13/06/2019 10:06 GMT+7

TP.HCM: sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Một số bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho biết số ca mắc bệnh này bắt đầu có xu hướng tăng. Hiện đang là khoảng thời gian mùa mưa bắt đầu, các bác sĩ dự báo tình hình có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.

TP.HCM: sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng trong tháng 5 cũng tăng 26% so với tháng trước đó. Từ đầu năm đến hết tháng 5-2019, toàn TP có 1.016 ca mắc tay chân miệng (gồm 222 ca nội trú và 794 ca ngoại trú), chủ yếu tăng số ca ngoại trú.

Tại hội nghị trực tuyến "Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019" do Bộ Y tế vừa tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng một trong các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết là thường xuyên rửa tay, từ nhân viên y tế đến cô giáo và người chăm sóc trẻ.

Đối với những bệnh đã có văcxin chích ngừa thì nên đưa trẻ đi chích ngừa.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cho biết từ giữa tháng 2 đến hết tháng 5, TP đã tiêm văcxin ComBe Five cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Trong thời gian này đã có 29.408 liều ComBe Five được tiêm chủng, trong đó ghi nhận 1.660 trường hợp xuất hiện những phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chiếm tỉ lệ 5,6% tổng số liều tiêm, tương đương với tỉ lệ phản ứng thông thường sau khi tiêm.

Hà Nội: dịch sởi trái mùa

TS Đỗ Duy Cường, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho hay đang có dịch sởi trái mùa khá bất thường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cụ thể, trong mùa hè nắng nóng, không phải mùa dịch sởi gia tăng như thông thường nhưng mỗi tháng khoa vẫn tiếp nhận 50-70 bệnh nhân sởi là người lớn từ 25-35 tuổi.

"Tính chung từ đầu năm, bệnh nhân sởi đến bệnh viện chúng tôi tăng cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2018. So với năm 2014 là năm có dịch sởi cao nhất trong 10 năm trở lại đây, thì số bệnh nhân nhập viện từ đầu năm 2019 đến nay tăng gấp ba" - ông Cường cho biết.

Ông Cường cũng chia sẻ bệnh sởi có thể gây những biến chứng như viêm phổi, não viêm do sởi..., các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng nếu bệnh xuất hiện ở phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh mãn tính... Năm nay đã ghi nhận bệnh sởi trên phụ nữ có thai và có nhiều biến chứng.

"Người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm bổ sung văcxin sởi để nâng cao hiệu quả phòng bệnh. Những bệnh nhân mắc sởi vừa qua đều từng tiêm một mũi khi còn nhỏ hoặc có người chưa tiêm" - bác sĩ Cường khuyến cáo.

Bên cạnh dịch sởi, hiện cũng ghi nhận một số bệnh mùa đông xuân như quai bị, thủy đậu, cúm... Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội cũng bắt đầu gia tăng và dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội còn kéo dài đến cuối năm.

L.ANH

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên