Bắt đầu từ việc đòi chiếc chuông đang ở chùa Giáp Đông của Huế, làng Quáng Khái (Hải Phòng) nối kết được hai ngôi làng khác cùng tên ở Đà Nẵng - Ảnh: THÁI LỘC
Cho đến giờ này, nhiều người dân ở làng Quáng Khái, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) và hai làng Quáng Khái Đông, Quáng Khái Tây ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) vẫn còn xúc động khi cơ hội đẩy đưa họ gặp gỡ nhau để nhận họ hàng.
Truy tìm cho ra được tổ tiên dòng họ không dễ, quan trọng nhất ở cái duyên và phụ thuộc vào sự kiên trì, vất vả để tìm kiếm. Kế đến là phải có tâm, có trí và có lực.
Ông VŨ MẠNH HÀ
Đi đòi chuông tìm thấy họ hàng
Báo Tuổi Trẻ số 13-7-2018 chia sẻ thông tin về quả chuông bảo vật của chùa Giáp Đông, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế nguyên xưa là của làng Quáng Khái ở Hải Phòng.
Ngay khi có được thông tin, cụ Võ Tam Tư, một cao niên của làng Quáng Khái, tức tốc vào ngay chùa Giáp Đông xác minh. Sau đó, các cụ bô lão của làng này khởi đơn đòi chuông và cùng lên đường vào Huế tính kế.
Cũng may, người họ gặp trước tiên là nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh để nghe ông này phân tích: "Thời gian chiếc chuông này ở với các cụ ngoài Quáng Khái thì ít nhưng thời gian tại Giáp Đông những 197 năm, gắn bó với nó sâu nặng lắm, khó có thể di chuyển được!".
Rồi ông Vinh đề nghị: "Chuyện cái chuông coi như không nên đòi nữa. Tôi giới thiệu cho đoàn tới một địa chỉ có hai gia đình họ Huỳnh Bá quê các ông vào đây lập nghiệp đã gần 300 năm. Họ lập ra hai làng Quáng Khái Đông và Quáng khái Tây ở chân núi Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Có thể họ sẽ là mối quan hệ họ hàng nào đó với người dân Quáng Khái ở Hải Phòng!".
Thông tin "vàng ngọc" ấy khiến những người trong đoàn Hải Phòng đồng ý gác lại việc cái chuông để vào ngay Đà Nẵng tìm kiếm họ hàng...
Cụ Võ Tam Tư, sau cuộc gặp gỡ xúc động, nghĩa tình với người Quáng Khái ở Đà Nẵng, kể lại: họ Huỳnh Bá khởi đi bằng thuyền từ miền Bắc, gồm ba anh em, hai trai, một gái. Khi thuyền đến gần nơi ở hiện nay tại Ngũ Hành Sơn thì thuyền lật do lốc khiến người em gái chết đuối.
Người anh cả chọn đất Quáng Khái Đông lập nghề điêu khắc đá và trở thành tổ nghệ làng này. Trong khi người em chọn đất Quáng Khái Tây làm vườn tược, đồng áng, đến nay được 14 đời...
Về Hải Phòng, cụ Võ Tam Tư tìm đến họ Hoàng (tức họ Huỳnh ở miền Trung) trong làng Quáng Khái, tìm kiếm văn bản gia phả dòng họ.
Văn bản cổ của dòng họ thì thất tán. Vì vậy câu chuyện những người ra đi từ dòng họ này trong lịch sử chưa thực sự trùng khớp với chuyện các vị tổ Huỳnh Bá ở Đà Nẵng. Dù vậy, người họ Huỳnh trong cả ba làng Quáng Khái vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Đến nay họ vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm, trao đổi với nhau như người trong họ.
Ông Huỳnh Bá Dũng, đại diện làng Quáng Khái Tây (Đà Nẵng), ôm chầm lấy cụ Võ Tam Tư (trái) ở làng Quáng Khái, Hải Phòng - Ảnh: TRỌNG HẢI
Chỉ 10% số làng phương Nam bảo lưu gốc tích
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, một chuyên gia về làng xã, cho rằng quá trình Nam tiến khiến người dân ngày càng xa quê gốc. Còn sự thất tán, phôi pha, theo kinh nghiệm của ông, có khá nhiều nguyên nhân như: ghi chép gia phả sai, chủ quan, thất lạc, thiên tai, chiến tranh...
Vì vậy, chỉ có khoảng 10% các làng thành lập sớm ở đất phương Nam còn bảo lưu gia phả, cội nguồn tổ tiên; số còn lại phần nhiều không biết hoặc biết rất mù mờ. Riêng khu vực cố đô Huế và lân cận có đến hàng loạt dòng họ gia phả chỉ ghi chép chừng 12-13 đời.
Theo ông Vũ Mạnh Hà - trưởng Ban liên lạc các dòng họ Việt Nam, hiện nay trường hợp tìm về nguồn cội, dòng họ, tổ tiên rất phổ biến. Một số may mắn tìm ra, kết nối được gốc tổ, trong khi nhiều gia đình, dòng họ khác rơi vào vô vọng, mịt mờ...
Theo ông, chủ trương chung hiện vẫn chưa thực sự chú ý đến "ngành" dòng họ. Khoa học về dòng họ gần như chưa có.
Trong số "tứ trụ sử gia" không có người chuyên nghiên cứu đã đành, những cơ quan, viện nghiên cứu về dòng họ đang "thiếu vắng", ngay cả hội nghiên cứu về dòng họ vẫn chưa thành lập... Trong khi đối với người Việt, theo ông Hà, tổ tiên ông bà như là một đạo: đạo hiếu, là điều hiếm có trên thế giới.
Bản thân đạo hiếu xây dựng con người không đối lập với các đạo khác, đều hướng con cháu phát triển nhân lực, nhân tài, hướng đến sự phát triển, do đó nếu được chú ý đúng mực sẽ rất nhiều điều lợi.
Cần chỉ dấu quan trọng
Ông Vũ Mạnh Hà cho rằng hiện hệ thống ban liên lạc các dòng họ khá đầy đủ, từ cấp trung ương cho đến cấp tỉnh, huyện và các cấp "chân rết" ở xã, thôn... Những ai muốn tìm kiếm gốc tổ nên liên lạc với các tổ chức này để thuận tiện tìm kiếm, dễ nối kết.
"Truy tìm cho ra được tổ tiên dòng họ không dễ. Quan trọng nhất ở cái duyên và phụ thuộc vào sự kiên trì, vất vả để tìm kiếm. Kế đến là phải có tâm, có trí và có lực!" - ông Hà nói.
Chia sẻ kinh nghiệm, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết để tìm ra gốc tổ, chí ít phải xác định cho được một tín hiệu, một chỉ dấu nào đó, đặc biệt là địa danh, rồi dựa vào đó mà tra cứu qua các giai đoạn biến thiên của lịch sử.
Địa danh có thể được ghi chép trong các văn bản, gia phả hoặc trong các ký ức truyền miệng, hoặc một chỉ dấu có khả năng liên tưởng (ví dụ một cái cầu trên đường thiên lý qua một khu vực phủ, huyện nào đó...).
Điều cần lưu ý ở đây là làm sao tìm được địa danh gốc, đồng thời với sự bảo lưu địa danh đó trên quê hương mới, có thế mới dễ tái hiện, phục nguyên được trên con đường tìm kiếm.
Tài liệu cần thiết
Cuốn sách rất hữu ích trong việc tra cứu về các làng cổ trên đất Bắc - Ảnh: THÁI LỘC
Theo ông Trần Đại Vinh, một tài liệu cần thiết để tham khảo khi truy tìm, nối kết dòng họ là sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) (dịch và hiệu đính từ tài liệu Các tổng, trấn, xã, danh bị lãm có từ thời Gia Long).
Cho đến nay, đây là tài liệu được xem là duy nhất để tìm hiểu các làng xưa ở đất Bắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận