Phóng to |
Người dân xã Bình Hải giờ mới “ngộ ra” chuyện phá biển tai hại của mình khi khai thác san hô - Ảnh: VÕ MINH |
Hàng trăm hộ dân ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phải đối diện với sự sợ hãi: nạn triều cường xâm lấn. Chỉ trong ba ngày đêm, triều cường đã bổ vào làng cuốn phăng nhiều thứ, làm đảo lộn cuộc sống của dân.
Biển nuốt
Ngày 11-12, cả thôn An Cường náo loạn trước tin dữ: nhà bà Nguyễn Thị Thân (xóm Hải Phú) bị sóng đánh sập. Tay bồng cháu nội, bà Thân khóc ngất vì nỗi đau mất nhà. Sống ở biển hơn nửa cuộc đời, nay bà mới tận mắt chứng kiến những cơn thịnh nộ của biển xảy ra ở quê hương mình. “Nhà tôi không còn nữa rồi. Biển nuốt mất nhà rồi. Mọi thứ tích cóp giờ đã mất trắng” - bà Thân nói tiếng được tiếng mất.
Đợt triều cường lần này ập vào thôn An Cường được các cư dân ở đây cho là một hiện tượng lạ. Trưởng thôn An Cường Hoàng Văn Tiến nói: “Cả đời sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy đợt triều cường nào ghê gớm và có sức công phá đến vậy. Hồi trước triều cường xuất hiện cùng lắm chỉ đến mép bờ biển. Nhưng đợt này dù không có cơn bão nào - chỉ mới là áp thấp - bỗng dưng triều cường xuất hiện với những trận sóng kinh hoàng. Bà con rất lo sợ”.
Gần 1.000m chiều dài chạy dọc ven biển ở thôn An Cường chi chít hố sâu hoắm do sóng biển... đào. Có đoạn sóng biển ngoạm sâu vào nhà dân. Ở xã Bình Hải còn có hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện đang bị triều cường xâm lấn nghiêm trọng. Ông Đoàn Hà Yên, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết toàn xã Bình Hải có 170 hộ dân đang bị triều cường uy hiếp. UBND huyện Bình Sơn đã chỉ đạo UBND xã Bình Hải sẵn sàng di dời dân ra khỏi nơi an toàn, đặc biệt chú trọng tái định cư cho dân bị ảnh hưởng trực tiếp.
Do phá biển
Lão ngư Nguyễn Duy Nhất, thôn An Cường, bức xúc: “Tất cả chỉ tại đào lấy đá vôi biển và khai thác cát ồ ạt. Mạnh ai nấy đào lấy đá san hô, xúc cát trồng hành, đổ nền vườn thì biển nào chịu nổi”. Ông Nguyễn Văn Hai, phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, thừa nhận nguyên nhân triều cường ngày càng xâm lấn sâu vào đất liền chính là do việc khai thác cát và đào lấy đá san hô làm biến đổi dòng chảy, mất ghềnh đá san hô chắn sóng.
Ba năm trở lại đây, dọc bờ biển xã Bình Hải mà tâm điểm ở thôn An Cường, Thanh Thủy, Phước Thiện rộ lên nạn đào phá đá san hô biển đem bán. Đá san hô có khi lên tới cả triệu đồng/mét khối. Bờ chắn sóng là những rạn đá san hô bị biến mất trong thời gian ngắn, nên khi thiên tai xảy ra đã không có bất cứ vật cản nào giúp bảo vệ làng. Ông Nguyễn Văn Hai cho rằng việc khai thác đá san hô và cát đã được chính quyền tìm mọi cách ngăn chặn nhưng chặn ban ngày thì dân địa phương lén lút làm ban đêm. Mới đây, lãnh đạo xã đề nghị huyện vào cuộc ngăn cản vì đã vượt quá khả năng kiểm soát của địa phương. UBND huyện Bình Sơn đã lập một đoàn công tác chuyên ngăn chặn khai thác, vận chuyển đá san hô trái phép nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được.
Bốn ngày nay, cứ vào ban đêm hàng chục hộ dân sống gần biển của thôn An Cường không dám ngủ trong nhà, phải di tản vào sâu trong làng tránh sóng. Gia đình nào cũng lo lắng, muốn chuyển đi nơi khác và mong sớm có kè chắn sóng giữ làng. Ông Đoàn Hà Yên cho biết huyện đã xây dựng khu tái định cư tại xã Bình Hải và di dời một số hộ dân ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải bị lũ quét năm 2010. “Sắp tới huyện sẽ phải di dời toàn bộ số hộ có nhà sập, nhà bị xói lở không ở được tại thôn An Cường vào khu tái định cư này để ổn định cuộc sống” - ông Yên cho biết.
Bình Định: dự trữ gạo, di tản tàu thuyền Để chống chọi với tình hình áp thấp nhiệt đới gây hại tại một số xã ở TP Quy Nhơn (Bình Định), ngày 12-12 ông Ngô Văn Quý - chủ tịch UBND xã Nhơn Châu - cho biết UBND xã đã mua dự trữ 10 tấn gạo, nếu biển động kéo dài xã đảo bị cô lập dài ngày, người dân trên đảo hết lương thực, thực phẩm thì chính quyền địa phương sẽ dùng số gạo dự trữ nói trên để cấp phát cho dân. UBND xã Nhơn Hải cũng cho biết đã hỗ trợ ximăng cùng hàng trăm bao cát, đồng thời huy động lực lượng của xã và vận động nhân dân địa phương kết hợp dùng bao nhồi cát, ximăng để gia cố, ngăn ngừa sự đứt gãy hệ thống kè chắn sóng. UBND phường Ghềnh Ráng cũng đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả 158 tàu thuyền của ngư dân địa phương di chuyển ra sông Hà Thanh, đầm Thị Nại để trú ẩn, núp tránh gió và tránh sóng.Trần Phi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận