Các ngành dịch vụ, hệ thống bán lẻ tiếp tục tăng trưởng tốt để đem về nguồn thu cho thành phố. Ảnh: CTV
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút được 1,28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài bao gồm cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Về đầu tư trong nước, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng vốn DN đăng ký thành lập mới và bổ sung là 192.967 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm ước đạt 90.830 tỷ đồng, đạt 24% dự toán năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Sử Ngọc Anh, kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 260.317 tỷ đồng, tăng 7,6% (cùng kỳ tăng 7,5%).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế từng bước giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư, khu vực dịch vụ chiếm 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26%, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 0,7%.
Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao. Sản xuất nông nghiệp duy trì hoạt động ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 3 tháng ước đạt 4.427 tỷ đồng, tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 5,6%).
Ông Phạm Thành Kiên, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết quý I vừa qua, các ngành sản xuất có tốc độ phát triển tốt; chỉ số phát triển công nghiệp trong 3 tháng đầu năm ước tăng 6,05% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,02%).
Dự báo quý II, sản xuất công nghiệp TP.HCM tiếp tục phát triển với nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều hỗ trợ DN vừa và nhỏ.
Theo ông Sử Ngọc Anh, sở dĩ thu hút vốn FDI của thành phố tăng là do năm 2017 nền kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao, môi trường đầu tư được cải thiện nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời thể chế về đầu tư nước ngoài được phân cấp xuống cho địa phương, sở ngành giải quyết nên tiết giảm thời gian cho nhà đầu tư.
Trước đây, toàn bộ dự án đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, cách đây 3 năm đã giao về cho địa phương cấp phép và việc cấp giấy chứng nhận đầu tư được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố cấp phép.
Về hình thức đầu tư nước ngoài, trước đây có 3 hình thức là hợp tác liên doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài thì hiện nay ngoài 3 hình thức này còn có thêm hình thức mua vốn, đóng góp cổ phần.
Mặt khác, công tác xúc tiến đầu tư của thành phố được chú trọng. Lãnh đạo thành phố đi thăm một số nước nhằm quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của thành phố đến nhà đầu tư các nước.
Đặc biệt, TP.HCM có chương trình xúc tiến đầu tư với các cơ quan xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp như Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC), Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), Ban Quản lý khu Công nghệ cao….
Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Anh, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang đối mặt với những khó khăn như: Xu thế đầu tư của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ muốn đưa vốn đầu tư từ nước ngoài về đầu tư lại trong nước nên sở đang nghiên cứu để có giải pháp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố thời gian tới.
TP.HCM cũng nghiên cứu điều chỉnh đất dành cho nhà đầu tư ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao do hiện nay đất dành cho các khu công nghiệp hạn chế; đồng thời tính toán việc liên kết vùng để có sự phân vùng thu hút các lĩnh vực đầu tư giữa các tỉnh, thành, không thu hút các lĩnh vực đầu tư thâm dụng lao động.
TP.HCM tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh: CTV
Đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài yếu tố ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao thì công tác cải cách hành chính cần được tăng cường, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ như đeo bám, phục vụ nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai dự án; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp…
Sắp tới, để đạt các mục tiêu kinh tế đề ra, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề ra giải pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu năng lực cạnh tranh của thành phố.
Sở Công thương tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực, xác định thương hiệu của TP.HCM; tham mưu UBND Thành phố giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho DN phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh.
Các sở, ban ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tại đơn vị để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp muốn đầu tư vào thành phố…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận