Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thành tích đạt được thời gian qua là đáng khích lệ, rất tốt nhưng các bộ ngành, địa phương cần phấn đấu làm tốt công tác giảm nghèo hơn nữa, các địa phương có huyện nghèo cần đưa nhiệm vụ giảm nghèo vào nghị quyết đại hội Đảng sắp tới.
Theo Thủ tướng, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng hiện nay còn nhiều huyện nghèo và người nghèo thì làm sao đạt được mục tiêu nêu trên. Do vậy cần đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, xem đây là trọng tâm, trọng điểm trong các quyết sách thời gian tới.
“Tôi về địa phương có huyện nghèo, hỏi lãnh đạo tỉnh và huyện có biết số hộ nghèo không, tất cả đều trả lời không nhớ. Làm lãnh đạo mà không biết dân nghèo như thế nào, bao nhiêu người nghèo thì làm sao lãnh đạo được, làm sao để có những quyết sách giảm nghèo phù hợp được. Tôi kể câu chuyện này để mong các địa phương và các cấp trung ương cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc giảm nghèo. Cần ý thức đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Tỉ lệ nghèo còn lớn, người nghèo còn nhiều thì phải xem lại ta đã lo cho dân như thế nào?” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ luôn coi công tác giảm nghèo, đặc biệt là việc giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Thống nhất với các kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể, tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững cho các hộ nghèo, đây cũng là nhiệm vụ trọng điểm của công tác giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đối với các chính sách trùng lắp, kém hiệu quả thì cần sớm loại bỏ, phát huy những chính sách có hiệu quả, bổ sung các chính sách còn thiếu. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách về giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng đi liền với việc sắp xếp đổi mới lại các nông lâm trường ...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tăng nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện giảm nghèo bền vững. Ông Danh Út, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đánh giá nghị quyết 30a có tác động tốt, giảm nghèo nhanh nhưng còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục và sửa đổi như các chính sách còn chồng chéo, xây dựng nông thôn mới ở các xã nghèo chưa đáp ứng vì thiếu vốn...
Theo ông Danh Út: “Tôi đi thực tế bốn tỉnh thì thấy có bốn lâm trường ở đây đang quản lý khoảng 70ha đất nhưng bỏ hoang, chờ phá sản hoặc sắp xếp lại. Trong khi những hộ nghèo sống xung quanh lâm trường thì thiếu đất sản xuất, đây là bất cập. Đề nghị Chính phủ trong công tác giảm nghèo cần quan tâm đất ở, đất sản xuất cho bà con, các lâm trường nên chia bớt đất cho bà con nghèo sinh sống”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận