnh quay”.

Thậm chí, ông này còn giả thiết rằng cảnh quay đã được “diễn để ghi hình”, bởi người phụ nữ trong cuộc không mặc áo lót bên trong sơmi như trang phục thường thấy của phụ nữ Cairo. Chiếc áo lại thuộc loại cài khuy, rất dễ để kéo tuột hết. Hơn nữa, người lính đạp vào ngực cô gái không mang giày bốt màu sẫm như những người lính khác, mà là giày dân dụng sáng màu. Ngoài ra, theo ông, ngay cả khi người của Hội đồng quân sự tối cao đã công nhận tính xác thực của sự kiện thì việc lan truyền clip này một cách cố ý trong khi sự việc còn đang được điều tra cũng cho thấy tính thiếu xây dựng và không công tâm.

Theo ông Abdu Sadeq, ngay trong những ngày sục sôi tại quảng trường Tahrir hồi đầu năm cũng có rất nhiều hình ảnh và video clip tạo dựng tương tự nhằm góp phần kích động tâm lý quần chúng phản kháng và gây công phẫn trong dư luận quốc tế. Abdu Sadeq dẫn chứng: trong một chương trình truyền hình vệ tinh ba ngày trước, có cảnh một phụ nữ bị một người lính bắt phải cởi bỏ quần áo. Nhưng thật ra đoạn clip này đã được ghi hình từ năm 2007!

Còn có một bức ảnh ghi lại cảnh những người lính chống bạo động đang xúc phạm một phụ nữ mặc trang phục hijab bịt kín cả mặt và nói là “diễn ra tại Ai Cập”. Nhưng hình ảnh lại cho thấy những người lính này cầm khiên không thuộc loại công cụ hỗ trợ mà lính Ai Cập được trang bị. Trên một tấm khiên còn có hàng chữ ghi danh tính đơn vị là “trung đội lực lượng hỗ trợ” - một danh tính không hề có trong quân đội Ai Cập! Thật ra hình ảnh này chụp tại Morocco và được tung lên truyền thông nói là “quân đội Ai Cập đàn áp phụ nữ biểu tình”!

Ông Abdu Sadeq không phủ nhận có nhiều hành động đàn áp quá đáng từ phía công quyền, nhưng cũng có nhiều biểu hiện lạm dụng nghề nghiệp của giới truyền thông khiến sự thật bị bóp méo, ngụy tạo, thậm chí đảo ngược sự thật.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên