Trước đó, TP.HCM cũng triển khai đường một chiều ở các trục đường lớn, nhận nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân, chuyên gia. Thậm chí từng có những áp lực với những quyết định chuyển đường hai chiều thành một chiều. Vậy với đường một chiều, có chuyện gì để nói?
Người ở lo, người đi đường vui
Ngày 1-6, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) có lượng xe qua lại đông đúc. Vào giờ cao điểm, dòng xe nối đuôi nhau đi rất chậm theo hướng từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ở hướng ngược lại, dòng xe thông thoáng hơn.
Tại đường này sau điều chỉnh, xe không còn được đi theo hướng đường Nguyễn Thị Minh Khai ra đường Điện Biên Phủ mà phải đi đường Đinh Tiên Hoàng ra đường Nguyễn Văn Thủ hoặc vòng qua đường Hoàng Sa, Trường Sa để ra đường Điện Biên Phủ.
Anh Cao Văn Hợp (chủ quán phở 10 năm tuổi ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho hay không mong muốn tuyến đường này chuyển thành một chiều vì có thể ảnh hưởng đến việc buôn bán khi thực khách phải đi đường vòng nếu muốn đến quán.
"Khoảng ba năm nay, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đông đúc hơn, tuy nhiên chỉ ùn ứ chứ không đến nỗi tắc nghẽn.
Tình trạng ùn ứ cũng chỉ xảy ra vào giờ cao điểm nên việc chuyển đổi thành đường một chiều có thể điều chỉnh theo khung giờ chứ chưa cần thiết chuyển hẳn.
Quán ăn của tôi nằm bên trái đường (sau điều chỉnh - PV) nên thực khách chắc sẽ thích tấp vào hàng quán phía bên phải đường để ăn uống cho tiện hơn", anh Hợp nói.
Còn tại đường Yersin (quận 1), người dân lo ngại sẽ phải đi đường vòng mất nhiều thời gian hơn, giá cả bất động sản e rằng giảm.
Ví dụ, sau điều chỉnh, xe phải đi vòng qua đường Nguyễn Thái Học hoặc đường Lê Lai cách đó vài trăm mét chứ không theo lộ trình cũ được. Việc cho thuê mặt bằng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, hầu hết người đi đường thường xuyên phải đi qua những khu vực hai con đường kể trên rất đồng tình việc chuyển đổi thành đường một chiều.
Anh Trần Thiện Tâm cho hay hằng ngày đi làm đều phải băng qua giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tình trạng ùn tắc như cơm bữa vào giờ cao điểm khiến người dân khổ sở, mướt mồ hôi mới thoát ra được.
"Tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhỏ lại hai chiều nên xe chạy loạn xạ, bên nào có ô tô tấp vào đậu là ùn tắc cứng ngắc.
Do đó, TP.HCM nên sớm điều chỉnh đường một chiều để giải quyết ách tắc giao thông tại đây, gỡ rối các tuyến đường lân cận. Việc điều chỉnh này sẽ làm cho giao thông ổn định hơn trước, giao thông ở hai đầu giao lộ cũng được đảm bảo hơn...", anh Tâm nêu suy nghĩ.
Vì sao phải làm đường một chiều?
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết việc chuyển đổi các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Yersin... thành đường một chiều là nhằm giải quyết những bất cập giao thông đang tồn tại ở những khu vực này.
Trước khi điều chỉnh, sở đã cùng các đơn vị khác giám sát, theo dõi, cập nhật tình hình giao thông trên từng tuyến, điểm giao với các tuyến đường lân cận... Từ đó mới đưa ra đánh giá, đề xuất phương án xử lý, thậm chí chạy mô phỏng mới áp dụng thực tế.
Cụ thể, các đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Yersin đều là tuyến đường có lòng đường hẹp, lượng xe đông. Vào giờ cao điểm tạo ra những điểm tắc nghiêm trọng khiến dòng xe ùn ứ kéo dài ra các giao lộ khác, ảnh hưởng tới mạng lưới giao thông chung.
Suốt thời gian qua, ở những điểm này, cảnh sát giao thông phải căng mình để điều tiết giao thông, giải quyết kẹt xe.
Riêng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có nhiều giao cắt nên chỉ cần người dân quay đầu xe là tắc đường.
Không chỉ vậy, gần đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có trường học và lượng ô tô tập trung lớn. Sở cũng đã cân nhắc kỹ việc chọn thời gian điều chỉnh vào thời điểm hè để người dân, phụ huynh làm quen dần.
Trả lời câu hỏi: Làm đường một chiều có ảnh hưởng tới kinh doanh, mua bán của người dân? Vị này đồng ý việc điều chỉnh này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các hộ dân ở dọc tuyến đường, nhất là những hộ nằm bên trái đường.
"Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận rằng, thời gian qua nhiều tuyến đường chuyển đổi thành đường một chiều, kết hợp chỉnh đèn giao thông đã đem lại hiệu quả rõ rệt tại nhiều khu vực. Ví dụ đường Hồ Văn Huê, Nguyễn Kiệm, Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)... được triển khai thành công.
Nhờ điều chỉnh đường Nguyễn Kiệm, TP.HCM xóa được điểm ùn tắc nghiêm trọng tại đây. Nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã tổ chức đường một chiều từ lâu giúp đường sá thông thoáng", vị này phân tích.
Ưu tiên chọn cái lợi giao thông
TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định việc chuyển đổi thành đường một chiều sẽ có lợi cho giao thông nhưng kinh tế có thể bị ảnh hưởng (đối với những hộ buôn bán tại đó).
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị buộc lòng phải ưu tiên chọn cái lợi giao thông vì tính ảnh hưởng rất lớn.
Hiện nay, TP.HCM đang đối mặt với câu chuyện có nhiều tuyến đường nhỏ, trong khi mật độ lưu thông lại quá lớn và ngày càng tăng thêm. Đặc biệt là lượng ô tô khủng khiếp dồn vào trung tâm TP.HCM.
Từ việc đường sá không đáp ứng dẫn tới ùn tắc giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông cũng cao hơn. Từ đó, gây ra những thiệt hại rất lớn về nhiều mặt kinh tế, xã hội, môi trường... Vì vậy, việc nghiên cứu và chuyển đổi một số tuyến thành đường một chiều là cần thiết.
Trước hết, đường một chiều khó xảy ra kẹt xe, ít xảy ra xung đột khi dòng xe đối đầu nhau như đường hai chiều, nhất là các tuyến đường không có dải phân cách lớn. Người dân đi đường một chiều an toàn hơn và tốc độ lưu thông cũng nhanh hơn.
Thực tế, TP.HCM từng điều chỉnh hai chiều thành một chiều ở nhiều khu vực giúp giảm hẳn tình trạng ùn tắc. Có nơi ban đầu người dân phản đối, nhưng sau rất ủng hộ vì hướng đến mục tiêu chung là giải quyết ách tắc giao thông.
Vẫn cần thêm giải pháp lâu dài
Trong ngày hôm qua 3-6, ngày đầu tiên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thành đường một chiều, từ rất sớm, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt tại giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai để phân luồng, điều tiết giao thông.
Các biển báo cấm đi ngược chiều, băng rôn thông báo về việc chuyển đổi đường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ hai chiều thành một chiều được cơ quan chức năng gắn tại giao lộ này và các tuyến đường lân cận.
Nhìn chung, đa số người dân đều đã biết và chấp hành việc điều chỉnh mới. Vì là dịp cuối tuần, xe cũng ít nên không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân "bỡ ngỡ", đi theo thói quen cũ nên được cảnh sát giao thông nhắc nhở quay xe đi hướng khác.
Ghi nhận ý kiến từ người dân, chuyên gia cũng cho thấy việc tổ chức đường một chiều là giải pháp trước mắt, về lâu dài TP.HCM cần tập trung nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân.
Bên cạnh đó, cần đến việc mở rộng đường, cải tạo các nút giao thông, giải tỏa lấn chiếm lề đường, tổ chức giao thông thông minh... Các giải pháp phát triển xe công cộng, giảm xe cá nhân vào trung tâm TP.HCM cũng cần làm sớm.
Sau điều chỉnh, nơi ổn định, chỗ chưa thông
Đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng về đường Hai Bà Trưng) đã được chuyển thành đường một chiều từ tháng 4-2022. Từ đó đến nay, đoạn đường này đã giảm ùn ứ giao thông rõ rệt.
Cách đó không xa, đường Nguyễn Siêu (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến đường Ngô Văn Năm) cũng được chuyển thành đường một chiều từ tháng 9-2022.
Vì đoạn đường này khá ngắn, đa số người dân chấp hành việc điều chỉnh nên giao thông thông thoáng. Tuy nhiên, vào các giờ cao điểm, vẫn còn một số ít người đi xe máy thản nhiên chạy ngược chiều khiến cho giao thông khu vực trở nên "bát nháo".
Anh Đỗ Mạnh Huy (tài xế xe công nghệ) cho hay khu vực này có sự thay đổi tích cực về mặt giao thông từ khi điều chỉnh thành một chiều. Những ngày đầu thông xe cầu Ba Son, giao thông khu vực này vẫn còn rối rắm.
Đến khi lực lượng chức năng điều chỉnh hai đoạn đường trên thành đường một chiều thì xe cộ đi lại cũng thông suốt hơn. "Có một số địa điểm buộc mình phải chạy vòng xa hơn một chút để đón khách nhưng vẫn sướng hơn là ùn tắc giao thông, chạy cà nhích", anh Huy nói.
Trong khi đó, từ cuối năm 2018 đến nay, hình ảnh nhiều người dân đi trên đường Trường Sa và Hoàng Sa (khu vực cầu Lê Văn Sỹ về hướng đường Lê Bình, quận Tân Bình) vun vút chạy ngược chiều trên các cây cầu một chiều (nối liền đường Trường Sa và Hoàng Sa) đã không còn lạ lẫm.
Chẳng hạn cầu số 1 và số 3 chỉ cho phép được rẽ trái khi đi từ đường Trường Sa sang đường Hoàng Sa và các cầu số 2, 4, 5 được phép rẽ trái nếu đi từ đường Hoàng Sa sang Trường Sa nhưng vẫn không ít người không chấp hành. Từ đó, xe cộ qua lại vẫn rối như "tơ vò" và thường xuyên xảy ra va chạm giao thông vì không chấp nhận chạy đúng chiều do ngại chạy xa.
Ông Xuân Thức (ngụ quận 3) chia sẻ: "Tại đoạn cầu số 4, xe cộ chỉ được phép rẽ trái từ đường Hoàng Sa sang Trường Sa. Tuy nhiên, ngày nào cũng có người dân đi ngược chiều, bất chấp biển báo và cột phân làn giao thông.
Nếu đi đúng thì phải chạy đến cây cầu khác cách 1 - 2km. Ngày trước cơ quan chức năng cho chạy cả hai chiều trên các cây cầu, tôi thấy như vậy cũng có sao đâu".
Trong khi đó, tại đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), tình trạng người dân chạy xe ngược chiều theo hướng từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua đường Đinh Bộ Lĩnh cũng diễn ra như "cơm bữa", mặc dù ở khu vực này lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên có mặt.
Một số người dân cho biết nếu không đi ngược chiều thì họ phải đi đường vòng theo hướng bến xe Miền Đông cũ (dài khoảng 1km). Điều đáng nói đoạn đường vòng này lại thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Ông Minh Vũ (sinh sống tại đường Nguyễn Xí) cho biết do lượng xe cộ đông nên tuyến đường khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ. Thêm vào đó, một số người dân thản nhiên đi ngược chiều nên giao thông khu vực có lúc vẫn rối.
"Việc chuyển từ đường hai chiều thành đường một chiều được coi như một giải pháp để giảm thiểu tắc đường và cải thiện an toàn giao thông. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng.
Ưu điểm thì ai cũng thấy là giao thông ổn định hơn. Còn khuyết điểm thì việc thay đổi có thể gây phản đối của người dân bị ảnh hưởng, quan tâm đến việc đi gần hơn là được. Đồng thời, ảnh hưởng đến tiện nghi của các cư dân địa phương và hàng quán hai bên đường. Điều này đặc biệt đúng với những tuyến đường chính, có nhiều nhà dân.
Tuy nhiên, dần dà người dân cũng chấp nhận thay đổi sự điều chỉnh đó khi họ đã hình thành thói quen mới. Chỉ còn lại một số ít người dân vẫn bất chấp đi ngược chiều, vấn đề này nằm ở ý thức mỗi người", ông Vũ chia sẻ.
Tránh "lợi bất cập hại"
Ông Nguyễn Văn Phúc, một người dân sống trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), kể lại nhiều năm trước khi có thông báo chuyển đường Nguyễn Kiệm thành đường một chiều để giảm kẹt xe, người đi đường thì vui mừng ủng hộ còn người dân sống dọc đường ai cũng buồn và phản đối bởi từ nay quán xá ế ẩm, giá nhà sẽ giảm.
Cho đến bây giờ, trong những cuộc họp, nhiều người vẫn kiến nghị chuyển đường Nguyễn Kiệm thành hai chiều trở lại.
Sau đó, việc điều chỉnh một chiều rõ ràng đã phát huy hiệu quả của nó khi góp phần xóa ùn tắc giao thông ở hai đầu đường. Điểm ùn tại đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Kiệm và đường ray xe lửa cũng giảm hẳn theo thời gian.
Ông Phúc nói mỗi tuyến đường, mỗi khu vực giao thông sẽ có những phương án khác nhau để giải quyết các vấn đề giao thông. Chính vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các đơn vị cũng nên nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng để đem lại hiệu quả cao, tránh trường hợp "lợi bất cập hại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận