Chuyện hi hữu này xảy ra tại xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang) |
Theo chánh án TAND huyện Thoại Sơn (An Giang), với đơn khởi kiện của bà Bùi Thị Hiền thì tòa này đã thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” và sau đó tuyên xử ông Trần Văn Thương, bà Bùi Thị Nhị phải hoàn trả 50 triệu đồng đã mượn của bà Hiền cùng hơn 11 triệu đồng tiền lãi.
Về căn cứ khởi kiện, bà Hiền trưng ra được tờ thỏa thuận có thể hiện đã cho phía bị đơn mượn 50 triệu đồng trong thời hạn một năm.
Tuy nhiên, theo bà Nhị thì tòa đã xét xử không đúng vì bà không mượn tiền mà bà Hiền tự nguyện cho bà để bà chấp thuận cho chồng là ông Thương về sống chung với bà Hiền. Mặt khác, tờ thỏa thuận trên có nhiều chỗ sửa chữa, có viết thêm chữ “mượn” và người ký làm chứng lại không có mặt. Vậy nên bà Nhị đã kháng cáo.
Phải minh định ngay về mặt pháp luật thì bà Nhị, ông Thương không phải là vợ chồng (hai người sống chung từ năm 1992, có ba con nhưng không đăng ký kết hôn và theo bản án xử yêu cầu xin ly hôn sau này của bà Nhị thì tòa án huyện cũng đã tuyên không công nhận ông Thương và bà Nhị là vợ chồng).
Song trên thực tế thì chính ông Thương, bà Nhị và bà Hiền cùng bà con lối xóm đều nhìn nhận ông Thương, bà Nhị là vợ chồng. Vậy nên xét về mặt đạo lý, việc “nhượng chồng” để lấy một số tiền cho dù vì bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được!
Đầu tiên, theo đơn kiện đòi nợ của bà Hiền thì việc TAND huyện Thoại Sơn thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là đúng. Kế tiếp, tuy bà Nhị cho là chữ “mượn” trong tờ thỏa thuận có viết thêm và có vài chỗ trên tờ thỏa thuận được bôi đậm nhưng với việc ghi rõ “thời hạn một năm” liền theo thì vẫn có khả năng có việc cho mượn tiền.
Thế nhưng, để có phán quyết đúng cho vụ việc thì tòa án bắt buộc phải lưu ý đến điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự.
Theo điều luật này, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự. b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội...
Theo đó, giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Khái niệm “đạo đức xã hội” được điều 128 Bộ luật dân sự giải thích: “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, điều 137 Bộ luật dân sự cũng quy định:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Với các phân tích trên thì giao dịch “cho mượn” tiền như trình bày của nguyên đơn và xác định của tòa án cấp sơ thẩm (hay ngay cả khi nguyên đơn “cho tiền” chứ không phải “cho mượn” như trình bày của bị đơn) xuất phát từ chỗ “nhượng chồng” trái đạo đức xã hội nên bị vô hiệu.
Việc TAND huyện Thoại Sơn công nhận hợp đồng có hiệu lực kèm theo nội dung tuyên xử bị đơn phải trả cho nguyên đơn 50 triệu đồng và hơn 11 triệu đồng tiền lãi như bài báo trên phản ánh là sai quy định. Trong trường hợp này, tòa án huyện phải hủy hợp đồng vì vô hiệu và tuyên xử bị đơn chỉ phải trả lại cho nguyên đơn 50 triệu đồng đã nhận.
Tóm lại, dựa trên kháng cáo của bị đơn, TAND tỉnh An Giang cần xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm để tòa án huyện giải quyết lại vụ án cho đúng luật định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận