TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh đây là "cuộc cách mạng" thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động, rất cần thiết để cấu trúc lại cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị. Từ đó mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, hòa nhịp cùng thời đại, kịp thời đưa đất nước, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh.
Hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích đất nước
* Chúng ta đã trải qua nhiều lần tinh gọn bộ máy xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, nhất là từ năm 2017 đến nay. Từng là người trực tiếp tham gia vào công tác này, ông đánh giá thế nào về sự khác biệt của cuộc cách mạng lần này so với các lần trước?
- So với các lần vừa qua, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này có nhiều khác biệt. Cụ thể, được tiến hành một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan Đảng đến các cơ quan nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Quá trình thực hiện phải thống nhất về tư tưởng, với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Đồng thời phải đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Xu hướng của thế giới hiện nay trong tổ chức bộ máy nhà nước là "chính phủ nhỏ - xã hội lớn" và "chính phủ lái thuyền, không chèo thuyền". Tức là chính phủ không đi làm những việc cụ thể, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương. Phải chuyển từ chính phủ quản lý sang chính phủ quản trị và phục vụ.
Chính phủ vừa là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, vừa là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cần quan tâm đến hoạch định chính sách, điều tiết vĩ mô, ban hành các chính sách khắc phục khiếm khuyết, mặt trái của thị trường...
* Kết luận của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đây là một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Để đạt hiệu quả phải làm đến cùng, triệt để. Vậy theo ông, trong đợt sắp xếp này cần thực hiện như thế nào?
- Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả phải tiến hành một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, khoa học, tránh máy móc, cơ học và duy ý chí. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, dấn thân, dũng cảm và dám hy sinh các lợi ích nhỏ cá nhân để vì lợi ích lớn của đất nước, của dân tộc.
Các ban, ngành Trung ương gương mẫu, làm từ trên xuống dưới. Việc triển khai được tiến hành ngay và luôn, theo đúng tinh thần Tổng Bí thư nói "vừa chạy, vừa xếp hàng".
Việc thiết kế các tổ chức cần đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI). Giải quyết tốt mối quan hệ của ba trụ cột kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về phía các cơ quan của Đảng, việc tinh gọn bộ máy phải gắn liền với đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Phải phân vai rõ ràng và thực hiện đúng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp".
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phải phân định rõ ràng để gắn với trách nhiệm. Lãnh đạo và quản lý phải phân định rành mạch để thực hiện "đúng vai thuộc bài". Ví dụ như Quốc hội không thể đi làm thay nhiệm vụ của Chính phủ hoặc Chính phủ không thể vượt quyền, "lấn sân" Quốc hội...
Đưa ra khỏi nền công vụ những người không phù hợp
* Kết luận của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm khi nói về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã nhắc tới sự quyết tâm, dũng cảm, nêu gương cũng như sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Vậy theo ông, cần làm gì để khơi dậy những điều này?
- Chúng ta đều hiểu quá trình tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện phải giải quyết như dôi dư cán bộ, công chức, kể cả dôi dư lãnh đạo, quản lý. Không những thế, phải để các tình cảm riêng tư, lợi ích cá nhân sang một bên để rà soát, đánh giá, phân loại một cách khách quan, công minh và bố trí, trọng dụng những người xứng đáng, có năng lực, phẩm chất vào những vị trí trong tổ chức mới. Không nên vì yêu ghét cá nhân mà làm mất đi nguồn lực to lớn này. Đây là một vốn quý, nếu để họ đi chỗ khác cũng là lãng phí.
Cùng với đó sẽ phải sắp xếp bố trí một số trường hợp cán bộ vào những vị trí không như mong muốn hoặc đưa ra khỏi nền công vụ những người không phù hợp. Điều này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan phải rất khách quan, công minh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong dịp tái cấu trúc này.
Tôi vẫn thường chia sẻ làm việc ở đâu cũng tốt, không nên phân biệt khu vực công và tư, miễn là sống và làm việc có ích. Ai cũng có thể tìm được chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời. Mỗi vị trí lao động đều phải phù hợp với năng lực của mình thì làm việc mới có kết quả tốt.
* Sự hy sinh đó cũng cần được ghi nhận và có cơ chế chính sách thỏa đáng, nhất là về tài chính?
- Sự hy sinh, dấn thân vì lợi ích chung của mỗi người trong tinh gọn bộ máy cần phải được ghi nhận như một sự cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp, thỏa đáng đối với những trường hợp rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy. Chính sách hỗ trợ, quan tâm sẽ giúp bù đắp một phần sự hy sinh, cống hiến và họ có thể yên tâm, ổn định cũng như tìm một công việc mới ở khu vực khác.
Hiện nay các cơ quan chức năng như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối với các trường hợp dôi dư và phù hợp với khả năng tài chính đất nước. Tôi cho rằng cũng nên học tập kinh nghiệm của thời gian trước từng thực hiện.
Cụ thể vào những năm 1991 - 1992, nước ta đã từng thực hiện việc tinh giản biên chế. Khi đó chia thành ba nhóm cán bộ là nhóm ở lại làm việc, nhóm tạo điều kiện chuyển công tác khác và nhóm thực hiện chính sách dôi dư. Với các nhóm chuyển công tác, thực hiện chính sách thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi đều có chính sách thỏa đáng. Thời điểm đó đất nước dù còn khó khăn và chế độ có thể chưa phải cao nhưng các chính sách cũng tạo sự yên tâm, thuận lợi cho những người này.
* Đại biểu Quốc hội HỒ THỊ MINH (Quảng Trị):
Cần cơ chế đặc biệt đưa người không đủ năng lực khỏi bộ máy
Tôi nghĩ việc tinh gọn bộ máy ở cơ sở phải tùy vào tình hình ngành nghề chứ không thể chia tỉ lệ, cào bằng 10% như hiện nay. Tinh giản kiểu cơ học mà chưa có chính sách để đánh giá thực tế cán bộ dẫn đến bộ máy vẫn rất cồng kềnh.
Ví dụ, đối với ngành giáo dục, không thể cứ tinh giản hằng năm 10% mà phải tùy thuộc vào tỉ lệ học sinh. Đặc biệt, quan điểm của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó phải có giáo dục, phải có giáo viên. Hay tại một số bộ, ngành cũng thông tin rằng nếu tinh gọn thêm khoảng vài ba chục cán bộ thì vẫn hoạt động thông suốt.
Như vậy chúng ta phải quyết liệt rà soát, phải có một cơ chế, đặc biệt về các chính sách, tài chính để cho những người không đủ năng lực ra khỏi bộ máy. Đồng thời, đẩy mạnh tinh gọn các bộ phận trung gian, tham mưu nếu không cần thiết thì kết thúc hoạt động, hợp nhất...
* Ông VŨ ĐĂNG MINH (chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ):
Sẽ có cơ chế vượt trội với cán bộ dôi dư
Để có cơ sở tiến hành việc sắp xếp các tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban chỉ đạo sắp xếp Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức sau khi tiến hành sắp xếp. Đây là một chính sách, vấn đề nhạy cảm, phức tạp và tác động lớn đến xã hội, đòi hỏi phải làm rất nhanh.
Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định này. Hiện nay đang khẩn trương tiến hành đánh giá tác động, nghiên cứu sâu, nhiều chiều, kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành.
Để bảo đảm bố trí, sắp xếp con người, phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh để chúng ta có cơ chế, chính sách thực hiện sắp xếp, với tinh thần vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ.
Cùng với đó, phải bảo đảm tính ổn định và phát triển. Cũng phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời phải tính toán việc ưu tiên, bố trí, sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội.
Những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác có bề dày, uy tín về nghề nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệm sâu về chuyên môn của ngành, lĩnh vực đặc biệt, lĩnh vực đặc thù thì giữ lại phục vụ nền công vụ.
Bên cạnh đó, bảo đảm nguyên tắc có sự đồng thuận của hai bên. Khi cán bộ công chức, viên chức, người lao động muốn nghỉ theo chính sách này, phải có nguyện vọng và được sự đồng thuận, thống nhất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận