Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hệ thống này cho phép bất cứ khi nào một bệnh viện tuyến dưới gặp ca bệnh khó, phức tạp, vượt quá khả năng chuyên môn, lập tức có thể yêu cầu tư vấn, hỗ trợ từ xa bởi các bệnh viện thành phố thông qua hệ thống video conferencing (VCS) để có hướng xử trí phù hợp, chính xác. Đây cũng là công cụ giúp nâng cao chuyên môn tuyến dưới, giúp việc trao đổi ý kiến chuyên môn giữa các bệnh viện với nhau dễ dàng hơn và cũng góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Hiện tỉ lệ bệnh nhân các tỉnh luôn chiếm 30-50% tổng số bệnh nhân tại các bệnh viện chuyên khoa lớn của TP.
Ở giai đoạn thí điểm, hệ thống có ba trung tâm hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho các tuyến cơ sở gồm Bệnh viện Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Chấn thương chỉnh hình và năm trạm yêu cầu hỗ trợ là Bệnh viện Đa khoa Củ Chi (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Trước khi được công bố vận hành chính thức, qua hệ thống mạng y tế hỗ trợ chẩn đoán, chữa bệnh từ xa TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giúp Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cứu sống một ca mắc bệnh tay chân miệng độ 4.
Trong tương lai, hệ thống tiến đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ bổ sung Bệnh viện Nhân Dân 115 vào nhóm hỗ trợ và một số bệnh viện tỉnh có nhu cầu cấp thiết vào nhóm yêu cầu hỗ trợ. Cuối cùng là giai đoạn mở rộng hoặc cơ cấu lại các tuyến tùy theo nhu cầu thực tế.
Dự kiến có thêm ba trung tâm hỗ trợ là Bệnh viện Bình Dân, Cấp cứu Trưng Vương, Viện Tim cũng như mời cả Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận