Bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - cho hay TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới - Ảnh: TỰ TRUNG
Thông tin trên được bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND TP.HCM vào ngày 8-1.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước trong năm 2021 là 116.839, riêng TP.HCM đã có 32.344 doanh nghiệp, còn số vốn đăng ký mới cả nước là 1.611.109 tỉ đồng, TP.HCM đạt 505.790 tỉ đồng.
Theo bà Mai, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của TP.HCM vượt 5,2% dự toán.
Bà Mai nhận định hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng của TP.HCM, phản ánh sức thu hút của TP đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP đạt 7,23 tỉ USD, tăng 38,48% so với năm 2020.
Tuy vậy, bà Mai cho hay năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính theo giá so sánh năm 2010 đạt 924.367 tỉ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước và đây được xem là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
"Hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp mới giảm 23,11%, số vốn đăng ký thành lập mới giảm 55,15%, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 13,82%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 33%" - bà Mai nói.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, bà Mai cho hay TP đã xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu giai đoạn 1 đến hết năm 2022 là khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Trong đó, về tín dụng, TP tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, tiếp tục hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn...
Đối với ngành du lịch, bà Mai cho hay đến năm 2022 dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế…
Liên quan đến đầu tư công, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư đề xuất các giải pháp để huy động các nguồn lực từ quỹ đất công, tài sản công, cổ phần hóa, trong đó có tổ chức sớm việc đấu giá đối với các khu đất đã có chủ trương, đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, dự án đã đủ điều kiện nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, bà Mai cũng đề xuất cần đẩy nhanh công tác quy hoạch không gian ngầm và đề xuất cơ chế khai thác đối với các khu vực không gian ngầm, đặc biệt là khu vực trung tâm TP và các khu vực kết nối với các tuyến đường sắt đô thị.
Đề xuất lập mới khu công nghiệp sau nhiều năm không mở mới
Ông Hứa Quốc Hưng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) - cho biết sẽ tham mưu thành lập mới khu công nghiệp trong năm nay - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Hứa Quốc Hưng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) - cho biết trong năm 2022, ban này sẽ tham mưu cho TP.HCM và Chính phủ thành lập mới Khu công nghiệp Phạm Văn Hai với quy mô 668ha, trong đó có khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân.
Theo ông Hưng, đã từ rất lâu, TP chưa có khu công nghiệp mới, trong khi các tỉnh bạn, quỹ đất cho công nghiệp rất nhiều. Hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê.
Ngoài ra, ông Hưng cho hay Hepza sẽ tham mưu TP chuyển đổi dần các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới.
"TP.HCM đã trải qua hơn nửa chu kỳ sử dụng của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, đến nay đã lạc hậu dần" - ông Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận