Khán giả đeo tai nghe, cầm điện thoại kết nối 3 G, cuốc bộ khắp ngõ, hẻm, đường ray ở ga Long Biên và thưởng thức Hoài niệm - Những gì để nhớ - Hà Nội - Ảnh: Đức Triết |
Trái lại, tất cả phải đến ga Long Biên (Hà Nội), đeo tai nghe, cầm điện thoại kết nối 3G rồi lang thang khắp xó xỉnh và bắt đầu xem…
Chương trình do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra tối 14-4 và sẽ tiếp tục được biểu diễn tại ga Long Biên, lúc 18g đến hết ngày 16-4.
Hoài niệm - Những gì để nhớ - Hà Nội được biểu đạt bằng những sắp đặt có sẵn tại mỗi điểm khán giả dừng chân và qua các clip nghệ sĩ biểu diễn bằng hình thể được mã hóa trên YouTube. Có sáu điểm dừng chân, từ con hẻm chật hẹp đi vào ga đến đường tàu thẳng tắp thì có đến 5 điểm gợi nhớ về ký ức một thời cho khán giả bằng cách tiếp xúc gián tiếp với nghệ sĩ qua hai thiết bị công nghệ: tai nghe, điện thoại kết nối 3G như thế.
Lúc đó, tai nghe giống như một “trợ thủ” đắc lực cho khán giả khi vừa hướng dẫn khán giả tìm kiếm, vừa gợi mở cảm xúc qua những âm thanh được cài đặt sẵn. Còn điện thoại thì cung cấp clip. Chỉ đến điểm dừng chân cuối cùng - trong phòng chờ tàu thì nghệ sĩ mới xuất hiện trực tiếp, kết câu chuyện bằng ký ức ồn ào, náo nhiệt của phòng chờ khi có đoàn tàu vào ga… Vì thế, tất cả đều lạ lẫm, mới mẻ và khiến khán giả muốn trải nghiệm.
Nghệ sĩ biểu diễn ngay tại phòng chờ tàu của ga Long Biên ở phần kết - Ảnh: Đức Triết |
Hoài niệm- Những gì để nhớ- Hà Nội có sự tham gia của hơn mười nghệ sĩ Việt- Hàn, trong đó phần đông là các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam.
Là một loại hình nghệ thuật đường phố, thế nên không gian biểu diễn cổ truyền bị phá vỡ. Ở đây, nghệ sĩ biểu diễn ngay tại mỗi địa điểm gắn liền với sự chuyển động của cuộc sống đang diễn ra.
Mướt mồ hôi sau khi biểu diễn trực tiếp phần kết của câu chuyện, Thanh Nam- cô sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam kể rằng chỉ diễn vài chục phút nhưng các nghệ sĩ phải mất hai tuần tập luyện, ghi hình.
“Ban đầu em đã ngại ngùng, không an tâm vì lạ lẫm nhưng sau đó lại là một trải nghiệm đầy thú vị”- Thanh Nam nói.
Còn với nhóm sáng tạo NONI, không phải ngẫu nhiên họ chọn ga Long Biên để biểu diễn. Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhóm đã dành hai tuần khảo sát về ký ức của người dân Hà Nội.
“Nhiều người nhắc đến ga Long Biên với rất nhiều câu chuyện ấn tượng một thuở. Chúng tôi xây dựng kịch bản trên cơ sở những câu chuyện đó” - bà Kim Kyung Hee, phụ trách diễn xuất của nhóm sáng tạo NONI chia sẻ.
Một điều thú vị nữa là, nếu tính cả thời gian…chờ (khoảng 25 phút) mà ban tổ chức “cố tình” tạo ra để gieo vào lòng mỗi khán giả sự tò mò, háo hức muốn được bước ngay vào ký ức thì chương trình tròn trịa một giờ đồng hồ. Trong đó, mỗi clip chỉ dài chừng vài ba phút và nghệ sĩ trình diễn cũng chỉ chừng 5 phút. Còn lại là thời gian khán giả cuốc bộ, dõi theo hành trình ký ức.
Ngoài ra, mỗi suất diễn chỉ có 20 khán giả được trải nghiệm. Có người lý giải là do số lượng tai nghe có hạn. Nhưng ban tổ chức chia sẻ rằng ở Hàn Quốc, mỗi suất diễn cũng hạn chế khán giả như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận