15/09/2022 20:21 GMT+7

TP.HCM muốn giảm biên độ dao động giá vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Trả lời UBND TP.HCM về giải pháp để giảm biên độ dao động của giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm hè, Bộ Giao thông vận tải cho biết giá vé máy bay vẫn chưa vượt mức tối đa của khung giá ban hành từ năm 2015 tới nay.

TP.HCM muốn giảm biên độ dao động giá vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải nói gì? - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang chờ mặt bằng để khởi công - Nguồn: ACV

Trả lời kiến nghị giảm biên độ dao động của giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm hè, trong công văn gửi UBND TP.HCM ngày 14-9, Bộ Giao thông vận tải cho biết giá vé máy bay phổ thông nội địa được thực hiện theo khung giá quy định tại thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của bộ này về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, giá vé máy bay trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt, hãng hàng không kê khai nhiều dải giá gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao đảm bảo không vượt mức giá tối đa (giá trần) quy định tại thông tư số 17/2019/TT-BGTVT. Hãng hàng không thực hiện niêm yết giá công khai trên trang thông tin điện tử của hãng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết mức tối đa giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa theo thông tư 17/2019/TT-BGTVT đã được áp dụng từ năm 2015 đến nay.

Từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí của hãng hàng không nên các hãng đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.

Tuy nhiên, trong thời gian chưa tăng giá trần, các hãng hàng không đã chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động của giá nhiên liệu.

Vừa qua, cử tri TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm sớm đầu tư, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: xây dựng nhiều nhà ga, bãi đậu xe cho mỗi nhà ga, xây dựng hệ thống đường ống đưa đón khách ra vào máy bay, xây dựng thêm xưởng bảo dưỡng máy bay để đạt độ an toàn cho các chuyến bay.

Thông qua công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để trả lời kiến nghị trên của cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (nhà để xe cao tầng, hệ thống cầu ống lồng…) của sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức triển khai thực hiện với quy mô khoảng 20 triệu hành khách/năm.

Dự án dự kiến khởi công trong quý 4-2022, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024. Cùng với các nhà ga T1 và T2, sau khi hoàn thành nhà ga T3 sẽ nâng tổng công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong 7 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách nội địa thông qua các sân bay đạt 52,2 triệu lượt, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng hành khách nội địa thông qua sân bay Tân Sơn Nhất tháng 7-2022 đạt gần 3,1 triệu lượt.

Vietnam Airlines lý giải vì sao mình lỗ mà hãng khác báo lãi Vietnam Airlines lý giải vì sao mình lỗ mà hãng khác báo lãi

TTO - Đại diện Vietnam Airlines cho biết ngoài vận tải hàng không, hãng không kinh doanh gì thêm để có khoản bù đắp khoản lỗ từ vận tải nên báo lỗ, trong khi hãng khác báo có lãi.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên