21/05/2017 11:24 GMT+7

Trải nghiệm làm học sinh trên đất Pháp

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Được học trường tiểu học tại Pháp, được sinh hoạt, sống cùng người dân bản địa và đến những nơi nổi tiếng ở Pháp… là những hoạt động nằm trong chương trình giao lưu học sinh song ngữ tiếng Pháp.

Các em học sinh Việt Nam và Pháp chụp hình kỷ niệm trong chuyến đi chơi cuối tuần - Ảnh: CTV
Các em học sinh Việt Nam và Pháp chụp hình kỷ niệm trong chuyến đi chơi cuối tuần - Ảnh: CTV

Chương trình do Trường tiểu học Kết Đoàn (Q.1, TP.HCM) tổ chức cho 10 học sinh lớp 4 và lớp 5.

Kết nối với những người bạn mới

“Vừa đến nơi là các em đã được gia đình các bạn ra đón. Mỗi em về gia đình của một người bạn Pháp.

Từ đó, cả hai gắn bó cùng nhau trong sinh hoạt, ăn uống, học hành, vui chơi” - cô Huỳnh Thị Ngọc Lan (giáo viên tiếng Pháp Trường tiểu học Kết Đoàn) nói. Cô Lan là người đồng hành cùng các học sinh trong chuyến trải nghiệm năm 2016 vừa qua.

10 học sinh Việt được vào học ở Trường Les Basses Vallees và Sainte-Anne (quận Angers, tỉnh Maine-et-Loire, Pháp). Hầu hết những học sinh tham gia giao lưu đã được học tiếng Pháp tầm 4 năm.

Dĩ nhiên, vẫn còn viết sai chính tả hoặc chưa hiểu hết lời thầy cô, tuy nhiên các bạn nhanh chóng làm quen, bắt nhịp các môn học trong trường.

Ở lớp học đặc biệt này, các bạn nhỏ được phép hỏi lại người bạn bên cạnh mỗi khi không hiểu, do vậy các bạn rất thích thú và thấy mình không lạc lõng.

Bảo Ngọc huyên thuyên kể về những buổi trưa đi học về được ăn hamburger, những buổi chiều được tắm hồ bơi, rồi cả những ngày cuối tuần được đưa đi chơi xa cùng gia đình bạn.

“Em học được nhiều thứ ở Pháp lắm. Em còn có thêm những người bạn mới rất đáng yêu. Bây giờ em đã tự tin nói tiếng Pháp rồi đấy” - Ngọc cười tươi khoe.

Ngày trở về Việt Nam, Ngọc lại say sưa kể về hành trình của mình khi các bạn trong lớp cứ thi nhau hỏi “nước Pháp như thế nào?”.

Bữa cơm thân mật của gia đình Erell và gia đình em Vĩnh An tại VN đầu tháng 4 vừa qua - Ảnh: NVCC
Bữa cơm thân mật của gia đình Erell và gia đình em Vĩnh An tại VN đầu tháng 4 vừa qua - Ảnh: NVCC

Nhớ mãi chuyến đi

Cậu bé Tăng Hà Duy Anh vẫn còn xúc động mỗi khi nhắc lại tiệc chia tay gia đình Bouron Paco - người bạn mà Duy Anh được xếp ở cùng. “Gia đình bạn tự tay làm tặng em đĩa CD chứa tất cả những hình ảnh em ở Pháp. Em không tin nổi vào mắt mình” - Duy Anh nói.

Cô Ngọc Lan nhận xét các học sinh kết nối rất tốt với những người bạn mới, hòa đồng với môi trường mới rất nhanh.

“Đi về, em nào cũng tiến bộ rất nhiều, tự tin, dạn dĩ hẳn lên. Tiếng Pháp thì lưu loát hẳn” - cô Lan nói. Cô cho biết các học sinh xem gia đình bên đó như những người thân thật sự. “Vì vậy lúc chia tay về nước, các em ôm nhau khóc quá chừng làm tôi cũng rưng rưng” - cô Lan kể.

Chuyến giao lưu không chỉ để các học sinh khám phá văn hóa, ngôn ngữ Pháp mà còn là cơ hội giới thiệu nền văn hóa Việt đến với học sinh Pháp.

Trước một tuần khi các học sinh Việt qua thì Trường tiểu học Les Basses Vallees và Sainte-Anne đã có những buổi sinh hoạt về văn hóa Việt Nam cho các học sinh trong trường.

Đồng thời, những địa điểm du lịch nổi tiếng, cách giao tiếp, ứng xử, hình ảnh người Việt Nam, văn hóa Việt được tái hiện bằng hình ảnh treo trong sân trường.

Cô Lê Thanh Diệu Ái, hiệu trưởng Trường tiểu học Kết Đoàn, chia sẻ: “Hi vọng mối liên kết này được bền chặt để duy trì chương trình giao lưu mỗi năm. Đây là cách nâng cao kỹ năng sống cho các em ngay từ tiểu học, đặc biệt là rèn luyện sự tự lập”.

Sang thăm Việt Nam

Cảm kích trước sự chăm sóc của gia đình Diverres Erell với con mình tại Pháp, chị Nguyễn Thị Xuân Hải - phụ huynh em Vĩnh An, một học sinh trong chuyến đi - thường xuyên viết thư hỏi thăm qua email và mời gia đình Erell sang Việt Nam chơi.

Chị Hải còn gửi quà Giáng sinh, may áo dài tặng hai chị em Erell nhân ngày sinh nhật. Gia đình Erell đã nhận lời mời và sang thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua.

Sau khi trở về Pháp, cả gia đình Erell viết thư cảm ơn và bày tỏ sự cảm động vì được gia đình chị Hải đón tiếp nồng hậu. Một sự kết nối hai gia đình, kết nối hai đứa trẻ ở hai đất nước rất xa như gần lại hơn.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên