
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức - Ảnh: HỮU HẠNH
Theo đó có kế hoạch, đặt mục tiêu cho số dôi dư này: mỗi năm giảm 4% biên chế (khoảng 4.500 người) trong vòng 5 năm và kết thúc hoạt động gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.
Từ đó cũng ghi nhận được không ít nỗi niềm trăn trở của người đi, người ở và đâu là cách hỗ trợ để đồng hành cùng những trăn trở này?
Bời bời tâm trạng, ngã rẽ
Trước chủ trương sắp xếp bộ máy, bà Lê Thị Thu Trà - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình - đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Trong đơn bà cho biết mình đã đủ điều kiện nghỉ hưu và muốn đồng hành cùng TP.HCM thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Nghỉ hưu trước 6 năm, dù vẫn còn nhiệt huyết với công việc nhưng bà muốn "nhường chỗ" cho đội ngũ trẻ - những người không đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Trước khi nộp đơn xin nghỉ việc, bà Trà đã cân đo đong đếm rất nhiều về cuộc sống sau này.
"Nếu như tôi tiếp tục ở lại công tác thêm 6 năm thì chắc chắn lương hưu sau này sẽ cao hơn. Nhưng tôi biết với đợt sắp xếp bộ máy này có rất nhiều cán bộ trẻ dù có năng lực nhưng cũng phải nghỉ việc.
Những anh em này không đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi nhưng nếu ra ngoài xin việc thì tuổi tác cũng đã ngoài 40, rất khó. Do đó tôi xin nghỉ để lại vị trí cho các bạn trẻ có năng lực có điều kiện tiếp tục cống hiến", bà Trà nói.
May mắn là bà Trà đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ nghị định 178 của Chính phủ, đây là khoản "bù đắp" để bà Trà chuyển đổi việc làm ở tuổi 53. Hàng chục năm công tác chính quyền và làm cán bộ mặt trận, bà Trà tự tin những cán bộ quận huyện, phường xã của TP.HCM có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm để "không phải thất nghiệp khi bị tinh giản".
Phần mình, bà Trà chia sẻ có thể có rất nhiều việc phù hợp với bà sau này như xin giảng dạy ở trung tâm chính trị, làm hội thẩm nhân dân hoặc có thể kinh doanh, buôn bán từ số tiền được hỗ trợ. Ý tưởng của bà Trà là có thể mở một cơ sở kinh doanh vừa kiếm thêm thu nhập vừa tạo công ăn việc làm cho chính những cán bộ bị dôi dư.
Trường hợp bà Trà là tương đối "suôn sẻ", trong khi chị Mai Thị Ngọc Ánh (37 tuổi) - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 3, quận Tân Bình - lại không khỏi không lo lắng khi sắp tới những người hoạt động không chuyên trách như chị sẽ phải nghỉ việc. Chị Ánh đang là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, học phí của các con sau này trở thành nỗi trăn trở hằng đêm.
Đó cũng là lo lắng của anh Nguyễn Thành Nhơn (41 tuổi) - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 7, quận Tân Bình. Anh Nhơn mới xin nghỉ việc tại một bưu điện để về công tác tại phường 7 hơn một năm nay. Khi công việc chưa kịp ổn định anh lại sắp phải chuyển nghề.
"Hoạt động không chuyên trách nhưng chúng tôi làm việc không khác gì một công chức song mức trợ cấp rất thấp, muốn làm thêm nhưng không đủ thời gian. Thu nhập thấp không đủ đáp ứng cuộc sống nên cũng khó có tích lũy để phòng hờ khi mất việc", anh Nhơn nói.
Mất việc ở độ tuổi 40 lại có con nhỏ, những người như chị Ánh, anh Nhơn lo lắng khó xin việc làm. Nghe TP.HCM có chính sách đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, anh chị rất mong chờ bởi tin rằng mình đủ năng lực để tham gia công tác tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nếu được giới thiệu.
Bên cạnh những trường hợp lo lắng thì cũng có không ít cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương có chuyên môn, còn khá trẻ có nguyện vọng xin nghỉ để ra ngoài.

Xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có 23 người hoạt động không chuyên trách tại xã. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hộ tịch tại UBND xã Vĩnh Lộc A. - Ảnh: Q.ĐỊNH
Người không chuyên trách băn khoăn việc gắn bó với địa phương
Theo yêu cầu sắp xếp bộ máy của TP.HCM, người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường trên địa bàn TP.HCM sẽ phải kết thúc hoạt động và được giải quyết chế độ, chính sách. Trên cơ sở đó, các quận huyện, TP Thủ Đức đã đề xuất phương án cho lực lượng này.
Theo tìm hiểu, ghi nhận tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), hiện tại có 23 người trong số này. Số lượng như trên dựa theo chính sách đặc thù theo nghị quyết 98 cho xã hơn 153.000 dân. Số người hoạt động không chuyên trách của xã có trình độ từ cử nhân đại học trở lên và đã gắn bó công tác với xã khá lâu.
Chẳng hạn anh Phan Huỳnh Tuấn Khoa (37 tuổi) là người hoạt động không chuyên trách lĩnh vực kinh tế, công tác tại xã gần 15 năm. Anh Khoa có trình độ thạc sĩ ngành kỹ thuật môi trường. Ngoài phụ trách lĩnh vực kinh tế, môi trường, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện nước, anh Khoa còn là bí thư chi bộ ấp 4, xã Vĩnh Lộc A với thâm niên gần 8 năm là đảng viên.
Anh Khoa kể do có trình độ thạc sĩ, mỗi tháng phụ cấp theo quy định anh được nhận khoảng 10 triệu đồng, còn người hoạt động không chuyên trách trình độ đại học thì được khoảng 8 triệu đồng.
"Bên cạnh đó áp dụng thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 98 thì hằng quý nếu kết quả công tác được xếp từ loại tốt đến xuất sắc được hưởng thêm từ 24-30 triệu đồng/quý. Như vậy với kết quả công tác tốt thì tổng chế độ mỗi tháng của tôi từ 18-20 triệu đồng. Mức thu nhập trên cao hơn mức trung bình của nhân viên văn phòng. Tôi sẵn nhà cửa ở đây nên mức thu nhập trên bảo đảm cuộc sống", anh Khoa nói.
Anh Khoa là người địa phương, sinh ra và lớn lên ở xã nên muốn gắn bó công tác ở xã, tiện chăm sóc mẹ già dù với bằng cấp của mình anh vẫn có thể xin việc bên ngoài.
Lý giải về việc hoạt động không chuyên trách gần 15 năm ở lĩnh vực kinh tế, môi trường, anh Khoa cho hay bằng cấp của anh phù hợp để làm công chức địa chính ở xã.
"Xã chỉ có hai công chức địa chính, các xã khác ở Bình Chánh cũng vậy. Là địa bàn khá nóng về đất đai nên nhiều năm qua xã Vĩnh Lộc A không tuyển công chức địa chính mà khi cần chỉ luân chuyển công chức địa chính từ nơi khác về để bảo đảm kinh nghiệm quản lý.
Nếu muốn thi công chức địa chính thì phải sang xã khác mà tôi chỉ muốn ở gần nhà. Năm ngoái áp dụng nghị quyết 98 xã được chi thi tuyển thêm nhưng sau đó do tình hình sắp xếp bộ máy nên ngưng", anh Khoa chia sẻ.
Mới đây theo phương án sắp xếp của huyện Bình Chánh đề xuất thì sẽ giải quyết chế độ, chính sách một lần cho người hoạt động không chuyên trách kết thúc hoạt động. Trường hợp người có năng lực thì bố trí tham gia công tác tiếp ở ấp.
"Tôi muốn tiếp tục gắn bó công tác ở địa phương. Tuy nhiên tôi băn khoăn rằng nếu được bố trí về ấp thì không được hưởng chế độ một lần. Trong khi với thâm niên công tác của tôi, nếu không được hưởng chế độ một lần thì rất thiệt thòi…", anh Khoa trần tình.
Trong số 23 người hoạt động không chuyên trách tại xã Vĩnh Lộc A, số người có thâm niên công tác là tương đối nhiều, có cùng băn khoăn như anh Khoa. Ông Phùng Quốc Việt, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho hay đã ghi nhận nguyện vọng và báo cáo về huyện.
Bố trí nhân sự trên tinh thần giảm ít nhất người dôi dư
Theo kế hoạch sắp xếp nhân sự, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm là cơ sở bố trí sắp xếp nhân sự giảm đến mức thấp nhất về người dôi dư. Những cán bộ, công chức chưa thể bố trí thì lập danh sách gửi Sở Nội vụ để giới thiệu, điều động đến các sở, ban, ngành TP và Ban Tổ chức Thành ủy ở các vị trí công tác phù hợp.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu điều động cán bộ từ nơi đã hết chỉ tiêu biên chế sang nơi khác còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu. Ưu tiên tiếp nhận cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và thành tích, tuổi đời trẻ và muốn cống hiến lâu dài cho khu vực công.
Bên cạnh đó nghiên cứu điều động công chức dôi dư từ các cơ quan nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp trình độ. Ngoài ra có thể đề xuất tiếp nhận cán bộ về công tác tại khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và khối nhà nước.
TP.HCM cũng xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sau sắp xếp. Triển khai thực hiện các chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội. TP.HCM sẽ khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sắp xếp bộ máy và khen thưởng người xin nghỉ có quá trình cống hiến theo quy định.
TP.HCM cũng khuyến khích các tổng công ty, công ty nhà nước xem xét ưu tiên tuyển dụng đội ngũ cán bộ dôi dư có đủ trình độ, năng lực nếu có nhu cầu. Kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm trong khu vực tư cho đội ngũ cán bộ.
Tăng cường kết nối người lao động và đơn vị tuyển dụng
Sở Nội vụ TP.HCM cũng có kế hoạch kết nối hỗ trợ nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động bị ảnh hưởng sắp xếp bộ máy.
Theo đó, TP.HCM sẽ khảo sát ý kiến của lực lượng này để phân nhóm đối tượng có nguyện vọng chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo và khởi sự doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.
Tăng cường kết nối giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hoặc chuyên đề dành riêng cho nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động. Ưu tiên các vị trí tuyển dụng phù hợp với năng lực hành chính, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của đối tượng được sắp xếp lại…
Đề xuất 400 - 550 triệu đồng cho cán bộ không chuyên trách
Tổng số biên chế được giao năm 2025 của TP.HCM ở khối sở ngành là 6.820 cán bộ, công chức; 32.200 viên chức; 4.800 người lao động và 24.000 người làm việc.
Bên cạnh đó, sau khi bỏ cấp huyện, TP.HCM sẽ chuyển 4.900 công chức và 95.600 viên chức và người lao động về phường, xã. Cùng với đó chuyển 11.300 cán bộ, công chức tại UBND phường, xã hiện nay vào biên chế cấp phường, xã sau sắp xếp. Người hoạt động không chuyên trách sẽ được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Khi sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM, TP.HCM mới sẽ tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự hiện nay để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của TP.HCM và thực hiện giải quyết trong năm năm.
Với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng sắp xếp bộ máy sẽ được hỗ trợ theo nghị định 178 của Chính phủ. Tuy nhiên, người hoạt động không chuyên trách không nằm trong nhóm áp dụng của nghị định này. TP.HCM vừa qua cũng đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho lực lượng này với Bộ Nội vụ.
Theo đề xuất, cán bộ có thâm niên từ một năm làm việc với người còn đủ năm năm công tác được hỗ trợ thôi việc hơn 328 triệu đồng và hỗ trợ tìm việc trên 65 triệu đồng. Tùy vào số năm công tác có thêm một khoản từ 8 đến hơn 150 triệu đồng. Như vậy với các khoản hỗ trợ, mỗi cán bộ có thể được nhận từ 400 đến hơn 550 triệu đồng.

Người dân sau khi làm thủ tục hành chính tại UBND quận 4, TP.HCM đánh giá hài lòng công chức xử lý hồ sơ - Ảnh: TỰ TRUNG
Thêm hỗ trợ khác
Giải quyết chế độ cho lượng nhân sự dôi dư, tại kết luận gần nhất Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã giao Đảng ủy UBND TP.HCM, lãnh đạo UBND TP.HCM sớm xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (người hoạt động không chuyên trách cấp xã và một số đối tượng khác thuộc hệ thống chính trị) ngoài chế độ, chính sách theo quy định của trung ương, nhất là với người hoạt động không chuyên trách.
Trong đó xem xét thêm chính sách hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách...
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổng công ty, công ty nhà nước thuộc phạm vi TP quản lý tăng cường rà soát, xem xét ưu tiên tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư có đủ trình độ, năng lực và đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; nghiên cứu hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm trong khu vực tư; tạo điều kiện sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực của TP.
Đồng thời giao Ban Tổ chức Thành ủy rà soát, thực hiện bổ nhiệm ngạch công chức tương ứng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với cán bộ cấp huyện chưa là công chức nhưng được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh cán bộ nếu được điều động, luân chuyển đến các vị trí là công chức trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP theo quy định.
Tiến hành rà soát đội ngũ công chức, cộng tác viên, người lao động của đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện, đề xuất phương án sắp xếp phù hợp.
Còn Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức được giao tiếp nhận cán bộ công đoàn chuyên trách của 22 liên đoàn lao động quận, huyện, TP Thủ Đức để bố trí công tác tại các xã, phường sau sắp xếp.
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng quy định, kịp thời; bảo vệ quyền lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách sớm ổn định cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận