Vợ chồng ông Cao Minh Nhật (quận 12) đo vẽ vải tại nhà. Nhà cửa đã khang trang, đời sống đã khá hơn rất nhiều - Ảnh: Vũ Thủy |
Đây cũng là dịp nhìn lại hành trình giảm nghèo suốt 23 năm của TP.HCM - địa phương đầu tiên của cả nước khởi đầu chương trình xóa đói giảm nghèo vào đầu năm 1992 và hiện có mức chuẩn nghèo cao gấp 2,7 lần mức chuẩn nghèo quốc gia.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, chương trình giảm nghèo không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của người dân TP.HCM: văn minh, hiện đại mà cũng rất nhân ái, nghĩa tình.
Điểm tựa vươn lên
Ông Cao Minh Nhật (P.Hiệp Thành, Q.12) và bà Nguyễn Thị Lai (54 tuổi, ngụ P.25, Q.Bình Thạnh) là hai trong số hàng triệu lượt người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo của TP.HCM được tiếp cận các nguồn vay với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp họ vươn lên vượt nghèo.
Họ được tuyên dương tại hội nghị như những điển hình thoát nghèo vươn lên từ những đồng tiền vay nghĩa tình.
Chúng tôi đến nhà ông Nhật vào lúc tối muộn. Tầng dưới của căn nhà 3 tầng vừa là phòng khách vừa là “xưởng may tại gia”, xếp đầy chồng vải và những chồng quần áo trẻ em đã may xong chờ đi giao.
Ông Nhật nói bây giờ vợ chồng ông không còn may nữa, chỉ mang vải về cắt rồi giao các hộ khác may gia công, mỗi tháng may được khoảng 3.000 sản phẩm bỏ mối cho các chợ.
Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều so với những ngày đầu gian khó khi từ vùng quê Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp cách nay hơn 10 năm. Khi người cha bị bệnh điều trị dài ngày thì cả nhà lâm cảnh bí bách.
“Chúng tôi nghĩ cách tự làm ăn, làm may mặc tại nhà nhưng không có vốn. Dân nhập cư nên đâu vay mượn anh em, họ hàng được” - ông kể. Lúc đó mượn được 5 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, vợ chồng ông gom góp thêm, mua vải, tìm mẫu về tự may cắt bằng chiếc máy may cũ.
Ông lần dò khắp các chợ tìm chỗ bỏ mối hàng. Rồi dần dà có mối hàng, vợ chồng ông có thu nhập, vay thêm vốn mua thêm máy may.
“Vay nhiều lần lắm, lần 10 triệu, lần 30 triệu, tổng cộng 140 triệu đồng. Hai vợ chồng cứ vay rồi trả, trả xong lại vay tiếp để mở rộng việc làm ăn” - ông Nhật nhớ lại. Bây giờ ông đã đầu tư được máy cắt, công đoạn may ráp và chia cho bốn hộ khác cùng làm.
Còn bà Lai từng lâm vào cảnh túng quẫn nuôi một nách năm con sau khi chồng đột ngột qua đời. “Ổng đi để lại nhà xiêu, cửa nát và đàn con nhỏ dại khiến tôi muốn buông xuôi” - bà rớt nước mắt kể.
Nuôi năm con ăn học, bà vay vốn xóa đói giảm nghèo, ky cóp đủ kiểu để mở cửa hàng bán nước, bán sinh tố, cứ vay rồi trả, trả đủ lại vay, tổng cộng 150 triệu đồng. Con cái đi học đứa nào cũng được miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mỗi năm có học bổng.
“Đến bây giờ xem như đã mãn nguyện - không phải bán nhà cửa, năm đứa con học hành đến nơi đến chốn” - bà nói vui. Hai con đầu của bà đã tốt nghiệp đại học và đi làm, một người lập gia đình riêng, hai đứa sau tốt nghiệp cao đẳng đã tự bươn chải nuôi được bản thân, con gái út đang học lớp 12.
Trong 23 năm qua, những khoản vay nhỏ, khoản học phí được miễn giảm cho con cái, những suất học bổng... đó đã trở thành điểm tựa cho người nghèo khi họ chẳng còn nơi bấu víu.
Bà Nguyễn Thị Lai (quận Bình Thạnh) bên cửa hàng đã giúp bà nuôi lớn 5 người con - Ảnh: Vũ Thủy |
Đổi mới tư duy trong giảm nghèo
Thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để giảm nghèo là mấu chốt quan trọng được lãnh đạo TP.HCM đặt ra trong giai đoạn mới, như Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội nghị: “Chúng ta trân trọng, vui mừng với thành quả đạt được sau 23 năm, nhưng cũng phải thấy rằng kết quả giảm nghèo đó vẫn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn. Bên cạnh đó có những hộ không nằm trong diện hộ nghèo nhưng đời sống vẫn còn thiếu hụt nhiều mặt. Do đó, chủ trương nhất quán của Ban thường vụ Thành ủy là phải có giải pháp giảm nghèo thật bền vững, căn cơ”.
Qua thực tế thực hiện giảm nghèo tại địa phương, ông Châu Văn Tình - chủ tịch UBND P.1, Q.Tân Bình - rút ra kinh nghiệm: “Chúng ta không thể đem tiền chăm lo mãi, mà cần hơn là tạo điều kiện để người nghèo có thu nhập bền vững, lâu dài. Cho nên mô hình giúp đỡ con em hộ nghèo học hành đến nơi đến chốn, học lên đại học rồi tìm được việc làm ở phường chúng tôi phát huy tác dụng rõ nhất”.
Ông Tình cho biết muốn giảm nghèo căn cơ thì tất cả thành viên trong hộ nghèo nếu còn tuổi lao động đều phải đi làm để có thu nhập.
“Thực tế các hộ nghèo thường chỉ có một lao động chính trong nhà. Nên phải kiên trì vận động cộng với hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho những thành viên còn lại, không dồn gánh nặng kinh tế vào một người. Đây cũng là cách xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại, thụ động của người nghèo” - ông Tình hiến kế.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ đổi tên Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá thành Chương trình giảm nghèo bền vững.
Theo đó là một loạt thay đổi như chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (về thu nhập) sang đa chiều: tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống, thông tin...
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo theo hướng mở rộng chính sách hỗ trợ theo từng chiều thiếu hụt của người nghèo.
Có chính sách ưu tiên với nhóm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Mục tiêu là nâng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo TP.HCM vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011 (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo là 7,8 triệu đồng/người/năm), đạt mức 27,3 triệu đồng/người/năm.
Đồ họa: Vĩ Cường |
Nguồn lực để vận hành chương trình đóng vai trò quyết định. Cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế theo phương châm phát huy sức dân chăm lo cho dân. TP.HCM cũng luôn dành một phần ngân sách hằng năm và trong cả giai đoạn cho giảm nghèo. Gắn kết nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang phát triển đô thị… Tôi đề nghị chính quyền cấp quận huyện, phường xã - là nơi trực tiếp sâu sát với người dân - cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương giảm nghèo trong giai đoạn mới |
||
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM LÊ THANH HẢI |
TP.HCM cần vận dụng sáng tạo các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt tại đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (dựa vào thu nhập) sang đa chiều (áp dụng giai đoạn 2016 - 2020) cho phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tế phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung các chiều nghèo, các chỉ số còn thiếu hụt, nâng chuẩn nghèo của TP.HCM cao hơn cả nước. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, biện pháp giảm nghèo đa chiều |
||
Phó thủ tướng VŨ VĂN NINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận