14/08/2022 10:35 GMT+7

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Dù tham dự V-League nhưng cả CLB TP.HCM và Sài Gòn lại không có được cơ sở vật chất cho riêng mình để vận hành theo cơ chế bóng đá chuyên nghiệp.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 1.

Sân Thống Nhất (TP.HCM) chỉ có 16.000 chỗ ngồi, nhưng cảnh khán giả đến chật sân là chuyện của quá khứ - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cơ chế chính là rào cản để hai CLB này được giao sân bãi hoặc địa điểm để tự mình xây sân tập và sân thi đấu. Đây cũng là vấn đề được hai CLB nêu ra trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên hôm 11-8.

"Kiếp" thuê sân của CLB chuyên nghiệp

Nói vậy bởi các địa phương khác đều giao quyền quản lý và sử dụng sân vận động (tài sản nhà nước) cho CLB. Thậm chí, các CLB còn được hỗ trợ ngân sách để hoạt động. Trên thực tế, hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cũng không đến mức phải cần hỗ trợ ngân sách để hoạt động.

Điều quan trọng nhất với cả hai chính là được trao cơ chế, giao sân bãi hoặc đất để chủ động việc tập luyện và thi đấu, khai thác, kêu gọi đầu tư để tạo nguồn thu.

Hiện tại, cả hai đều phải thuê sân Thống Nhất để tập một buổi làm quen sân và hôm diễn ra trận đấu với giá 50 triệu đồng nếu tự lo công tác an ninh (với CLB TP.HCM) và 130 triệu đồng nếu bao trọn gói (với CLB Sài Gòn).

Thực tế, đây là giá khá mềm được hỗ trợ từ Trung tâm TDTT Thống Nhất. Nhưng nếu được giao sân Thống Nhất, CLB sẽ chủ động được rất nhiều trong việc tập luyện lẫn khai thác nguồn thu.

Do chưa có sân riêng, CLB TP.HCM thời gian qua phải thuê sân Phú Thọ (được Trung tâm TDTT Thống Nhất hỗ trợ với giá 4 triệu đồng/buổi) để tập luyện hằng ngày.

Nhưng khi mưa lớn, sân Phú Thọ ngập nước nên các cầu thủ CLB TP.HCM phải vào phòng gym để tập tạm. Theo chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng, điều này ảnh hưởng không ít đến sự chuẩn bị cho trận đấu.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 2.

Sân Thống Nhất chỉ có 16.000 chỗ ngồi nhưng muốn tập luyện đội bóng phải thuê - Ảnh: N.K.

Kinh nghiệm từ địa phương bạn

Việc phải đi thuê sân để tập luyện hay thi đấu là chuyện khó có thể chấp nhận với CLB chuyên nghiệp bởi không thể chủ động việc tập luyện cho đội 1, đào tạo các tuyến trẻ và khai thác nguồn thu.

Thực tế, dù gặp khó trong cơ chế nhưng CLB B.Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn cùng với địa phương tìm được hướng ra. Với CLB B.Bình Dương, sân Gò Đậu được giao cho Công ty Becamex (doanh nghiệp nhà nước và là nhà tài trợ của CLB) sử dụng nên cũng thuận lợi thay vì sẽ vướng về luật nếu giao cho doanh nghiệp tư nhân tài sản của nhà nước (sân vận động).

Chia sẻ về câu chuyện này, một lãnh đạo Sở VH-TT Bình Dương nói: "Việc giao sân vận động giúp CLB giải quyết rất tốt sự chủ động và vận hành đội bóng chứ không hẳn là khai thác nguồn thu.

Nói vậy bởi nếu thuê sân, đúng giờ CLB mới được vào, và khi kết thúc trận đấu phải rời sân ngay sau thời gian đã quy định. Trong khi đó, nếu là sân do mình quản lý, CLB sẽ chủ động giờ tập luyện kể cả đội trẻ. Nguồn thu cũng có thể có với cửa hàng bán đồ lưu niệm, kinh doanh nhà hàng... điều mà việc đi thuê sân không thể có".

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 3.

Mô hình đại bản doanh CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

HAGL là câu chuyện ngược lại khi Nhà nước chủ động giao sân Pleiku cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác. Giám đốc điều hành CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh cho biết ngay từ khi thành lập CLB vào năm 2001, HAGL đã làm đề án và xin được khai thác sân Pleiku.

Do sân khi đó rất cũ, không thể tổ chức giải chuyên nghiệp được nên chủ tịch CLB Đoàn Nguyên Đức cam kết nếu được giao sân sẽ đầu tư xây dựng sân vận động hiện đại. Sau nhiều lần sửa chữa, năm 2008 sân Pleiku được xây mới thành "tiểu Emirates" giống sân nhà của CLB Arsenal và đưa vào hoạt động năm 2010.

Dù kinh phí bỏ ra rất nhiều nhưng CLB HAGL cũng chỉ dùng sân Pleiku để thi đấu. Còn tập luyện, đội tập ở Trung tâm thể thao Hàm Rồng. "Bóng đá chuyên nghiệp sẽ rất khó nếu không có sân tập và sân thi đấu của riêng mình. Vì vậy, các CLB cần có định hướng đầu tư lâu dài để xây dựng sân bãi", ông Nguyễn Tấn Anh nói thêm.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 4.

Mô hình thiết kế phòng ăn dành cho các thành viên của CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

Tự cứu lấy mình

Ba năm qua, CLB TP.HCM đầu tư rất nhiều tiền cho hoạt động chuyển nhượng để đem về các hợp đồng bom tấn cả trên băng ghế chủ tịch, HLV lẫn cầu thủ. Nhưng về cơ ngơi đội bóng, tất cả là con số 0: không đại bản doanh, không sân tập.

Không thể cứ mãi đi thuê sân tập và ăn ở tạm bợ, CLB TP.HCM đã liên hệ và hỗ trợ kinh phí sửa sang tạm thời sân vận động quận 7 nhằm có thể sử dụng làm đại bản doanh trong thời gian tới.

Nơi đây có 1 sân tập lớn, 2 sân tập nhỏ, sân quần vợt, phòng xông hơi, nơi ăn ở hiện đại... với kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ khánh thành vào đầu tháng 9 để CLB TP.HCM chuyển sang sinh hoạt và tập luyện tại đây.

Đáng nói, dù tiền đã bỏ ra nhưng liên kết khai thác thế nào với Trung tâm TDTT quận 7 thì chưa có vì vẫn còn vướng chủ trương và cơ chế. Đó cũng là một trong những kiến nghị của CLB TP.HCM với Bí thư Thành ủy trong cuộc gặp vừa qua nhằm giúp đội yên tâm tập luyện và thi đấu.

Trong khi đó, CLB Sài Gòn đã vay ngân hàng để mua lại Trung tâm thể thao Thành Long làm nơi sinh hoạt và tập luyện từ năm 2021. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tìm nguồn thu để trả nợ ngân hàng và nuôi đội bóng cũng không đơn giản.

Từ đây, CLB Sài Gòn muốn điều chỉnh một phần quy hoạch để xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ chuyên gia, khách sạn để có nguồn thu. Ngoài ra, CLB Sài Gòn còn muốn liên kết với sân Thống Nhất để cải tạo cơ sở vật chất tại đây, tham gia vào việc quản lý, khai thác sân vận động.

Kiến nghị này của CLB Sài Gòn cũng chưa thể sớm thành hiện thực vì vướng cơ chế, không thể giải quyết ngay. Do đó, trước mắt CLB Sài Gòn cũng chỉ có thể cầm cự và tự cứu lấy mình.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 5.

Mô hình thiết kế sân tập CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

Muốn xây sân 60.000 chỗ nhưng phải có... đất

Trong số các kiến nghị với Bí thư Thành ủy, CLB TP.HCM đã xin giao 5ha đất trong khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở TP Thủ Đức thuộc một công ty đang quản lý và hiện đã để trống nhiều năm, nhằm có thể xây sân vận động mới 60.000 chỗ.

Điều này không chỉ giúp TP.HCM có một sân vận động xứng tầm mà còn thay thế cho sân Thống Nhất có sức chứa nhỏ (sau cải tạo chỉ còn 16.000 chỗ ngồi) và không đáp ứng được các yêu cầu tổ chức các trận đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được hay không lại là câu chuyện dài.

Không có sân vận động mới hiện đại, TP.HCM những năm qua rất ít được tổ chức các sự kiện thể thao lớn hoặc các trận đấu quốc tế. Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn còn nằm trên giấy và diện tích ngày càng bị teo tóp. Vì vậy, việc xây sân vận động mới không chỉ là chuyện của các CLB mà còn là của thể thao TP.HCM.

Nhà nước tiếp sức cho hành trình dài

Sau 23 năm bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, phần lớn các đội bóng tại V-League vẫn sống nhờ vào ngân sách nhà nước của các địa phương. Có đội bóng mỗi năm được nhận 40 - 50 tỉ đồng từ ngân sách nhưng nếu rời "bầu sữa" Nhà nước, quá nửa đội bóng V-League sẽ... khó khăn.

Hải Phòng chi 50 tỉ đồng/năm cho đội bóng

Từ năm 2021 trở về trước, CLB Hải Phòng mỗi năm nhận được khoảng 40 tỉ đồng tiền đầu tư từ ngân sách TP. Ngoài ra, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Hải Phòng vẫn do Sở VH-TT Hải Phòng tuyển chọn, đào tạo và chi tiền làm toàn bộ. Khi cầu thủ 17 - 18 tuổi, Sở VH-TT Hải Phòng mới chuyển giao cho CLB Hải Phòng quản lý, sử dụng.

Từ tháng 7-2020, TP Hải Phòng đã giải tán trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và bàn giao cho CLB Hải Phòng. Dù vậy, được biết TP cấp mỗi năm khoảng 3 tỉ đồng để CLB Hải Phòng nuôi hệ thống đào tạo trẻ. Sân vận động Lạch Tray cũng được UBND TP Hải Phòng chuyển giao cho CLB Hải Phòng quản lý và sử dụng.

Dù được UBND TP Hải Phòng hỗ trợ phần lớn nguồn tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ nhưng thành tích của CLB Hải Phòng thường ở tốp đua trụ hạng. Năm 2021, ông Trần Mạnh Hùng (chủ tịch cũ) nghỉ, ông Văn Trần Hoàn, vốn là CĐV của CLB Hải Phòng, lên thay.

Sau khi ông Hoàn lên làm chủ tịch CLB Hải Phòng, TP Hải Phòng tăng ngân sách hỗ trợ đội bóng lên 50 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, TP đã chi vài chục tỉ đồng để sửa sân Lạch Tray. Hiện sau 11 vòng đấu, CLB Hải Phòng đang có 17 điểm, đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng V-League 2022.

Hai Phong ngay 13-8 1(Read-Only)

CLB Hải Phòng là đội bóng được ngân sách hỗ trợ lớn nhất V-League nhưng nhiều năm thành tích bết bát do quản lý điều hành kém - Ảnh: MINH ĐỨC

Hỗ trợ từ Nhà nước, nên là vốn mồi

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều CLB ở V-League như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... vẫn được ngân sách địa phương hỗ trợ 20 - 30 tỉ đồng/mùa giải.

Sân vận động của các tỉnh - công trình Nhà nước xây dựng - cũng được các địa phương bàn giao cho các đội bóng sử dụng, quản lý. Hầu hết công tác đào tạo bóng đá trẻ của các địa phương này cũng do ngành VH-TT tỉnh làm.

Bên cạnh đó, các đội bóng nhận được sự tài trợ của một số doanh nghiệp nhưng khó khăn về tài chính vẫn chồng chất. Nếu như ngân sách nhà nước của các địa phương dừng chi chắc chắn quá nửa đội bóng tại V-League sẽ giải tán.

Từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao quyền quản lý, sử dụng sân Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội. Dù là đội bóng "nhà giàu" nhưng hàng chục năm qua, công tác đào tạo trẻ của CLB Hà Nội vẫn dựa chủ yếu vào Nhà nước.

Bộ môn bóng đá của Sở VH-TT Hà Nội đóng tại nhà thi đấu Gia Lâm là nơi đã đào tạo nên hàng loạt tên tuổi cho CLB Hà Nội như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng... Phải đến khi các cầu thủ tốt nghiệp THPT mới được Sở VH-TT Hà Nội chuyển giao cho CLB Hà Nội.

KHƯƠNG XUÂN

Cần nuôi dưỡng tài năng bóng đá

doan minh xuong ngay 13-8 1(Read-Only)

Bóng đá đã trở thành bộ phận không thể thiếu của xã hội và là nhân tố quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh cho địa phương, cho quốc gia. Vì vậy, nhất thiết phải xây dựng cho được một hệ thống đào tạo khoa học ở các lứa tuổi từ thấp lên cao.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Trong buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên sáng 11-8, chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng phản ảnh về việc CLB đang thiếu cầu thủ địa phương để có bản sắc và lôi kéo khán giả đến sân. Vì sao dẫn đến tình trạng này?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Đoàn Minh Xương - nguyên giảng viên Trường đại học TDTT TP.HCM, cựu HLV trưởng Đồng Tháp vô địch quốc gia năm 1996, hiện là chuyên viên bóng đá cộng đồng của LĐBĐ TP.HCM (HFF) - cho rằng thiếu là do cách làm của những người có trách nhiệm với bóng đá TP và cả CLB.

Theo ông Xương: "Phong trào tập luyện bóng đá của thanh thiếu niên, học sinh ở TP.HCM tuy phát triển rộng khắp nhưng còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức và có hệ thống.

Các hoạt động tập luyện và thi đấu bóng đá phong trào còn nặng thành tích, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống của xã hội hiện đại là sử dụng bóng đá như một công cụ để giáo dục và phát triển con người.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là chúng ta chưa thật sự xem bóng đá là môn thể thao trọng điểm. Trong cuộc sống hiện nay, bóng đá không chỉ là môn thể thao có giá trị phát triển sức khỏe, nâng cao thể chất, mà là môn thể thao có tính hấp dẫn cao được tổ chức và điều hành với tính chuyên nghiệp với trình độ rất cao.

Theo đó, chân đế sẽ bắt đầu từ lứa tuổi 6 - 10. Các em sẽ được đào tạo tại trường học, CLB bóng đá cộng đồng quận huyện hoặc tư nhân. Ở giai đoạn này kinh phí sẽ do nguồn xã hội hóa (phụ huynh đóng học phí) và chuyên môn do CLB hỗ trợ. Các em ở giai đoạn này chủ yếu làm quen, chơi với bóng là chủ yếu.

DH_Mo hinh tuyen chon bong da_20220814_TTo

Mô hình tuyển chọn và đào tạo VĐV bóng đá trẻ TP.HCM 2023- 2030 - Đồ họa: N.KH.

Sau quá trình sàng lọc, những em lứa tuổi 11 - 15 được tuyển chọn sẽ "thăng hạng" lên các lớp năng khiếu trọng điểm (vệ tinh của CLB). Ở khâu này, CLB sẽ phối hợp với các trung tâm TDTT quận huyện tuyển chọn và đào tạo, ngành TDTT sẽ hỗ trợ kinh phí để tổ chức thi đấu.

Lúc này CLB sẽ hỗ trợ chuyên môn và đào tạo HLV. Đáng chú ý, trong giai đoạn này các em vẫn học tập văn hóa bình thường. Điều này sẽ giải tỏa được nỗi lo của phụ huynh bởi nếu không theo được bóng đá con em họ vẫn có thể chọn con đường làm kỹ sư, bác sĩ...

Cuộc sàng lọc tiếp theo sẽ tuyển các em ở lứa tuổi 16 - 18 thực sự có đủ khả năng đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Ở giai đoạn này, các em và phụ huynh không còn lăn tăn về hướng đi nghề nghiệp của mình.

Các CLB sẽ tuyển chọn và trực tiếp đào tạo để có những cầu thủ đúng với yêu cầu của mình, trong đó có cả bản sắc của đội bóng. Sau giai đoạn này, các em sẽ được đôn lên các đội chuyên nghiệp và chính thức bước vào nghiệp bóng đá.

Thông qua mô hình đào tạo này sẽ từng bước xây dựng các yếu tố nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp như cơ sở vật chất - nguồn nhân lực - huy động nguồn lực của Nhà nước, của CLB và xã hội để phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

Qua hệ thống đào tạo này sẽ hình thành triết lý, lối chơi và từng bước xây dựng bản sắc của CLB và bóng đá TP.HCM.

Về mặt xã hội, mô hình này sẽ góp phần tạo ra sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên và học sinh của TP, thông qua quá trình tập luyện và thi đấu bóng đá không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, nuôi dưỡng tình yêu bóng đá mà còn giáo dục nhân cách phẩm chất và các kỹ năng mềm trong cuộc sống, đồng thời làm cho bóng đá trở thành món ăn tinh thần và niềm vui cho người dân TP.HCM".

SĨ HUYÊN ghi

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Bóng đá TP.HCM có cải thiện thứ hạng được không?'

TTO - Phát biểu ở cuộc gặp với 2 CLB TP.HCM và Sài Gòn tại trụ sở Thành ủy TP.HCM vào sáng 11-8, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ thân tình, đồng thời hy vọng 2 đội bóng phải nỗ lực để không phải rớt hạng sau khi V-League 2022 kết thúc.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên