17/08/2015 07:20 GMT+7

​TP.HCM: giải đua môtô trở lại sau 17 năm

HUY ĐĂNG - ĐỨC THIỆN
HUY ĐĂNG - ĐỨC THIỆN

TT - Những ngày qua, khu vực quanh nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) trở nên náo nhiệt với những tiếng động cơ xe máy gầm rú rộn rã, kéo theo đó là hàng ngàn người đội nắng, đội mưa xem Giải đua xe đường đất Cúp báo Thể Thao TP.HCM năm 2015 - Vietnam Motor Cub Prix.


Khán giả đội nắng xem đua môtô - Ảnh: H.Đ.

Lần gần nhất một giải đua môtô được tổ chức tại TP.HCM diễn ra năm 1998, cũng tại trường đua Phú Thọ. Kể từ lần đó, dân mê đua môtô ở Sài Gòn không còn được theo dõi những giải đua tốc độ nữa. Vì vậy, việc trường đua nơi đây bỗng dưng “dậy sóng” trở lại là một thông tin khá bất ngờ với người dân sống quanh Q.11.

17 năm vắng bóng

Vòng đua đầu tiên của giải bắt đầu từ 14g30 thứ bảy 15-8, giữa nắng gắt và cát bụi mịt mù ở trường đua Phú Thọ. Tuy nhiên, mới khoảng 14g khán giả đã chen chật cứng trên khán đài. Âm thanh gầm rú của động cơ xe xen lẫn với tiếng hò hét vang dội đã tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt. Đến khoảng 16g trời bất ngờ đổ mưa to, nhưng không khí giải đua không vì vậy mà “xìu” đi. Cả ngàn CĐV không được ngồi trong khu vực mái che vẫn ráng nán lại trong các quán nước, bãi xe quanh sân và bám chặt... hàng rào cố chờ xem ai là người chiến thắng.

Suốt hai ngày diễn ra giải đấu (15 và 16-8), có hàng ngàn khán giả đã đến xem giải đua môtô này. Riêng trong ngày 15-8 có đến khoảng 4.000 vé được ban tổ chức bán ra. Đây là con số rất ấn tượng vì giá vé không hề rẻ: 180.000 đồng/chỗ ngồi khán đài B và 400.000 đồng/chỗ ngồi khán đài A.

Ông Lê Minh Hoàng (51 tuổi, một CĐV) nói: “Tôi mê xem đua xe lắm. Hồi Phú Thọ còn tổ chức giải đua môtô vào thập niên 1990, giải nào tôi cũng đến xem. Hồi đó trường đua còn đông khán giả hơn bây giờ nhiều, có đến mấy chục ngàn người”.

Nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ, do đó việc các giải đua môtô đột ngột vắng bóng khỏi Sài Gòn tạo nên một nỗi nuối tiếc lớn cho những người đam mê tốc độ. Ông Ngô Quang Vinh, phó chủ tịch Liên đoàn Môtô - xe đạp VN, giải thích: “Sở dĩ các giải đua môtô vắng bóng ở Sài Gòn mười mấy năm qua vì kể từ năm 1999, Nhà nước không còn muốn phát triển dòng xe động cơ hai thì tại VN nữa, đến những năm sau này thì cấm hẳn. Trong khi trước đó các giải đua môtô chúng tôi tổ chức chủ yếu sử dụng dòng xe hai thì, điều này khiến giải lâm vào tình cảnh không có nhà tài trợ nên nhiều năm qua không có đủ kinh phí tổ chức trở lại”.

Ông Tăng Bá Lễ, trưởng phòng thể thao cộng đồng Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết thật ra không có quy định nào cấm tổ chức những giải đấu đua xe ở TP.HCM. Nguyên nhân chính khiến các giải môtô “mất tích” một thời gian dài ở Sài Gòn là bởi thiếu nhà tài trợ và gần như không có nơi nào đủ điều kiện tổ chức thi đấu ngoài trường đua Phú Thọ. Nhiều năm trời, các tay đua kỳ cựu một thời ở TP.HCM chỉ có thể tham dự khoảng vài ba giải đấu mỗi năm được Liên đoàn Môtô - xe đạp tổ chức tại các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng...

Thi đấu cho bớt... đua xe

Trở lại sau 17 năm, giải đua môtô ở sân Phú Thọ vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo khi có đến gần 100 tay đua ở miền Nam tham dự và 6.000 - 7.000 khán giả đổ đến sân theo dõi trực tiếp trong hai ngày thi đấu - những con số cho thấy niềm đam mê với môn thể thao tốc độ này của người dân Sài Gòn lớn đến mức nào. Đây vừa là một tín hiệu vui với giới đua môtô, nhưng cũng là một vấn đề mang tính thách thức, đáng bàn với những nhà quản lý ở TP.HCM.

Ông Ngô Quang Vinh cho biết tại VN hiện nay có khoảng 28.000 người đi xe phân khối lớn, trong đó ở TP.HCM chiếm đến phân nửa. Ngoài ra, ở TP.HCM còn có khoảng 30 CLB đua môtô và bao gồm tổng cộng chừng 200 tay lái. Từ lâu, việc đua xe trên đường phố đã trở thành một vấn nạn của ngành giao thông. Ông Vinh cho rằng tệ nạn này có thể giảm được phần nào nếu các giải đua môtô chính thức do ngành thể thao tổ chức trở lại.

Ông Vinh nói: “Ý định tổ chức giải đua môtô trở lại ở TP.HCM đã có từ cách đây vài năm. Năm 2012, UBND TP.HCM đưa vấn đề này ra bàn và đề nghị nên xem xét việc mở lại các giải đua môtô chính thống nhằm hạn chế tệ nạn đua xe. Nói vậy bởi nếu những người mê môtô ở TP.HCM, phần lớn là giới trẻ, trước đây thường chạy đua trên đường thì nay họ sẽ có được những sân chơi thực thụ, an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro để thi thố niềm đam mê. Tôi tin nếu có giải đấu chuyên nghiệp, tệ nạn đua xe sẽ giảm bớt”.

Ông Vinh lấy dẫn chứng: một trong những hình thức tập luyện môtô thường bị công an chấn chỉnh tại TP.HCM là các bãi tập sa hình do các tay đua ở một số CLB tự dựng nên: “Việc dựng các bãi tập sa hình như vậy ở những nơi công cộng là không hợp pháp, có thể gây nguy hiểm cho người dân. Nhưng nếu có nơi để tập luyện chính thức như trường đua Phú Thọ thì tình trạng này sẽ không còn nữa”.

Anh Nguyễn Tấn Anh, thành viên ban tổ chức giải và cũng là một tay chơi môtô ở TP.HCM, cũng tin việc tham dự những giải đấu chuyên nghiệp sẽ khiến nhiều tay đua từ bỏ ý định “gầm rú” trên đường phố: “Trong giới đua môtô bọn tôi ở các tỉnh thành khác, cụ thể ở Bình Dương, cũng từng có nhiều tay đua thường đua xe trái phép trên đường. Nhưng sau khi tham gia một số giải đua chuyên nghiệp như Vietnam Motor Cub Prix thì họ bỏ dần. Một phần vì đã có sân chơi, một phần vì hiểu rõ được các chấn thương, độ nguy hiểm khi đua xe trên đường mà không có quần áo bảo hộ, y tế an toàn”.

Vé giả ở giải đua môtô

Theo phản ảnh của nhiều khán giả, tình trạng bán vé giả từ những người bán vé chợ đen xuất hiện tại giải đua môtô ở Phú Thọ. Anh T., một khán giả, cho biết nhóm của anh đã mua bốn vé từ những người bán vé chợ đen trước cổng sân với giá 150.000 đồng/vé, trong khi giá vé chính thức là 180.000 đồng/vé. Khi vào sân, nhóm của anh T. bị bảo vệ chặn lại và cho biết đây là vé giả. Một thành viên ban tổ chức thừa nhận tình trạng này và cho biết ngay trong tối 15-8, họ đã có biện pháp khắc phục bằng cách thay đổi mẫu mã vé cho hôm thi đấu 16-8.

 

HUY ĐĂNG - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên