25/05/2019 13:48 GMT+7

Trạm T2 BOT được 'sinh ra' bất thường

C.HẠNH - H.T.DŨNG
C.HẠNH - H.T.DŨNG

TTO - Hình thành và thu phí từ cuối năm 2016, nhưng ngay sau đó trạm T2 BOT quốc lộ 91 liên tục bị chính quyền, người dân và doanh nghiệp tỉnh An Giang phản ứng vì cho rằng đặt sai chỗ. Vậy trạm T2 này được “sinh ra” như thế nào?

Trạm T2 BOT được sinh ra bất thường - Ảnh 1.

Quốc lộ 91B nằm trong nội ô TP Cần Thơ lúc đang được thi công hệ thống cống thoát nước - Ảnh: CHÍ HẠNH

Và có một điều khá đặc biệt: Bộ GTVT đề nghị cho đặt trạm T2 (đoạn qua P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) như hiện nay sau khi cầu Vàm Cống khởi công gần 1 năm.

Trạm T2 là của dự án QL 91 hay QL 91B?

Trạm T2, thuộc dự án BOT QL 91 do Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư, luôn là "vấn đề nóng" của chính quyền, người dân và cả doanh nghiệp tỉnh An Giang suốt 3 năm nay.

Ngày 1-11-2013, chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Lưu đã ký văn bản thông báo truyền đạt kết luận của ông Nguyễn Văn Thể (lúc này là thứ trưởng Bộ GTVT) về việc triển khai dự án BOT QL 91 và việc đặt trạm thu phí T1 để hoàn vốn. 

Theo kết luận trên, dự án BOT QL 91 ban đầu chỉ có một giai đoạn đó là cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn từ km14 - km50+889. 

Ngày 22-11-2013, UBND TP Cần Thơ chấp thuận việc Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang đặt trạm T1 tại km16+905 (P.Phước Thới, Q.Ô Môn). 

Sau đó, Bộ GTVT có quyết định chấp thuận cho Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang đầu tư xây dựng dự án như trên.

Thế nhưng, mọi phát sinh rắc rối có thể xuất phát từ việc xem xét nâng cấp, cải tạo QL 91B. QL 91B (nằm trong nội ô Cần Thơ) bị hư hỏng nghiêm trọng sau 2 năm đưa vào sử dụng. 

Do đó, ngày 21-7-2014, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Cần Thơ tiếp tục đề xuất mở rộng thêm tuyến QL 91B. Hội nghị cũng thống nhất ghép dự án mở rộng QL 91B vào chung với dự án QL 91 được phê duyệt trước đó. 

Sau đó, bộ trưởng Bộ GTVT (lúc đó) - ông Đinh La Thăng - có thông báo thống nhất với phương án trên. 

Từ đó Bộ GTVT có văn bản gửi HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đề nghị thống nhất chủ trương đầu tư, phương án, quy mô đầu tư cải tạo, mở rộng QL 91B từ km0 đến km15+793.

Thế nhưng có một điều tréo ngoe ở đây: thay vì đầu tư tại đâu thì đặt trạm thu phí trên tuyến đường đó, Bộ GTVT lại đề nghị đặt trạm T2 thu phí hoàn vốn cho tuyến đường này tại km50+050, nằm trên tuyến QL 91 - ngay đoạn qua P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ như hiện nay. 

Sau các đề xuất của địa phương cùng các bộ, ngành liên quan trình lên, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho ghép dự án QL 91B vào QL 91. Quá trình này đã làm dự án BOT QL 91 từ 1 thành 2 giai đoạn đầu tư.

Bị phản ứng nhưng vẫn xây dựng

Sau khi dự án QL 91 hoàn thành, đưa vào thu phí trạm T1 vào tháng 3-2016, đến năm 2017 trạm T2 cũng được đưa vào vận hành thu phí. 

Từ thời điểm này, trạm T2 đã gặp phản ứng khá gay gắt từ Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang, Kiên Giang và nhiều doanh nghiệp. 

Trạm T2 BOT được sinh ra bất thường - Ảnh 2.

Vị trí đặt trạm T2 BOT - Đồ họa: N.C.K

Đa số cho rằng họ không sử dụng QL 91B (nằm trong nội ô Cần Thơ) và chỉ sử dụng khoảng 300m đường ở dự án QL 91 nhưng phải trả phí cho toàn dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang, cho biết tính đến nay ông đã ký 15 bản kiến nghị giải quyết các vấn đề về trạm T2. 

"Trước khi xây dựng trạm T2, hiệp hội cũng đã có văn bản phản ứng vì vị trí đặt quá vô lý nhưng chẳng ai quan tâm, xem xét" - ông Xuân nói.

Đứng trước các bức xúc của người dân và kiến nghị của địa phương, tháng 6-2017 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật có công văn hỏa tốc giải đáp kiến nghị mua lại dự án BOT QL 91 của UBND TP Cần Thơ và kiến nghị di dời trạm T2 của UBND tỉnh An Giang. 

Bộ GTVT cho rằng việc mua lại dự án BOT (QL 91 và QL 91B) là chưa có tiền lệ và ngân sách nhà nước cũng rất hạn hẹp. 

Riêng việc di dời trạm T2, Bộ GTVT cũng đề nghị chủ đầu tư rà soát, xem xét trên nguyên tắc "khả thi về phương án tài chính", giao Vụ Đối tác công tư và Tổng cục Đường bộ tham mưu xử lý.

Tương tự, ngày 4-1-2018 Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. 

Thế nhưng, không biết các bộ, ngành giải quyết thế nào, đến nay trạm thu phí BOT T2 vẫn án ngữ ở vị trí cũ để thu tiền bất hợp lý của người dân An Giang qua lại hằng ngày.

Qua tài liệu do chủ đầu tư cung cấp, tuyến QL 91 được nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 37km (không tính các tuyến tránh). Tuyến QL 91B được đầu tư nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 16km. 

Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 400 tỉ đồng, vốn công ty tự có 280 tỉ đồng, còn lại vay ngân hàng. 

Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư được phép thu phí trong 17 năm 9 tháng với 2 trạm thu phí T1 và T2 đặt trên tuyến QL 91. Mức giá thu phí thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe.

Sau quyết toán, vốn đầu tư giảm được 300 tỉ đồng, nhưng mức giá thu phí vẫn giữ nguyên. Thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án được Bộ Tài chính thông qua cho phép nâng lên thêm 6 năm 4 tháng. 

Thế nhưng, sau đó một lần nữa Tổng cục Đường bộ đã có quyết định cho phép thời gian thu phí hoàn vốn của dự án này tăng lên đến 43 năm với lý do là thời gian vừa qua có xem xét giảm giá vé cho một lượng xe khu vực xung quanh trạm thu phí.

Tài xế tiếp tục phản ứng, trạm BOT T2 phải xả trạm hàng chục lần Tài xế tiếp tục phản ứng, trạm BOT T2 phải xả trạm hàng chục lần

TTO - Sau cuộc họp ghi nhận ý kiến giải quyết bất cập của đại diện các cơ quan ban ngành vào buổi sáng, thì chiều 23-5 trạm T2 BOT Quốc lộ 91 tiếp tục bị tài xế phản ứng, phải xả trạm cả chục lần.

C.HẠNH - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên