23/08/2016 09:00 GMT+7

TP.HCM luôn nhận cờ đầu sao bị điểm thấp?

QUỐC THANH , QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN
QUỐC THANH , QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN

TTO - Trong khi ngành giáo dục TP.HCM luôn nhận cờ dẫn đầu cả nước, thì PAPI - chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - lại chấm điểm tổng chất lượng trường tiểu học công lập ở TP năm 2015 thấp hơn so với năm năm trước.

Giáo dục tiểu học ở TP.HCM phải đặt mình vào đòi hỏi và nhu cầu cao hơn của các đối tượng về tổ chức, chất lượng giảng dạy... Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Thanh Hồng hướng dẫn học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM cách đưa tay phát biểu trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Giáo dục tiểu học ở TP.HCM phải đặt mình vào đòi hỏi và nhu cầu cao hơn của các đối tượng về tổ chức, chất lượng giảng dạy... Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Thanh Hồng hướng dẫn học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM cách đưa tay phát biểu trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nghịch lý này do đâu? Đây là câu chuyện đáng bàn khi năm học mới lại bắt đầu, như một đòi hỏi đặt ra cho bậc học nền tảng ở TP sôi động vào loại bậc nhất cả nước.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa nhóm chuyên gia PAPI và lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện rõ những thắc mắc về mức điểm đã chấm cho giáo dục tiểu học công lập của TP.

Phụ huynh rất công bằng trong đánh giá

Ông Lê Hoài Nam nói tổng chất lượng trường tiểu học (đánh giá theo chín tiêu chí) với điểm số của năm 2015 là 4,09, thấp hơn năm năm trước ở mức 5,63. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại đánh giá tiểu học TP dẫn đầu cả nước.

Không biết tiêu chí đánh giá như thế nào? Còn về chuyên môn, TP luôn nhận cờ dẫn đầu giáo dục cả nước. Tại sao điểm thấp hơn?...

Giải thích một cách chung nhất những thắc mắc đặt ra, kể cả độ tin cậy của khảo sát, chuyên gia PAPI khẳng định phương pháp lấy mẫu, bảng hỏi, nội dung hỏi...đảm bảo những yêu cầu về mặt khoa học, độ chính xác đạt 95%.

Điểm đáng lưu ý là từ kết quả khảo sát cho thấy sự kỳ vọng của người dân (vào các lĩnh vực được khảo sát) ngày càng tăng, mong đợi của người dân ngày càng lớn.

Ngoài ra, với những thông tin có được và trải nghiệm thực tế, người dân luôn so sánh giữa TP.HCM với các TP trong khu vực khi đánh giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công, người trực tiếp tham gia chương trình PAPI hằng năm - khẳng định phụ huynh hay gia đình có con em học tiểu học công lập rất công bằng trong đánh giá.

Chẳng hạn, có gần 100% những người được hỏi đánh giá trường lớp ở TP là kiên cố; 92% ý kiến cho biết trường học có nhà vệ sinh sạch sẽ; việc phục vụ nhu cầu nước sạch cho học sinh cũng được đánh giá cao...

Riêng về chất lượng giáo dục tiểu học, theo bà Huyền, có 14% ý kiến đánh giá rất tốt, 85% đánh giá tốt.

Tuy nhiên, nhìn vào số điểm qua kết quả khảo sát về giáo dục tiểu học công lập TP.HCM từ năm 2011-2015, thấy rõ mức tiến bộ của TP qua đánh giá này là không đáng kể.

Điểm đánh giá chung ở bậc tiểu học chỉ nhích 0,19 điểm sau năm năm (đạt 1,87 điểm năm 2015, so với 1,68 điểm năm 2011). Chất lượng dạy học của trường tiểu học công lập cũng chỉ nhích 0,82 điểm sau năm năm. Còn tổng chất lượng trường tiểu học lại rớt 1,54 điểm sau năm năm!

Theo bà Huyền, phân tích những gì phản ánh từ khảo sát và qua trải nghiệm của phụ huynh cho thấy rõ giáo dục tiểu học ở TP.HCM phải đặt mình vào đòi hỏi và nhu cầu cao hơn của các đối tượng về tổ chức, chất lượng giảng dạy...

Phải đảm bảo tính độc lập của khảo sát

Cũng theo bà Huyền, chương trình PAPI đặt người dân vào vị trí trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp, trong đó có giáo dục tiểu học.

Trao đổi thẳng thắn về những nghi ngại kết quả khảo sát đã phản ánh sát thực tế chưa, đặc biệt là tính đại diện của số lượng mẫu, bà Đỗ Thanh Huyền cho biết: số mẫu khảo sát ở TP.HCM gấp ba lần số mẫu của 57 tỉnh có dân số dưới 2 triệu người.

Theo đó, mẫu khảo sát ở TP.HCM là 720 người, và 82% trong số này có ý kiến trả lời. Tuy nhiên, với khảo sát về giáo dục tiểu học, 42% số người được hỏi hiện đang có con em trong gia đình đang học tiểu học.

Bà Huyền khẳng định tất cả những tỉ lệ vừa nêu sẽ không tác động gì đáng kể tới mức độ chính xác tương đối của kết quả khảo sát, vì các nhà chuyên môn đã cân chỉnh và tính toán số mẫu khảo sát khi xử lý số liệu.

Theo bà Huyền, nếu sử dụng cùng phương pháp luận, cách làm, nội dung bảng hỏi, đảm bảo tính độc lập, thì khi tiến hành 100 lần khảo sát sẽ có 95 lần lặp lại kết quả như vậy. Điều đó có nghĩa là độ tin cậy của khảo sát có thể đạt đến 95%.

Theo bà Huyền, nếu TP.HCM sử dụng công cụ khảo sát của PAPI và giao cho đơn vị chuyên môn của TP khảo sát ở khắp 24 quận huyện, cũng sẽ cho ra kết quả tương tự như PAPI đã làm. Vấn đề là cách làm và giám sát như thế nào để đảm bảo tính độc lập của khảo sát.

Chỉ một món quà thôi mà ăn thua gì...

Kết quả khảo sát của PAPI năm 2015 còn đưa ra một dữ liệu gây tranh cãi. Đó là giá trị mà phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên (ban giám hiệu) trong khối trường tiểu học công lập - được gọi tên là những chi phí ngoài quy định - đến hơn 852.000 đồng/học kỳ/học sinh.

Con số này đã tăng lên khá nhiều so với mức hơn 510.000 đồng của lần khảo sát năm 2011.

Với con số vừa nêu, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho rằng nếu phụ huynh nào (chỉ ở bậc tiểu học) cũng “lót tay” giáo viên với số tiền như vậy, thì tổng khoản tiền này của một học kỳ có thể lên đến hơn 400 tỉ đồng, quá nhiều. Căn cứ vào đâu để đưa ra những con số này?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về độ tin cậy của dữ liệu trên, bà Đỗ Thanh Huyền tỏ rõ quan điểm: vấn đề không chỉ nằm ở mức tiền “lót tay”, và càng không phải tất cả phụ huynh hay chỉ một bộ phận nào đó phải “lót tay” giáo viên, mà cần nhìn nhận có thực tế này không, và hiện nó còn tồn tại trong môi trường giáo dục hay không.

Nhiều ý kiến nói rằng: “Đó chỉ là một món quà cho giáo viên hay ban giám hiệu thôi, ăn thua gì, vấn đề không phải nằm ở đấy!”.

Theo bà Huyền, nếu thật sự muốn có môi trường giáo dục lành mạnh thì càng ít chuyện quà cáp, biếu xén... càng tốt. Và “điều chúng tôi quan tâm nhiều hơn là trong môi trường giáo dục vẫn tồn tại khoảng cách giữa nhóm con em gia đình có điều kiện kinh tế tốt và nhóm con em gia đình khó khăn hơn.

Liệu rằng cả hai nhóm này có được thụ hưởng sự công bằng tuyệt đối như nhau trong giáo dục hay không”. (còn tiếp)

Coi trọng trải nghiệm của người dân

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ VN, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp thực hiện.

Chỉ số này được công bố hằng năm dựa trên cơ sở kết quả khảo sát ý kiến người dân bằng phương pháp lấy mẫu xác suất theo quy mô dân số và ngẫu nhiên. Hay nói cách khác, đây là kết quả đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.

Các chuyên gia PAPI khẳng định cuộc khảo sát luôn coi trọng trải nghiệm của người dân ở các lĩnh vực, trong đó có tiểu học công lập.

“Lâu nay nhiều ngành, trong đó có giáo dục, tự đánh giá nhau và dường như bằng lòng với những đánh giá đó, như là một thói quen.

Hẳn nhiên, điều tốt đẹp, những thành tích bao giờ cũng dễ được chấp nhận, bằng lòng hơn là những kết quả ngược lại, đến từ một cuộc khảo sát hay đánh giá độc lập nào đó".

Bà Đỗ Thanh Huyền (chuyên gia phân tích chính sách công)

 
QUỐC THANH , QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên