17/05/2011 08:53 GMT+7

Trả lại tuổi thơ cho các em

ĐINH QUANG HIẾU
ĐINH QUANG HIẾU

TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết “Vào lớp 1 như... thi hoa hậu” (Tuổi Trẻ 16-5), rất nhiều bạn đọc đã gửi thư bày tỏ sự bức xúc khi con trẻ bị đưa vào vòng xoáy thi cử quá sớm.

btCWV5zV.jpgPhóng to

Giờ học của cô trò , Hà Nội. Năm nay trường này chỉ tuyển 400 học sinh nhưng đã có 900 trẻ đăng ký dự tuyển - Ảnh: V.Hà

* Thật tội nghiệp cho các bé, mới vào lớp 1 mà trải qua thử thách khó khăn như vậy. Trường học đáng lẽ phải là cái nôi, nâng đỡ các em bước vào đời ở những buổi học ban sơ. Vậy mà người lớn chúng ta vì mục đích nào đó ép con nhỏ lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, để rồi một số em bị sốc về tinh thần, cảm thấy nặng nề đối với việc học. Giáo dục kiểu này có phản giáo dục hay không?

* Giáo dục tiểu học là giáo dục cho các bé về đạo đức, cách ứng xử, phát triển tâm hồn và khả năng sáng tạo của con trẻ. Tôi thấy chúng ta đang cướp đi tuổi thơ đầy hồn nhiên và vui tươi của những mầm non đất nước. Hãy cho trẻ một tuổi thơ đầy những kỷ niệm vui và thật nhiều điều ý nghĩa, đừng để sau này khi viết về tuổi thơ chúng chỉ có thể viết duy nhất chữ "học".

* Nhiều phụ huynh mong muốn con mình vào trường điểm, lớp chọn... chỉ để nở mặt với bạn bè và nói như một số người là để khẳng định đẳng cấp của họ: họ có chức có quyền hay có tiền thì con cháu họ cũng phải học ở trường xứng đáng.

Không biết tự bao giờ mà một số trường được chấm là trường điểm và số lượng HS đăng ký vào đông hơn số lượng dự tuyển nên nhiều trường có sáng kiến thi tuyển.

Trẻ phải luyện thi trước khi vào lớp 1. Nếu trẻ đã biết trước chữ, phép tính thì vào lớp thầy cô dạy điều gì? Thi tuyển ngay từ lớp 1 ở một số trường là không thể hiểu nổi. Trẻ nhỏ làm sao biết cộng số chân các con gà lại để nối vào ô số cho phù hợp?

Cách tuyển của một số trường lại loại trẻ bị dị tật, nói ngọng, nói lắp là một sự phân biệt quá đáng. Nếu loại các em khuyết tật ra vô hình trung đào một hố ngăn cách với các em - những người vốn thiệt thòi lại thêm bị phân biệt.

Đó là chuyện không nên làm vì mất đi tính nhân văn. Trẻ đến độ tuổi phải vào học lớp 1 theo đúng địa bàn cư trú là một điều tưởng chừng hiển nhiên, thế mà không phải như vậy.

* Đầu óc tuổi thơ như tờ giấy trắng. Người lớn chúng ta phải tạo điều kiện cho các em phát triển một cách bình thường, hồn nhiên, trong sáng. Với những em tham gia cuộc thi, sau cuộc thi nếu thành công các em dễ sinh tính tự cao; các em không đạt dễ sinh lòng mặc cảm, những vết hoen đầu tiên sẽ hằn trong trí óc trẻ thơ.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng "việc lựa chọn sàng lọc học sinh đủ tiêu chuẩn mới nhận vào trường có thể phần nào đánh giá được giá trị thương hiệu của trường đó".

Theo tôi, trường nào muốn nâng cao giá trị thương hiệu thì hãy chứng tỏ bằng chất lượng giáo dục cuối mỗi năm trên những học sinh được tuyển bình thưòng theo khu vực như quy định của ngành lâu nay. Vì "quan niệm giáo dục hiện đại đánh giá mọi học sinh đều thông minh" mới là quan niệm thật sự khoa học.

* Xin những phụ huynh, những thầy cô giáo và những ai yêu trẻ em đừng để các em vô tình có một cách nhìn phải hơn người, phải thành nhân tài mới được. Hãy để các em phát triển một cách bình thường. Có thể bé không giỏi trong lĩnh vực này sẽ giỏi trong lĩnh vực khác. Đừng bắt buộc các em làm những điều chúng không mong muốn. Không phải em nào học thật giỏi mới ra đời thành công hơn người. Thực tế đã chứng minh rất nhiều. Xin hãy trả lại tuổi thơ cho các em.

* Tại sao ngành giáo dục không có những ngăn chặn, quyết định gì khi tình trạng này liên tục xảy ra? Tại sao cứ phải phân chia ra, trường tiểu học cũng có trường chuyên, trường điểm.

Con em chúng ta có quyền bình đẳng về giáo dục, phân ra như vậy chẳng khác nào tước đi quyền học tập tốt của những em rớt, còn đối với những học sinh lọt vào mức chọi 1/5 đó, hỏi thử muốn biến học sinh thành những cái máy chỉ biết tối ngày lao đầu vào việc học hay chăng?

Giáo dục là quá trình rèn luyện về đạo đức trước hết, kỹ năng sống và sau cùng không kém phần quan trọng là kiến thức.

Và kết quả của giáo dục là đưa con người hướng tới bậc thang người, chứ không phải cái máy tính cấp cao...

Rất nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này nhưng vẫn chưa thấy được hướng giải quyết vấn đề. Trong khi các trường chỉ có vài trăm chỉ tiêu nhưng số hồ sơ dự tuyển lên đến cả ngàn.

Phụ huynh nào cũng muốn cho con mình vào học những trường được cho là tốt. Không biết lấy tiêu chí nào để nhận và không nhận hồ sơ của các cháu, ai tự nguyện xin rút hồ sơ của con mình khi đã quá nhiều hồ sơ thế?

Vì thế vấn đề không còn nằm ở các trường nữa mà là trách nhiệm của ngành giáo dục, của chính quyền làm sao đầu tư, nâng cao chất lượng một cách đồng đều. Khi đó chắc hẳn phụ huynh cũng chẳng dại dột gì mà ép uổng con mình đến thế.

Còn bạn? Bạn ý kiến ra sao về câu chuyện này? Hãy tiếp tục gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn.

ĐINH QUANG HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên