02/05/2019 09:18 GMT+7

Trăm dâu đổ đầu… giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 1: Những “ca” khó

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Làm giáo viên chủ nhiệm như làm dâu trăm họ" - một giáo viên ở TP.HCM cảm thán như thế khi kể về công việc của mình.

Trăm dâu đổ đầu… giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 1: Những “ca” khó - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Phạm Hoàng Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A3 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), nhận hoa chúc mừng của học sinh trong Ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

Công việc nhiều và nhiều việc không tên, áp lực lớn, trong khi chế độ, chính sách và điều kiện làm việc của giáo viên chủ nhiệm vẫn là điều "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...

Hội thảo cuối tháng 3-2019 tại Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến nhiều người phải chạnh lòng khi gần 30 tham luận đã tái hiện một cách sinh động nhưng đầy tâm tư về nghề giáo viên chủ nhiệm.

Không "chính danh" như giáo viên dạy văn, toán, lý, hóa... và cũng không có một chuyên ngành nào đào tạo trong trường sư phạm, nhưng công việc của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng và quá tải với hàng ngàn tình huống phải xử lý.

Những tình huống không có trong sách vở

Cô giáo Diệp Phương, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), kể mỗi khi đối diện với một tình huống là lúc giáo viên chủ nhiệm lại phải tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu để có thể hỗ trợ học sinh. 

"Tôi có một học sinh có biểu hiện khác các bạn nữ khác và sau này tôi biết em ấy là người đồng tính. Ban đầu tôi không hiểu gì cả, rồi khi hiểu một chút thì sợ và cũng có chút thành kiến với người đồng tính nói chung" - cô Diệp Phương kể về một trong những tình huống cô gặp trong đời làm nghề.

Cô Phương cho biết em học sinh đó học khá, tính tình lương thiện, quan tâm tới người khác: "Tôi nghĩ một cô bé như thế mà phải chịu sự kỳ thị của bạn bè và những người xung quanh thì không đành lòng. Điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu để hi vọng có thể giúp được em. 

Tôi lên mạng đọc thông tin, tìm hiểu tài liệu về việc này. Cuối cùng tôi phải đi học để có sự thấu hiểu và hỗ trợ. Tôi cần cởi bỏ thành kiến trước thì mới mong người khác không kỳ thị với những người như em học sinh của tôi".

Còn đây là tình huống "khó đỡ" của một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 ở TP.HCM: "Phụ huynh gọi điện cho tôi than thở rằng bữa cơm bán trú chất lượng kém quá. Con họ nói ăn cơm bán trú như ăn cơm tù, thịt cá quá ít, canh thì như "canh toàn quốc", cơm lại quá khô do nấu bằng loại gạo cũ, rẻ tiền. Đề nghị thầy làm sao đó để cải thiện bữa ăn cho các em".

"Tôi băn khoăn quá, không biết trả lời sao với phụ huynh cho ổn thỏa, bèn nói với họ nên làm đơn kiến nghị với ban giám hiệu nhà trường chứ vấn đề cơm bán trú nằm ngoài khả năng của giáo viên chủ nhiệm. Thế là có một phụ huynh chất vấn ngay: tưởng giáo viên chủ nhiệm phải lo chuyện ăn, ngủ, học hành cho học sinh chứ!" - thầy giáo trên kể.

Một giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở Q.3 (TP.HCM) chia sẻ một trong những tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà mình đã gặp phải trong đời làm giáo viên chủ nhiệm: "Có những phụ huynh phản ảnh với tôi rằng con em họ bị giáo viên bộ môn ép đi học thêm. 

Giữa một bên là học sinh, một bên là đồng nghiệp, nếu phản ảnh việc này với hiệu trưởng thì thành ra hại đồng nghiệp, mà không nói thì tội học sinh quá. Tôi chọn cách nhỏ to với đồng nghiệp, khuyên chị không nên ép học sinh như vậy. Ai ngờ bị mắng lại là vu khống, ghen ăn tức ở".

"Nghệ thuật lùi một bước"

Các thầy cô giáo chủ nhiệm tại hội thảo trên kể rằng ở tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý, hàng ngàn biểu hiện, hành vi bất thường của học sinh xảy ra. Nếu thầy cô giáo không biết "lùi một bước" để lắng nghe, để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư học sinh thì sẽ khó có thể thấu hiểu, thông cảm và sẵn lòng hỗ trợ.

Không chỉ có hàng trăm tình huống, vấn đề của học sinh mà ứng xử, tìm sự đồng thuận của phụ huynh cũng là việc khó đối với giáo viên chủ nhiệm. Cô Nguyễn Kim Ngân, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, kể từng có hai phụ huynh suýt đánh nhau trong buổi họp phụ huynh mà cô phải là người hòa giải. May mắn, cuối cùng phụ huynh hiểu ra, thông cảm với nhau vì sự nhẫn nại của cô giáo.

Cô Bùi Mai Trinh, giáo viên Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), nhận định đằng sau một biểu hiện bất thường của một học sinh đôi khi là một câu chuyện mà giáo viên chủ nhiệm phải hiểu thì mới chia sẻ, giúp đỡ được. Với những học sinh đặc biệt thì càng phạt, càng nghiêm, các em càng chống đối, nên tìm hiểu nguyên nhân thì mới tìm được chìa khóa để mở ra cách tiếp cận, giúp đỡ học sinh. 

"Tôi từng bị sốc vì một học sinh có biểu hiện nổi loạn và cảm giác như khó có thể can thiệp, uốn nắn được. Nhưng tìm hiểu mới biết em từng là trẻ bị mẹ bỏ rơi. Mẹ nuôi em bị vô sinh nên mang về nuôi. Sự việc không giữ được bí mật nên em bị sốc nặng, đau khổ và có hành vi phá phách, nổi loạn" - cô Trinh cho biết.

Những câu chuyện thật mà các thầy cô giáo trao đổi trong một hội thảo không bao quát hết các tình huống thực tế xảy ra nhưng cũng đủ để thấy giáo viên chủ nhiệm, nếu tận tâm sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nó không đo đếm được bằng số tiết dạy và không phải cứ dùng kiến thức chuyên môn được đào tạo để áp dụng mà hơn cả phải biết quan sát, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề, có kiến thức về tâm lý lứa tuổi, có sự cảm thông, bao dung, nhẫn nại...

"Hiệu trưởng con"

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, từng ví giáo viên chủ nhiệm là các "hiệu trưởng con" vì họ cần sự hiểu biết, kỹ năng và cả nhiệt tình để xử lý rất nhiều vấn đề trong một lớp học, tương tự như hiệu trưởng phải lo nhiều vấn đề trong một nhà trường.

Dở khóc dở cười

Câu chuyện xảy ra tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM năm học trước đã khiến cô giáo chủ nhiệm lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Chuyện xảy ra vào giờ chơi, các bé giỡn với nhau rồi xảy ra xô xát, bé gái đã cầm cây thước đánh bạn trai mấy cái vào tay và có để lại vết bầm.

Khi biết chuyện, giáo viên mời phụ huynh của hai bên đến trường để trình bày sự việc.

Tuy nhiên, vì lý do khách quan, ngày hôm đó hai phụ huynh đã không gặp được nhau. Rồi không hiểu tại sao phụ huynh lại làm đơn kiện rằng "chính cô giáo đã ra lệnh cho bé gái đánh bạn. Nếu không có lệnh của cô thì làm sao con gái dám đánh con trai?".

Vụ việc kéo dài nhiều ngày và cuối cùng phải nhờ phòng GD-ĐT quận hòa giải nhiều lần mới êm xuôi.

"Riêng bản thân tôi thì mệt mỏi kinh khủng, cả thể xác lẫn tinh thần, vì bị triệu tập họp liên tục, rồi làm tường trình, rồi gặp gỡ phụ huynh..." - cô giáo tâm sự.

Giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 3: Bài học cho người thầy Giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 3: Bài học cho người thầy

TTO - Thầy cô giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ học sinh mà từ thực tiễn giáo dục, từ chính học sinh, họ cũng rút ra cho mình những bài học...

(còn tiếp)

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên