Phóng to |
Đội trưởng Võ Thị Hồng Loan (giữa) đang hướng dẫn đội viên cai nghiện tiếp thu tài liệu đi tuyên truyền |
Trong trại cai chưa đầy 18m2 này chúng tôi đã thấy, đã nghe những câu chuyện về tình bạn, tình đời...
Đi phát bao cao su...
Võ Thị Hồng Loan, 24 tuổi, giới thiệu với tôi về đội đồng đẳng: những người cùng chung cảnh ngộ, cùng được bình đẳng sống bên nhau (tên gọi do Trung ương Đoàn đặt sau khi có dự án VIE 01009 về “nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công tác phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên VN dựa trên cuộc sống cộng đồng”).
Dự án được giao cho Thị đoàn Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo thông qua một đội đồng đẳng do Loan làm đội trưởng. Công việc chính của Loan và sáu anh chị em đội viên (trong đó có cả chồng Loan là Trịnh Văn Hải) là đi phát bao cao su, tờ rơi, tuyên truyền vận động phòng chống ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS và giúp đỡ người có nguy cơ cao.
Thoạt đầu Loan thấy khó, vì “là gái mại dâm và người nghiện hút nên họ đi suốt ngày đêm. Nhiều khi gặp được thì họ lại lảng tránh”.
Thế là Loan động viên toàn đội bằng mọi cách phải tiếp cận đối tượng: sáng không gặp thì trưa đi, chiều không gặp thì tối, mưa nắng gì cũng đi.
Được cái vợ chồng Loan từng thạo nghề xe ôm nên thuộc hết mọi ngõ làng, đường phố và vẽ đường cho cả đội. Tròn ba tháng “ăn cơm chay” đi hoạt động tình nguyện, vợ chồng Loan không nhớ nổi mình đã phát được bao nhiêu tờ rơi, bao cao su cho 50 gái mại dâm cùng 60 đối tượng nghiện ma túy.
Một hôm, Loan đang trò chuyện với hai người nghiện nặng thì bất ngờ một người hỏi gay gắt: “Bây giờ muốn cai thì cai ở đâu?”. Loan đứng lặng người hồi lâu, vì lúc đó toàn tỉnh chưa có một trại cai nghiện nào.
Trong đêm họp đội cuối tuần như thường lệ, Loan đưa ra câu hỏi hóc búa này cho đội thảo luận. Cả đội chụm đầu bàn mãi đến khuya thì có một kết luận: phải tổ chức một trại cai nghiện cộng đồng! Nhưng ai làm, làm ở đâu?
Phóng to |
Sau một năm được cai, Trần Mậu Thịnh đã từ bỏ hẳn ma túy, trở thành người lao động có ích |
Hiểu rõ trăn trở của đứa con dâu thứ mười trong nhà, bà Đậu Thị Bé bàn với chồng là ông Trịnh Văn Thêm nhường cho hai đứa con Hải - Loan nửa gian nhà bếp làm “trại” cai nghiện.
Ông Thêm đã nghe chuyện rì rầm suốt mấy hôm nhưng chỉ hỏi một câu: “Nhà không tiếc. Thời đánh Mỹ tôi đã chứng kiến cảnh cả làng dỡ nhà xuống làm cầu cho xe vô chiến trường, huống chi chuyện nhường bếp làm nơi cai nghiện. Nhưng vợ chồng chúng nó còn nghèo rớt mồng tơi làm sao lập được trại mà vẽ vời lắm chuyện?”. Mỗi người trong đội nói vô một tiếng, thế là ông Thêm gật đầu nhường nửa gian nhà bếp.
Vài tháng sau người nghiện có nhu cầu cai đến đông, ông lại giục bà chuyển bếp đi hẳn chỗ khác rồi nhường toàn bộ 18m2 phía sau nhà đủ chỗ cho 11 người đến... cai. Bà Bé bớt trong nhà một cái giường, một cái chõng, hai cái chăn, một đôi chiếu.
Số giường, chăn, chiếu còn lại do gia đình người nghiện lo và Công an thị xã Hà Tĩnh tặng. Loan được đội đồng đẳng cử kiêm luôn chức “giám thị trại” vừa chăm sóc thuốc thang, lo chuyện cơm nước cho người cai vừa làm nghề cắt tóc, gội đầu, rửa xe. Khi vắng khách Loan còn làm cả nghề xe lai giúp chồng.
Hỏi những chuyện này Loan chỉ cười vui: “Bọn em giúp bạn là chính”. Giống như người mẹ chồng của Loan thường nói: “Mình không sống được mấy, làm cái phúc, cái đức về sau cho cháu chắt nó hưởng”.
Người đầu tiên đến nhập trại là Nguyễn Mậu Thịnh - bạn của vợ chồng Loan thuở nhỏ. Thịnh (sinh 1980, ở xã Thạch Phú, thị xã Hà Tĩnh) nghiện từ năm 2001 lúc đang học lớp 9, “gần nhà có bạn nghiện rủ rê, thử chơi rồi mắc lúc nào không gỡ nổi”.
Đến đầu năm 2003 Thịnh nghiện nặng. Được Hải - Loan vận động đến cai, Thịnh tự nguyện nhập trại rồi phải chịu những lần vật vã phải xích tay, xích chân do cơn nghiện quấy phá.
Thế mà sau hai tháng Thịnh đã cắt được cơn, trở thành đội viên đội đồng đẳng. Ngoài sửa chữa xe máy, xe đạp Thịnh còn chịu trách nhiệm theo dõi, phát hiện các đối tượng mại dâm, ma túy ở hai địa bàn xã Thạch Phú và phường Trần Phú.
Thịnh đã vận động được anh Bình, Lĩnh và Nam nhập trại. Vũ Nam (sinh 1982, ở phường Trần Phú, thị xã Hà Tĩnh) là một thanh niên khá đẹp trai. Năm 2001 Nam đang học Cao đẳng Thương mại Hà Tây ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) thì sa nghiện. Nam nói: “May mà gặp được Thịnh đưa vào trại từ cuối năm 2003”.
Trong 11 đối tượng vào đây đã có tám người cắt được cơn nghiện, năm người xin về nhà. Nhưng căng thẳng và thành công mỹ mãn nhất phải kể đến trường hợp Lê Hữu Trung (sinh 1974, ở phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh) vì Trung nghiện hơn 10 năm, đã đi hết những trại 05, 06 Hà Nội, trại 201 ở Nghệ An, uống nhiều loại thuốc, áp dụng cả thủy châm và điện châm nhưng cắt cơn được 10 ngày là tái nghiện.
Loan kể: “Mỗi lần trại có bạn đến xin cai là có những đêm cả nhà mất ngủ vì phải canh giờ họ lên cơn để cho uống thuốc. Uống thuốc rồi cả đội phải xúm lại người lo xích tay, xích chân, người lo xoa bóp, người động viên, người đưa đi vệ sinh... Riêng với Trung thì phải mất nhiều đêm mới yên được”.
Khi tôi đến thăm trại thì thấy Thịnh, Nam, Trung B đang ngồi xem tivi nhờ Loan mượn được của hàng xóm. Một chiếc điếu cày vàng óng để bên. Năm cái giường mới được xếp đặt ngăn nắp, sạch sẽ. Nhìn ai cũng nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Riêng Trung đang đi vận động dưới cơ sở.
Loan khoe: “Các chú công an đến tặng giường, chăn, chiếu, khen đội đã đành nhưng khen anh Trung nhất. Hiện anh Trung đã được toàn đội và chị Mai Thủy - phó bí thư Thị đoàn Hà Tĩnh - nhất trí bầu làm đội phó đội đồng đẳng”.
Còn Thịnh, Nam, Trung B, Tuấn A, Tuấn B, Thịnh B đều góp lời tâm đắc: “Không giấu gì anh, chúng tôi đã đi cai nhiều trại từ Nghệ An ra Hà Nội nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện bởi hai lý do chính: không có việc làm sau cai và thiếu những tình cảm ấm áp”.
Vũ Nam xúc động nói: “Bây giờ nếu về nhà thì ý thức cai nghiện vẫn còn thường trực vì một lẽ giản đơn là mình không nỡ phản bội lời hứa, công chăm sóc và tình thương của anh Hải, chị Loan và toàn đội”.
Còn đội trưởng Võ Thị Hồng Loan thì: “Các bạn sau cai có thể tham gia cắt tóc, sửa chữa xe đạp, xe máy trong dịch vụ của vợ chồng em”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận