07/06/2009 08:42 GMT+7

Trăm năm vừa tiễn một người

LÊ XUÂN THĂNG
LÊ XUÂN THĂNG

TT - Cây đại thụ của làng nhiếp ảnh Việt Nam Võ An Ninh vừa về cõi tiên (19g ngày 4-6-2009) trong sự thương tiếc vô hạn của giới văn nghệ sĩ cả nước. Quy mãn ở tuổi 103, Võ An Ninh là một biểu tượng vĩnh cửu, tiêu biểu của nhiếp ảnh Việt Nam: thật giàu hương sắc và chan hòa tính nhân văn.

4Xrruizr.jpgPhóng to
Võ An Ninh -Ảnh: TAM THÁI

Vĩnh biệt Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh

Sinh năm Ðinh Mùi, ngày 18-6-1907 ở phố Hàng Gai (Hà Nội), là con trai trưởng trong một gia đình có bốn anh em, ông theo học tiểu học tại Trường Amiral Courbet (nay là Trường Nguyễn Du, Hà Nội). Từ thuở nhỏ ông vốn đã có khiếu ba môn học: chữ nho, hội họa và địa lý. Ðậu xong bằng Certifica (1924), ông thi vào Trường Bưởi cùng lúc được mua trả góp chiếAc máy ảnh hiệu Zeiss - Ikon với giá 32 đồng 5 hào.

Năm 1932, ông bắt đầu công bố những bức ảnh nghệ thuật đầu tay. Bức ảnh Buổi sớm trên đê sông Hồng được giải thưởng ngoại hạng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1935), Ðẩy thuyền ra khơi - giải ngoại hạng Paris (1938). Năm 1938, huy chương vàng cho cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế...

Năm 1945, đang làm thư ký cho Tổng cục Nông lâm, nhìn thấy đồng bào bị nạn đói, ngã gục, vật vã trên hè phố rồi chết do chính sách bắt nhổ lúa trồng đay của quân Nhật, ông vừa bức xúc vừa xót xa. Thế là với chiếc xe đạp, bất chấp nguy hiểm, ông quyết định đạp xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh... cứ miệt mài ghi lại những hình ảnh đau thương. Ông chứng kiến tận mắt cảnh hàng ngàn trong tổng số 2 triệu đồng bào chết vì đói. Phim thời đó rất hiếm, ông chụp được hơn 100 kiểu rồi về làm ra ảnh. Một số tấm ông gửi cho Hội Hợp Thiện ở Sài Gòn trưng bày để vận động quyên góp cứu trợ...

UIbkVEaG.jpgPhóng to
Bến xưa - Lai Châu 1952 - Ảnh: VÕ AN NINH

Nét tài hoa nhất của Võ An Ninh là ảnh phong cảnh. Ông nói: "Làm sao cho bức ảnh có được cái hồn. Chọn được góc độ, cảnh chọn rồi chưa đủ, còn phải biết chờ đợi. Chờ nước lớn, chờ nước ròng, chờ lá rụng, chờ hoa nở, chờ trăng lên... Phải biết quan sát từng áng mây: có mây tản, mây dừng, mây bạc, mây trôi...

Mỗi chi tiết lại mang cho ảnh một ý nghĩa riêng. Ðể có được những bức ảnh đẹp chùa Hương tôi đã hơn 50 lần đến đó, có hai lần đi bằng xe đạp. Riêng Sa Pa, cũng hơn 20 lần ngắm cảnh mây vờn núi, núi vờn mây. Tôi thuộc lòng từng viên gạch, từng gốc cây, từng khe đá quanh hồ Hoàn Kiếm, quen thuộc tựa như ở nhà mình. Dù một bàn chân bị cụt lúc trẻ do tai nạn, tôi vẫn khao khát được đi, càng đi càng thấy quê mình đẹp. Có khi tôi đợi cả ngày trời để mong một tia nắng, chờ lúc mây tan và xúc động ngắm mây mà uống rượu, uống rượu mà ngắm mây".

Vậy là người ta vẫn bắt gặp một ông già đầu tóc bạc phơ với chiếc xe đạp mini cũ dạo khắp phố phường Hà Nội, Sài Gòn.

Ðiều đặc biệt là hơn nửa đời gắn với nghiệp ảnh, cụ Võ vẫn trung thành với chiếc máy ảnh cổ Zeiss -Ikon, chiếc ống kính có góc thu ảnh trung bình (normal lens) và loại phim đen trắng. "Ai cũng làm lạ và hỏi tôi điều ấy. Thật đơn giản là tôi đã quen thuộc tính nết và cùng với chiếc máy ảnh chia sẻ biết bao kỷ niệm. Với lại bản thân đất nước ta nơi nào cũng đẹp, do đó tôi thích dùng loại ống kính sao cho trung thực với khóe nhìn của mắt mình. Tôi có may mắn được đi nhiều chỗ, đến nhiều nơi, nhận được nhiều tình cảm quý mến của người dân. Làm sao cho bức ảnh thể hiện được những rung động của lòng mình. Bởi lẽ dễ hiểu, mình có rung động mới mong làm rung động được lòng người"...

B6hOhLV9.jpgPhóng to
Chợ Đồng Xuân, Hà Nội 1956 - Ảnh: VÕ AN NINH

Thật hiếm người biết rõ sự tích về hai chữ "Tiên ông" của cụ Võ. đó là vào năm 1981, có đoàn gia tộc người Hoa đóng thuyền giữa đường vượt biển bị hải tặc chặn cướp tài sản, lương thực rồi đẩy lên đảo hoang. Sau nhiều ngày lâm vào cảnh đói khát, trong thế cùng quẫn nguy kịch có người đêm nằm mơ thấy một ông tiên đến giúp. Bất ngờ buổi xế trưa, đoàn tàu hải quân đưa cụ Võ đi sáng tác Côn Ðảo chạy ngang phát hiện kịp thời. Ðể đền ơn cứu mạng, họ tộc đã dành một khu đất xây kim tĩnh làm nơi an nghỉ của "Ông tiên" ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Ðồng Nai.

Con người đã đi trọn những mùa xuân của thế kỷ và suốt chiều dài bi - tráng của đất nước nay đã về với cõi tiên, nhưng những tác phẩm quý báu của ông để lại sẽ được thế hệ sau nghìn đời trân trọng và lưu giữ.

Năm 1991, tuyển tập Ảnh Võ An Ninh với 169 tác phẩm được Thông tấn xã Việt Nam ấn hành. Nhiều tác phẩm của ông được chọn trưng bày tại các triển lãm ảnh nghệ thuật ở Pháp, Liên Xô, Đức. Dọc suốt chiều dài đất nước, từ Bắc chí Nam, hầu như không có địa phương nào chưa in dấu chân ông với hàng ngàn thước phim tư liệu được lưu giữ. Tháng 6-1991, nhà viết sử bằng ảnh Võ An Ninh được trao Huân chương Lao động hạng nhì do Hội đồng Nhà nước trao tặng về quá trình cống hiến và hoạt động nhiếp ảnh. Bộ ảnh tư liệu Nạn đói năm Ất Dậu và Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình (1945) được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) và nhiều huân chương khác... Ông được phong tặng là Công dân danh dự TP.HCM...

LÊ XUÂN THĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên