09/02/2025 15:58 GMT+7

TP.HCM: Số trạm cấp cứu vệ tinh không ngừng gia tăng

Dịch vụ cấp cứu ngoại viện của ngành y tế TP.HCM đã tạo dựng được niềm tin đến người dân.

TP.HCM: Số trạm cấp cứu vệ tinh không ngừng gia tăng - Ảnh 1.

Điều phối viên kết nối hướng dẫn sơ cứu qua videocall - Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115

Ngày 9-2, Sở Y tế TP.HCM cho biết trước năm 2013, hoạt động cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM chỉ do Bệnh viện Trưng Vương đảm trách với nguồn lực chỉ có 5 xe cứu thương, mỗi năm tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Trước thực trạng này, ngành y tế thành phố đã tham mưu lãnh đạo thành phố thành lập Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân theo mô hình làm trạm cấp cứu vệ tinh đặt ngay tại các khoa cấp cứu của bệnh viện và chịu sự điều phối chung của Trung tâm Cấp cứu 115.

Đây có thể xem là cách làm sáng tạo về hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh thay vì chỉ có Trung tâm Cấp cứu 115.

Qua từng năm, số trạm cấp cứu vệ tinh không ngừng gia tăng. Hiện TP.HCM đã có 44 trạm vệ tinh, góp phần bao phủ cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đến tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Số lượng cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước. Điều này cho thấy dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã tạo dựng được niềm tin đến người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng cấp cứu ngoại viện đã từng bước triển khai các loại hình cấp cứu chuyên sâu như cấp cứu người bệnh tâm thần, bệnh trầm cảm có ý định tự sát, cấp cứu người bệnh đột quỵ đảm bảo giờ vàng trong điều trị, cấp cứu người bệnh đa chấn thương bằng quy trình báo động đỏ liên viện.

Tổng đài 115 đã triển khai các quy trình tư vấn, hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại, vừa trấn an vừa giúp người dân có thể thực hiện được những việc nên làm trong khi chờ kíp cấp cứu đến, thậm chí có thể hướng dẫn sơ cứu từ xa.

Quy trình hướng dẫn hồi sinh tim phổi, sơ cứu hóc dị vật qua điện thoại thực sự đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Trong hơn 1 năm triển khai, có 1.469 trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp được sơ cứu qua điện thoại, giúp cải thiện tỉ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng thêm được 11%.

Tiếp tục nghiên cứu thực hiện loại hình cấp cứu đường không, đường thủy

Không dừng lại ở cấp cứu đường bộ, TP.HCM cũng đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện loại hình cấp cứu đường không, đường thủy phù hợp với thực tiễn về nguồn lực và địa lý của địa phương; tăng khả năng kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các khu vực biển đảo...

Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai thành công nhiều trường hợp cấp cứu đường không cho các bệnh nhân là chiến sĩ, ngư dân nơi các vùng biển đảo; người dân trên xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ cần cấp cứu vẫn đang được triển khai vận chuyển bằng tàu thủy vào đất liền.

Hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu sẽ tiếp tục được nâng cấp theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phân loại ưu tiên cấp cứu, tối ưu hóa nguồn lực và dự đoán nhu cầu cấp cứu.

Đội ngũ cấp cứu viên ngoại viện tiếp tục được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, kết hợp lực lượng bán chuyên và tình nguyện viên, tạo nên hệ thống cấp cứu đa tầng, đáp ứng mọi tình huống khẩn cấp.

Số cuộc gọi gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 đã tăng 40 lần - Ảnh 2.Hồi sinh tim phổi qua điện thoại, Trung tâm Cấp cứu 115 cứu sống nhiều bệnh nhân

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã triển khai giải pháp "Hồi sinh tim phổi qua điện thoại", cứu sống được nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên