18/07/2013 07:51 GMT+7

TP.HCM: khuyến khích sinh đủ hai con

LAN ANH
LAN ANH

TT - Lần đầu tiên sau nhiều năm thắt chặt chính sách dân số, đã có những tỉnh thành ở VN có mức sinh “báo động”: hầu hết các bà mẹ chỉ sinh một con, rất ít người sinh hai con hoặc hơn.

Mỗi bà mẹ TP.HCM nên sinh 2 con

sYG8JnyW.jpgPhóng to
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Ngày 17-7, lần đầu tiên Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho biết đã có lựa chọn mới cho chính sách dân số ở VN: mỗi gia đình hai con, chứ không phải đặt nặng mục tiêu giảm sinh như trước đây.

Vừa đi thăm Trung Quốc trở về, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng tỏ ra rất lo ngại mô hình “4-2-1”, tức là bốn ông bà nội ngoại và hai bố mẹ chăm sóc một đứa trẻ vì chính sách một con của nước này. “Nhưng 20 năm nữa, những đứa trẻ vốn là “vua”, đòi gì là có sáu người đáp ứng ấy, sẽ phải một mình chăm sóc sáu người là bốn ông bà và hai bố mẹ. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang thay đổi sang chính sách một con rưỡi/gia đình” - ông Trọng cho biết.

Cứ tưởng câu chuyện ấy đến bao giờ mới có thể ảnh hưởng đến VN, một đất nước đại bộ phận dân số là trẻ và khá... chịu khó sinh con, thì tại TP.HCM vào năm 2009, mỗi bà mẹ bình quân có 1,45 con, năm 2011 con số này giảm xuống còn 1,3 con, năm 2012 con số này dù có tăng chút ít thì cũng mới đạt mức 1,33 con/bà mẹ. Trong khi đó, bình quân cả nước năm 2012 là 2,06 con/bà mẹ.

Ngay cả vấn đề đang làm đau đầu giới chức y tế là bất bình đẳng giới tính khi sinh thì TP.HCM năm 2010 ở mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái, tạm coi là mất cân bằng, đến năm 2011 giảm chỉ còn 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Không chỉ TP.HCM, các thành thị ở VN đều đã có mức sinh dưới mức thay thế, năm cao nhất là 2002 mỗi bà mẹ có 1,93 con, còn năm 2011 thì bình quân bà mẹ thành thị chỉ có 1,7 con.

Từ “hai con là đủ” chuyển thành “hai con là tốt hơn”

Ngoài TP.HCM và khu vực thành thị, các tỉnh Đông và Tây Nam bộ cũng có mức sinh dưới mức sinh thay thế, tức là dưới mức bình quân chung, chỉ ở mức 1,5-1,8 con/bà mẹ. “Điều này cho thấy rất nhiều phụ nữ đang dừng ở một con. Chúng tôi không khuyến cáo sinh ba con, nhưng các cặp vợ chồng cũng không nên dừng ở một con. Tình hình ở TP.HCM là đáng báo động, tình hình chung của thế giới là chuyển đổi thông điệp, từ “hai con là đủ” trước đây sang thông điệp “hai con là tốt hơn”” - ông Trọng cho biết.

Khuyến khích mỗi gia đình sinh hai con, vì sao vậy? Theo đánh giá của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, mặc dù TP.HCM có mức tăng dân số cơ học đứng thứ hai ở VN (chỉ sau tỉnh Bình Dương), nhưng gia tăng dân số tại chỗ lại thấp nhất nước. Để đáp ứng nhu cầu lao động, ngoài di cư trong nước có hiện tượng di cư quốc tế, TP.HCM đang là “điểm đến” của nhiều người châu Phi hoặc từ các quốc gia kém phát triển hơn.

Mức sinh thấp cũng tác động mạnh đến cơ cấu dân số: tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi nhóm dân cư trên 65 tuổi ngày càng tăng. Theo các đánh giá về quy mô dân số của Tổng cục Thống kê, dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ 4,7% dân số (năm 1979) lên 7,1% năm 2012 và sẽ tăng lên 10,1% vào năm 2029, 18% vào năm 2049.

Và những nghịch lý

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong khi TP.HCM và khu vực Đông - Tây Nam bộ giảm sinh đến mức những năm qua không cần đặt chỉ tiêu giảm sinh, thì đồng bằng sông Hồng (trong đó có cả Hà Nội), miền núi phía Bắc, Tây nguyên vẫn đang ở mức sinh cao, khiến ông Trọng ví von triển khai chính sách dân số ở 63 tỉnh thành như “cần 63 cái lược chứ không thể một cái lược cho cả 63 tỉnh thành”. Đặc biệt là trường hợp Hà Nội, nơi có một phụ nữ ở quận nội thành Hà Đông đẻ tới... 12 con.

“Với tình hình kinh tế - xã hội như vậy, lẽ ra Hà Nội phải giống TP.HCM, nhưng Hà Nội và cả vùng đồng bằng sông Hồng làm công tác dân số rất khó, mức sinh có giảm nhưng vẫn xung quanh mức bình quân 2,1-2,2 con/bà mẹ. Đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh, cứ lấy Hà Nội làm tâm mà quay một vòng bán kính 100km thì không địa phương nào không mất cân bằng giới tính, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình...” - ông Trọng cho hay.

Sau khi một chuyên gia về dân số khuyến cáo đã đến lúc cần thay đổi chính sách dân số theo hướng “nới” hơn, rất nhiều ý kiến cho rằng cái cần hơn là nâng chất lượng dân số, vì VN vẫn ở trong nhóm có tỉ lệ dân số khuyết tật cao, tầm vóc, sức bền của thanh niên Việt cũng vào loại kém nhất so với thanh niên các nước trong khu vực.

Bà MANDEEP K. O'BRIEN (quyền trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN):

VN cần ứng phó với xu hướng giảm sinh từ bây giờ

Số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy mức sinh đã giảm một cách liên tục và đã xuống dưới mức sinh thay thế: 2,1 năm 2005, 2,03 năm 2009, 2,0 năm 2010 và 1,99 năm 2011. Đây là một thành tựu tuyệt vời của Chương trình quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong những thập kỷ vừa qua, nhưng đã đến lúc VN tự chuẩn bị cho mình những biện pháp đối phó với sự suy giảm mức sinh nhanh chóng và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao. Dân số VN đang già hóa rất nhanh và sẽ bắt đầu vào giai đoạn được gọi là “giai đoạn dân số già” trong một thời gian ngắn. Các quốc gia từng trải qua xu hướng tương tự như Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng những nhu cầu bảo trợ xã hội của dân số già hóa trong khi số người trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại.

H.GIANG ghi

Bà TÔ THỊ KIM HOA (chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM):

Mức sinh liên tục giảm

Theo số liệu trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh dân số (2003-2013) của TP.HCM, mức sinh trên địa bàn TP liên tục giảm trong từng năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm nhiều yếu tố. Có thể kể đến nguyên nhân về kinh tế như mức chi phí cho cuộc sống đô thị cao, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nên người dân không cần đẻ bù, người sống ở đô thị đang có xu hướng kết hôn muộn và muộn có con, lao động nữ ở đô thị sợ mất việc hoặc đánh mất cơ hội thăng tiến trong công việc khi sinh con... Ngoài ra, khi trình độ học vấn cũng như nhận thức của người dân được nâng cao thì họ ý thức được sinh đẻ ít sẽ ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, gia đình sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế...

Dưới góc độ TP.HCM, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để người dân sinh đủ số con (hai con), vận động những người trong độ tuổi sinh đẻ, khi đến tuổi được quyền kết hôn, nếu có điều kiện nên kết hôn sớm và có con sớm khi còn trẻ để đảm bảo sức khỏe. Riêng vấn đề có nới lỏng chính sách dân số hay không, có nên có chế độ ưu đãi để khuyến khích người dân sinh thêm con hay không đòi hỏi phải có nghiên cứu và tính toán ở tầm quốc gia. Sắp tới, khi cả nước tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh dân số, tôi nghĩ rằng vấn đề này cũng sẽ được mang ra tính toán, cân nhắc.

MAI HƯƠNG ghi

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên