15/04/2017 11:34 GMT+7

Trần Bạch Đằng - một ngòi bút lửa

LÊ VĂN NUÔI
LÊ VĂN NUÔI

TTO - Sáng 13-4, tôi bỗng nhận được một bức thư, ngoài bìa thư ghi “Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu”. Bóc vội thư ra mới thấy “Thư mời dự giỗ lần thứ 10 của cố nhà báo Trần Bạch Đằng”, do chị Trần Hồng Ánh (con gái ông) gửi.

Ông Trần Bạch Đằng trong một sự kiện của báo Tuổi Trẻ năm 1985
Ông Trần Bạch Đằng trong một sự kiện của báo Tuổi Trẻ năm 1985

“Ngòi bút Trần Bạch Đằng rất nhạy bén, dũng cảm trong cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội, vì sự trong sạch của bộ máy công quyền, làm chỗ dựa và tiếp dũng khí cho những người trung thực đấu tranh chống tiêu cực!

Nhà báo Lê Văn Nuôi

Một niềm vui và nỗi nhớ chợt bừng lên ấm lòng. Như một lời nhắc nhở linh thiêng, một động lực thôi thúc tôi cầm bút viết ngay về một người mà tôi ngưỡng mộ như một người thầy về nhiều phương diện, đặc biệt trong nghề báo.

Chuyện thời công tác thanh niên

Thời kỳ ông Trần Bạch Đằng - bí danh Tư Ánh - làm bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định những năm 1967-1971 tôi chỉ là một thiếu niên chập chững bước vào phong trào đấu tranh học sinh sinh viên Sài Gòn đòi hòa bình, độc lập nên không được biết gì về ông.

Mãi đến đầu năm 1976, khi Thành đoàn gọi tôi đi họp chung với ông và các anh chị Trung ương Đoàn cùng các anh chị Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Thị Thắng... nhằm chuẩn bị Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên sắp tổ chức vào ngày 25-4-1976, tôi mới biết mặt chú Tư Ánh. Lúc đó, ông là chủ tịch đương nhiệm Hội Liên hiệp thanh niên miền Nam VN.

Khoảng thời gian từ 1976-1978, cứ cách vài ba tháng Thành đoàn lại mời ông Trần Bạch Đằng đến nói chuyện với thanh niên tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Đề tài ông nói xoay quanh vấn đề văn hóa, xã hội thời bình, chuyện xây dựng lý tưởng sống, lối sống của thanh niên. Ông diễn thuyết rất uyên bác, hùng biện, thuyết phục khá nhiều lớp trẻ Sài Gòn.

Các cuộc ông nói chuyện vào năm 1976, 1977 có đến 4.000 - 5.000 thanh niên tham dự, nên Thành đoàn phải tổ chức ở sân vận động ngoài trời Nhà văn hóa Thanh niên.

Trong vài cuộc nói chuyện với thanh niên, ông còn đọc thêm những bài thơ của ông sáng tác hồi trong chiến khu, viết về nhiều anh chị phong trào sinh viên, học sinh ký bút danh Hưởng Triều.

Vào năm 1979, khi tôi đang theo học nội trú khóa chính trị 2 năm tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội, bất ngờ nhìn thấy ông Trần Bạch Đằng đang ngồi chơi cờ tướng trong một căn phòng khu nội trú trong trường. Ngỡ ông vào đây thăm bạn, hỏi ra mới biết ông đang... theo học khóa chính trị 9 tháng.

Có lần, một ông thầy trạc 40 tuổi dạy môn triết học lớp tôi kể chuyện ngoài lề trên bục giảng: “Ở trường ta có ông Trần Bạch Đằng đang theo học. Tôi cũng có giảng môn triết học Mác - Lênin ở lớp ông ấy.

Nhưng ông Trần Bạch Đằng chỉ vào lớp nghe giảng mỗi môn quản lý kinh tế, cánh giảng viên trẻ chúng tôi bảo nhau: Ông Trần Bạch Đằng là bậc thầy của bọn mình rồi, nên ông ấy đâu cần đến lớp nghe giảng bài”.

Chuyện làm báo với ông Trần Bạch Đằng

Vốn đa tài, ông Trần Bạch Đằng viết đủ thể loại: chính luận báo chí, tiểu thuyết, thơ, biên khảo gửi đăng trên nhiều tờ báo, nhà xuất bản - sau năm 1975.

Đối với báo Tuổi Trẻ, vào thời kỳ tờ báo đổi mới khoảng 1977-1980, ông đã nhiều lần góp ý về định hướng nội dung, bản sắc đặc trưng, đối tượng phục vụ, phương châm nghiệp vụ.

Ông đã đăng trên Tuổi Trẻ hàng trăm bài bình luận sắc sảo, nóng hổi tính thời sự về nhiều lĩnh vực chính trị, văn hóa, quốc kế dân sinh.

Thời tôi phụ trách báo Tuổi Trẻ từ 1992-2003, ông đã gửi đăng bài bình luận hằng tuần, chúng tôi đăng trang 1. Bài ông viết luôn có sức thu hút đông đảo bạn đọc.

Có khá nhiều bài bình luận của nhà báo Trần Bạch Đằng gây chấn động dư luận, nhưng tôi nhớ được vài bài như bài bình luận “Bàn về sự nhân danh và ám chỉ”, khi vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi bị tạm ngưng biểu diễn do lệnh của một lãnh đạo cấp bộ;

Hay như bài “Thư ngỏ gửi các đồng chí lãnh đạo Đà Lạt”, khi Ủy ban nhân dân TP du lịch này ra chỉ thị cấm những người bán báo dạo, thuốc lá dạo... trên hè phố và quán ăn. Kết quả: lệnh cấm đó đã được rút lại.

Tôi nhớ mãi lời ông dạy tôi: “Làm một nhật báo thời sự chính trị như Tuổi Trẻ, cậu phải nhớ tổ chức cho được thể loại bình luận đăng trang 1, bình luận và thể hiện chính kiến bản báo về sự kiện nóng xảy ra trong 24 giờ qua!

Muốn làm được điều này, cậu phải tập hợp một số cây bút từ phóng viên, biên tập viên bản báo và cộng tác viên - những người có kiến thức chuyên sâu lĩnh vực và có khả năng viết thể luận.

Tất nhiên, ngoài bài bình luận là chủ lực, nhiều loại bài vở khác của báo cũng phải tăng tính bình luận, tính chính kiến”.

Mãi 6 tháng sau, tôi và ban biên tập mới thực hiện được thể loại bình luận đăng trang 1 hằng ngày, cho tới hôm nay.

Ông viết Ván bài lật ngửa

Anh em làm báo Tuổi Trẻ còn truyền tụng câu chuyện về bút lực mãnh liệt của ông. Nguyên vào khoảng năm 1980, Tuổi Trẻ khởi đăng tiểu thuyết tình báo Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (bút danh của Trần Bạch Đằng).

Tác phẩm này rất thu hút người dân Sài Gòn, do đây là câu chuyện có thật với nhân vật nguyên bản là đại tá tình báo cách mạng Phạm Ngọc Thảo hoạt động mật trong bộ máy chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn và miền Nam. Đây là thể loại tiểu thuyết đăng nhiều kỳ - còn gọi là feuilleton - trên nhật báo.

Không phải là một cuốn truyện đã xuất bản. Tác giả đưa cho tòa soạn bản đề cương cốt truyện và một số đoạn mở đầu chỉ đủ đăng vài ngày; sau đó tác giả viết tiếp, mỗi ngày gửi đến tòa soạn vài trang.

Đa số nhật báo ở Sài Gòn trước 1975 đều có đăng tải loại truyện nhiều kỳ này của các nhà văn chuyên nghiệp, sung sức như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Duyên Anh...

Bởi thế, người làm tòa soạn các nhật báo này mỗi ngày đều hồi hộp chờ tác giả gửi bài đăng tiếp kỳ sau. Rủi hôm nào tác giả bệnh hoặc... bí thì đành phải “Cáo lỗi bạn đọc: tạm ngưng một kỳ do...”!

Ván bài lật ngửa đang đăng được hơn tháng, một hôm ông Trần Bạch Đằng ngã bệnh phải nhập viện.

Ông nói thư ký gọi báo Tuổi Trẻ cho người đem theo máy đánh chữ đến bệnh viện nghe ông kể chuyện tiếp để đánh máy đem về tòa soạn kịp đăng!

Ông đi lại trong phòng bệnh, vẻ mặt diễn cảm như một diễn viên kịch nói - ông kể ra những đoạn đối thoại giữa nhân vật Nguyễn Thành Luân với Ngô Đình Nhu... hoặc diễn tả bối cảnh Sài Gòn những năm 1960.

“Sáng tác” kiểu độc đáo này đủ đăng một kỳ, rồi ông bảo phóng viên đánh máy nghỉ, mai vác máy tới nghe ông kể tiếp kỳ tới!

Tôi nhận thấy nhà báo Trần Bạch Đằng thuở sinh thời lẫn sau khi từ trần, ông luôn được công luận dân chúng và giới văn nghệ sĩ, giới làm báo, làm xuất bản ca tụng là một nhà hoạt động văn hóa, văn học tài hoa, một nhà báo uyên bác, từng có nhiều kiến nghị sâu sắc, tâm huyết về đổi mới Việt Nam.

Ngòi bút Trần Bạch Đằng rất nhạy bén, dũng cảm trong cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội, vì sự trong sạch của bộ máy công quyền, làm chỗ dựa và tiếp dũng khí cho những người trung thực đấu tranh chống tiêu cực!

Với bản thân tôi, mỗi khi cầm bút viết hoặc khi cảm thấy mệt mỏi lười viết, bỗng trong tâm tưởng tôi hiện lên một ngọn lửa thấp thoáng hình ảnh đầy ưu tư về vận nước của thầy Trần Bạch Đằng, thúc giục tôi hãy giữ vững bút lực như một duyên nợ nghề báo không thể rời xa!

Chuyện hội họp qua mắt ông Tư Ánh

Ông Trần Bạch Đằng và anh Lê Văn Nuôi Ảnh tư liệu chụp năm 1994
Ông Trần Bạch Đằng và anh Lê Văn Nuôi - Ảnh tư liệu chụp năm 1994

Vào năm 1992, 1993 ban biên tập báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp biên soạn để xuất bản tuyển tập Tiếng hát những người đi tới (tuyển tập dày 625 trang, gồm thơ, văn, nhạc, họa, báo chí của các tác giả thuộc phong trào sinh viên học sinh miền Nam chống Mỹ - sáng tác vào thời kỳ 1960-1975).

Chúng tôi đã mời ông Trần Bạch Đằng tư vấn và viết bài tổng thuật về tuyển tập.

Trong nhiều tháng liền, mỗi tuần ông đều đến Nhà xuất bản Trẻ ở số 161B Lý Chính Thắng họp chung với nhóm chủ biên gồm Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế, Lê Văn Nuôi và nhóm biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ.

Ông lắng nghe chúng tôi báo cáo tiến độ tổ chức bài vở và tham gia thảo luận. Tôi để ý vào mỗi buổi làm việc này, ông hút đúng một điếu thuốc và uống một lon bia.

Có lần đang họp, ông kể một câu chuyện cười về bệnh hội họp triền miên thời nay: Vào thời kỳ khoảng 1953, quân Việt Minh hành quân đánh quân Bình Xuyên do tướng Bảy Viễn cầm đầu ở vùng Nam Bộ.

Một hôm, khi họp lại đám tàn quân đã bị đánh tơi tả, tướng Bảy Viễn than: “May mà quân Việt Minh bận hội họp, học nghị quyết liên miên mà nó còn đánh quân Bình Xuyên mình te tua cỡ này. Nếu tụi nó bỏ hết hội họp, chắc nó đánh mình không còn manh giáp”.

LÊ VĂN NUÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên